.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015):

Đảng bộ Quảng Bình 85 năm xây dựng và trưởng thành (tiếp theo)

Thứ Ba, 13/01/2015, 12:25 [GMT+7]

IV - Đảng bộ lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Với đại thắng mùa xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Nam - Bắc sum họp một nhà, non sông thu về một mối. Cùng với đồng bào, chiến sĩ cả nước, Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới từ Đại hội VI của Đảng năm 1986 do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Tháng 3 năm 1976, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. 13 năm nhập tỉnh, các đảng bộ và nhân dân các địa phương ở Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội IV, V, VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ nhất, lần thứ II, III, IV, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Bình Trị Thiên giàu mạnh. Đây là thời kỳ Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình vượt qua nhiều khó khăn thử thách.

Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm 80 làm cho đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Trong lúc đó, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện công cuộc đổi mới, bước đầu giành những kết quả quan trọng.

Để phù hợp với thực tiễn xây dựng CNXH trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới chính sách kinh tế xã hội, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tháng 7 năm 1989, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII, tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Ngày 1 tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập, trở thành một tỉnh riêng với địa giới và tên gọi vốn có trong lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và đã thu được những kết quả rất đáng tự hào.

Từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 4 năm 1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 1) được tổ chức tại thị xã Đồng Hới với sự tham dự của 300 đại biểu thay mặt cho 37.996 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh đã thống nhất về ý chí, quyết tâm kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa là cơ sở cho sự thống nhất lãnh đạo và tổ chức thực hiện của Đảng bộ trong thời gian tới.

Sau Đại hội vòng 1, ngày 1 tháng 6 năm 1991, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn về công tác trọng tâm trước mắt và khẩn trương chuẩn bị nội dung và nhân sự cho Đại hội Đảng bộ vòng 2. Ngày 5 tháng 7 năm 1991, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 04CT/TV về việc tiến hành Đại hội Đảng bộ 3 cấp vòng 2. Từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 8 năm 1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XI vòng 2 được tiến hành tại thị xã Đồng Hới. Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế, trong nước, những yêu cầu khách quan đang đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình trên bước đường đổi mới, Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 1991- 1995.

Trong 5 năm 1991-1995, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu đưa nền kinh tế của tỉnh đi vào thế ổn định và từng bước phát triển. Đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI, VII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhịp độ tăng trưởng bình quân GDP đạt 7,64%, cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (năm 1990 tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm 12,5%, dịch vụ 38,3%; năm 1995 công nghiệp tăng lên 19,4%, dịch vụ 41,1%), ... tạo tiền đề cơ bản để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp một cách toàn diện cả về sản xuất lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi và phát triển dịch vụ chế biến.

Đi đôi với bố trí lại cơ cấu nền kinh tế đã thực hiện chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo quan điểm, chính sách của Đảng và phù hợp với thực tế địa phương. Cuối năm 1995, kinh tế nhà nước chiếm 21,3%, kinh tế tập thể 28,4%; kinh tế cá thể 49,7%, kinh tế tư nhân 1,6%. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm đầu tư đúng mức và đang ngày càng tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII họp trong 4 ngày, từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5 năm 1996 tại thị xã Đồng Hới. Tham gia Đại hội có 300 đại biểu đại diện cho hơn 38.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã thông qua bản tổng hợp ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Bình vào các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII; đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 5 năm 1996-2000; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 5 năm 1996-2000.

