.

Chủ tịch nước: Tránh tạo dư luận xấu về xử lý án kinh tế, chức vụ

Thứ Hai, 22/12/2014, 15:29 [GMT+7]

Ngày 22-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát năm 2014.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Ban Nội chính, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước biểu dương 10 kết quả công tác nổi bật của ngành kiểm sát trong năm vừa qua, gồm triển khai thi hành nghiêm túc Hiến pháp năm 2013; hoàn thành dự án Luật Tổ chức Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi); bảo đảm chất lượng, đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ biểu quyết tán thành cao.

Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nghiêm minh các vụ án về tham nhũng, nhất là các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng được Đảng, Quốc hội đánh giá cao; đã thực hành quyền công tố các kiểm sát điều tra 15 vụ; thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 6 vụ án lớn về kinh tế, chức vụ, tham nhũng: Vụ Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hào, Nguyễn Hữu Mãnh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Việt Hùng, Nguyễn Đức Kiên.

Tăng cường phát hiện, điều tra xử lý một số vụ án liên quan đến vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm: Vụ làm sai lệch hồ sơ tại Bắc Giang, vụ bức cung, dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Sóc Trăng; một số vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp: Vụ Nguyễn Duy Hiệp, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Thanh Liêm, Hà Nam; vụ Lê Sỹ Thuần, Thư ký Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa...

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng tình hình tội phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt một số lĩnh vực như tội phạm tham nhũng, ma túy, tuy có giảm số vụ nhưng tính chất và quy mô lại lớn hơn và tinh vi hơn, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho ngành kiểm sát nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.

Đề cập những vướng mắc, tồn tại, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua, các cơ quan tố tụng đã đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án tham nhũng và kinh tế lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Chủ tịch nước đề nghị cần phải tìm ra nguyên nhân để sớm khắc phục, tránh tạo nên dư luận không đúng, nhất là xử lý các vụ án kinh tế, chức vụ.

Về hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa của kiểm sát viên còn hạn chế, Chủ tịch nêu rõ, đây là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng tiến trình cải cách tư pháp.

Nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện pháp luật theo Hiến pháp mới, Chủ tịch nước đề nghị ngành kiểm sát rà soát các quy định, phối hợp với các bộ, ngành làm rõ những vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn, sớm thông qua được các đề án, dự án luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác thực thi pháp luật hiệu quả.

Báo cáo tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết năm 2014, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố 77.500 vụ án, tăng 1,4% so với năm 2013, trong đó số vụ án tăng chủ yếu thuộc nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu và tội phạm về tham nhũng.

Đáng chú ý, năm 2014 các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn tại các ngân hàng, trong thực hiện các dự án lớn của Nhà nước.

Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, tác động xấu đến môi trường đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Số tội phạm có tính chất xã hội đen vẫn diễn ra với thủ đoạn tinh vi hơn. Án về ma túy giảm số vụ nhưng lại có quy mô lớn, có tính chất ngày càng nghiêm trọng. Các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp; một số vụ việc tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị và trật tự xã hội.

Trước tình hình đó, các cơ quan tư pháp nói chung, ngành kiểm sát nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Ngành xác định "Tăng cường các biện pháp chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm" là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo toàn ngành thực hiện những nội dung đột phá tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động. Nổi bật là công tác điều tra khám phá tội phạm được đẩy nhanh, chất lượng điều tra được nâng lên; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngày càng chặt chẽ, chính xác hơn. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được tập trung thực hiện nhằm hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm; tập trung xử lý nghiêm các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục: Kết quả phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ chưa nhiều; chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đạt yêu cầu; số vụ án, quyết định bị hủy sửa còn xảy ra; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa tuy chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Theo Hoàng Giang (TTXVN/Vietnam+)