.

Nghiên cứu sự hình thành và phát triển của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Thứ Ba, 23/12/2014, 11:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục đích hệ thống lại khối tài liệu đồ sộ về 65 năm lịch sử của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, góp phần khơi dậy niềm tự hào, truyền thống cách mạng của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Lịch sử Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (giai đoạn 1946-2011)” đã được ra đời.

Thông qua đó, đề tài đã góp phần tổng kết những bài học lịch sử, cung cấp nguồn tài liệu, luận cứ khoa học và kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là chủ nhiệm đề tài, phối hợp với các đồng chí trong Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Ngay từ phần mở đầu, tính cấp thiết của đề tài đã được khẳng định rõ. Kể từ năm 1946 trở lại đây, các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn thể hiện ý chí trách nhiệm, gương mẫu và luôn nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân trong xây dựng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đề tài được bảo vệ tại Hội đồng khoa học cấp tỉnh năm 2014.
Đề tài được bảo vệ tại Hội đồng khoa học cấp tỉnh năm 2014.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một tài liệu ghi chép nào phản ánh đầy đủ, hệ thống nhất về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh qua các thời kỳ, trong khi, việc rút ra các bài học thực tiễn, kinh nghiệm cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thời gian tới đóng một vai trò quan trọng. Thực tế đó đã hối thúc những người thực hiện đề tài thêm quyết tâm, cố gắng để triển khai hiệu quả các công việc nghiên cứu và cung cấp một tài liệu tuyên truyền hoàn thiện nhất về Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Theo tiến trình thời gian, đề tài đã đưa đến những góc nhìn đa diện và đầy đủ nhất về quá trình hình thành và phát triển của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từ khóa I ngày đầu sơ khai cho đến khóa XIII mới nhất. Đặc biệt, nhiều tư liệu quý lần đầu được khai thác và mang đến những thông tin bổ ích cho người đọc. Cuộc bầu cử đầu tiên tại tỉnh ta vào ngày 6-1-1946 được tái hiện nguyên vẹn, nhiều cảm xúc, từ khâu chuẩn bị gấp rút, khẩn trương cho đến không khí sôi nổi, hồ hởi, tưng bừng của nhân dân...

Các đại biểu Quốc hội tỉnh nhà khóa đầu tiên đã nỗ lực cùng Quốc hội khóa I xây dựng hiến pháp và các đạo luật, các kế hoạch khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tích cực tham gia tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Quốc hội đến với toàn dân. Họ là những người con ưu tú của mảnh đất Quảng Bình, phát huy tinh thần trách nhiệm, làm tròn xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1960 đánh dấu sự kiện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ra đời và nỗ lực hoàn thành sứ mệnh được giao trong bối cảnh đất nước, tỉnh nhà gặp muôn vàn khó khăn. Đoàn đã góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình trong vận động hợp tác hóa nông nghiệp, cải tiến quản lý hợp tác xã, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương, cải thiện từng bước đời sống nhân dân.

Bước sang thời kỳ đổi mới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của mình nhờ sự đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, góp phần vào việc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tỉnh nhà. 65 năm hình thành và phát triển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn xứng danh là những người đại diện ưu tú của nhân dân, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước để phục vụ.

Điểm quan trọng nhất của đề tài là đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đó là, cần chú trọng đến phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ và ý thức trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đồng thời cần nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và phải thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, thân dân, hiểu dân, lắng nghe mọi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các bài học trong hoàn thiện đội ngũ đại biểu Quốc hội cũng đóng một vai trò quan trọng, như: bảo đảm điều kiện hoạt động và chăm lo bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu; xây dựng và phát huy vai trò của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...

M.N