Nhờ có quyết tâm cao và sự chỉ đạo cụ thể, kiên quyết nên những mục tiêu kinh tế đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã cơ bản đạt được. Kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá, nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 1996-2000 đạt 8,2%, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng bình quân 5,3%/năm, công nghiệp tăng 17,2/năm, dịch vụ tăng 7%/năm. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn đã chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nông nghiệp từ 40,66% năm 1995 đến năm 2000  là 38,80%; trong khi đó tỷ trọng công nghiệp tăng từ 19,1% năm 1995 lên 24,3% năm 2000.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đoàn kết nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Bình lần thứ XIII nhiệm kỳ 2001- 2005 tiến hành từ ngày 01 đến ngày 4 tháng 1 năm 2001. Tham dự  Đại hội có 300 đại biểu thay mặt cho hơn 41.000 đảng viên của Đảng bộ. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII có nhiệm vụ: Thảo luận và thông qua tổng hợp ý kiến tham gia vào các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; thảo luận và thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương VI (lần 2) khoá VIII; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2001-2005; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử, là Đại hội đầu tiên bước vào thế kỷ XXI, là mốc son đánh dấu đất nước và quê hương Quảng Bình chúng ta bước sang một thời kỳ mới- thời kỳ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngày 29 và 30 tháng 8 năm 2003, tại thị xã Đồng Hới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Hội nghị nhận định, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, phần lớn những mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản về kinh tế, xã hội trong các năm 2001, 2002 và 6 tháng đầu năm 2003 đạt khá cao. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tăng dần từ 7,2% (năm 2001) lên 8,33% (năm 2002) và 8,54% trong 6 tháng đầu năm 2003, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển tương đối nhanh. Chính trị - xã hội giữ vững sự ổn định, quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường. Đời sống kinh tế - văn hóa của nhân dân được cải thiện một bước đáng kể.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến tốt về nhiều mặt. Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt yêu cầu đề ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. Hội nghị đề ra các chủ trương, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế; về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển văn hóa-xã hội; về quốc phòng - an ninh, đối ngoại; về công tác xây dựng Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2005-2010 được tiến hành từ ngày 25 đến 28 tháng 12 năm 2005. Tham dự Đại hội có 300 đại biểu đại diện cho hơn 50 ngàn đảng viên toàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2005-2010 của Đảng bộ; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội X của Đảng; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2005-2010; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV.

Nhờ sự chỉ đạo cụ thể, kiên quyết nên những mục tiêu kinh tế đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã cơ bản đạt được. Kinh tế phát triển ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn sản xuất với thị trường. Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2001-2005 đạt 8,85%. Đến cuối năm 2005, GDP của tỉnh có tỷ trọng: công nghiệp-xây dựng 32,1%, nông nghiệp 29,7%, dịch vụ 38,2%. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 4,95%/năm, công nghiệp tăng 18%/năm, dịch vụ đạt bình quân 8,7%/năm. Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiến bộ khá đồng đều; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục-thể thao, dân số-gia đình và trẻ em… đạt kết quả tích cực. Tình hình chính trị-xã hội giữ vững sự ổn định, quốc phòng-an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được coi trọng...

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là sự kiện chính trị trọng đại, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình tăng cường đoàn kết, đổi mới toàn diện và sâu sắc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân, động viên mọi nguồn lực xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tốc độ phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trong 5 năm tới đưa tỉnh ta ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, cơ bản đạt trình độ phát triển ngang mức trung bình của cả nước.

Trong 2 ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Qua nửa nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động bất lợi của tình hình lạm phát, thiên tai, dịch bệnh nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao; hướng phát triển đi lên với mục tiêu thoát nghèo của tỉnh ngày càng rõ.

Nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra đã đạt kế hoạch, nhất là nhóm các chỉ tiêu kinh tế, đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 2 năm 2006-2007 đạt 11,5%, dự ước năm 2008 đạt 12%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21,5%, dự ước năm 2008 đạt 21,1%; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 2 năm 2006-2007 tăng 4,6%, dự ước năm 2008 đạt 4,5%; kim ngạch xuất khẩu năm 2006 đạt 38,23 triệu USD, năm 2007 đạt 52,8 triệu USD và dự ước năm 2008 đạt 60 triệu USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngày càng được huy động tốt hơn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, đồng bộ, tạo được những chuyển biến mới trên một số mặt; năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, quản lý điều hành của chính quyền được nâng cao. Vai trò của Mặt trận, các đoàn thể ngày càng được phát huy; dân chủ xã hội được mở rộng và tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân. Nhờ đó, đã giữ vững sự ổn định chính trị, tạo được sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, từng bước vượt qua khó khăn, thúc đẩy quá trình đổi mới toàn diện hơn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

(Còn nữa)