.
Kỷ niệm 10 năm thành lập Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình (18-1-2005 - 18-1-2015):

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát triển sự nghiệp thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới

Thứ Năm, 15/01/2015, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh ta đã nỗ lực phấn đấu, có những đóng góp quan trọng, ngày càng khẳng định chức năng, nhiệm vụ và vị thế của mình trong quá trình phát triển đi lên của tỉnh nhà.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tổng biên tập Báo Quảng Bình nhấn nút khai trương Báo điện tử Quảng Bình.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tổng biên tập Báo Quảng Bình nhấn nút khai trương Báo điện tử Quảng Bình.

Xác định vai trò hết sức quan trọng của thông tin và truyền thông, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho ngành Thông tin và Truyền thông phát triển. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Chính phủ thống nhất chủ trương thành lập hệ thống quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông từ Trung ương đến địa phương.

Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã có chủ trương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm thành lập Sở Bưu chính - Viễn thông và từ năm 2005 đến nay là Sở Thông tin và Truyền thông (trên cơ sở giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Sở Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa Thông tin). Việc thành lập Sở Thông tin và Truyền thông đã thể hiện được tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý, phù hợp với xu thế phát triển của thời kỳ mới.

Trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh ta đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm, gắn liền với triển khai quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước đẩy mạnh sự nghiệp thông tin và truyền thông tỉnh nhà phát triển.

Bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung công việc. Trong đó, nổi bật là tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án và các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như: Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông của tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch hạ tầng viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản, in và phát hành đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 14-2-2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại; Đề án Phát sóng kênh truyền hình Quảng Bình trên vệ tinh Vinasat 1; Kế hoạch triển khai Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" tại tỉnh; Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2011-2015; các chỉ thị tăng cường quản lý về báo chí, xuất bản, in, phát hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...

Với hệ thống văn bản quan trọng này đã tạo hành lang pháp lý cơ bản, tạo điều kiện cho việc triển khai, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong các cơ quan nhà nước và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đưa công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thông tin và truyền thông ngày càng chặt chẽ, bảo đảm sự quản lý đi đôi với phát triển.

Đặc biệt, lĩnh vực báo chí, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, xử lý các vấn đề báo nêu đã được tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng hướng, bình đẳng, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và diễn đàn tin cậy của nhân dân. Đã tham mưu tổ chức thực hiện tốt Luật Báo chí, Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy định sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh; tổ chức thành công nhiều hoạt động báo chí có ý nghĩa thiết thực, như: Triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, triển lãm ảnh Biển đảo quê hương, liên hoan thông tin lưu động về an toàn giao thông, phòng chống ma túy; tổ chức Giải báo chí tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, Giải báo chí về an toàn giao thông... góp phần đưa hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, phát triển cả chất lượng và số lượng.

Lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông có nhiều chuyển biến tích cực, đã nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng cáp quang, trạm BTS, internet đến tận các xã; số máy điện thoại và sử dụng internet tăng nhanh. Triển khai tốt quy hoạch bưu chính viễn thông, bảo đảm hạ tầng đồng bộ. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành đầu tư phát triển mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, đóng góp ngân sách cho Nhà nước. Đến nay, 100% địa bàn phủ sóng di động, sóng truyền hình, bảo đảm thông tin liên lạc. Góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh như phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm thông tin liên lạc tại các vùng xung yếu, miền núi, ven biển, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lĩnh vực công nghệ thông tin được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành đã mạng lại năng suất, hiệu quả cao trong mọi hoạt động của đời sống xã hội và hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước. Các hệ thống dùng chung của tỉnh như hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống giao ban trực tuyến, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công, quản lý nhân sự, trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu cơ quan Đảng, Nhà nước... được triển khai sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo và điều hành, xử lý công việc; tìm kiếm thông tin, dịch vụ công bảo đảm vừa nhanh, gọn, vừa hiệu quả, tạo nền tảng để thực hiện vận hành Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh triển khai tốt các nhiệm vụ, công tác tổ chức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành được kiện toàn đủ về số lượng, chất lượng. Từng bước xây dựng nền công vụ “chuyên nghiệp - năng động - minh bạch - hiệu quả ”, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trong tình hình mới. Công tác xây dựng Đảng trong ngành được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức Đảng trong đơn vị nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn một số hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao. Xử lý thông tin báo chí nhạy cảm còn chậm, công tác thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở chưa rõ nét, nhiều người dân chưa xem được truyền hình Quảng Bình, hoạt động của truyền thanh cấp xã hiệu quả chưa cao; tin nhắn rác, công tác bảo đảm thông tin liên lạc chưa kịp thời, hạ tầng viễn thông còn thiếu đồng bộ, thiếu mỹ quan; băng thông rộng chưa đáp ứng nhu cầu. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin chưa vững chắc; nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chưa tưng xứng với yêu cầu đặt ra.

Trước tình hình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, cùng với sự bùng nổ thông tin sẽ tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với ngành Thông tin và Truyền thông. Trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh nhà phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao, thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt các đề án, chương trình của Chính phủ: Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin và truyền thông; Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020; Quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông; Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản của tỉnh.

Hai là, ngành cần chủ động và tích cực hơn nữa để tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế chính sách, các chương trình, dự án thúc đẩy sự nghiệp thông tin và truyền thông phát triển. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác định hướng, hướng dẫn tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và thông tin kinh tế-xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng của đất nước và của tỉnh, trọng tâm là tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước... Làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại nhằm tạo sự đồng thuận xã hội và bầu không khí chính trị tích cực để vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Ba là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch viễn thông, sử dụng chung hạ tầng, ngầm hóa, chỉnh trang cáp trên cột điện, quản lý thuê bao trả trước, bảo đảm an toàn mạng lưới viễn thông. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông, xây dựng nông thôn mới; triển khai cáp quang đến 100% xã, phường, thị trấn, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền.

Cùng với nhiệm vụ trên, ngành cần khẩn trương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, từng bước xây dựng tỉnh điện tử, công dân điện tử.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển sự nghiệp thông tin và truyền thông, tiếp tục nỗ lực phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng bộ máy tổ chức đơn vị bảo đảm tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh