.

Về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng ở Tuyên Hóa: Vẫn còn nhiều hạn chế

Thứ Tư, 27/08/2014, 07:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 16-7-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 22-CT/TU về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Đây là chỉ thị có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và sự phát triển toàn diện của tỉnh. Thực hiện chỉ thị này, huyện Tuyên Hóa đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đòi hỏi các cấp ủy đảng phải nỗ lực thực hiện quyết liệt hơn nữa...

Những kết quả nhất định

Huyện miền núi Tuyên Hóa hiện có 47 TCCS đảng, trong đó có 20 đảng bộ xã, thị trấn, 5 đảng bộ khối cơ quan, đơn vị và 22 chi bộ trực thuộc Huyện ủy. Xác định được vai trò, tầm quan trọng của việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Tuyên Hoá đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các TCCS đảng thực hiện việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Sau khi Chỉ thị 11-CT/TW ngày 28-12-1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các TCCS đảng, các cơ quan, đơn vị triển khai nghiêm túc việc mua đặt các loại  báo, tạp chí của Đảng tại đơn vị.

Để tăng cường công tác chỉ đạo, ngày 15-9-2008, Ban Thường vụ Huyện uỷ có Công văn số 204-CV/HU về việc tăng cường chỉ đạo đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, các báo chuyên ngành theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) và giao cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các TCCS đảng, định kì báo cáo cho Ban Thường vụ Huyện ủy biết để tiếp tục chỉ đạo. Nhờ vậy, việc đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn huyện được các TCCS đảng, các cơ quan, đơn vị thực hiện khá nghiêm túc, số lượng đặt mua các loại báo, tạp chí của Đảng dần ổn định.

Năm 2010, số lượng báo Nhân dân đặt mua và cấp phát toàn huyện là 125.112 tờ, trung bình 401 tờ/số. Từ năm 2013 đến nay, có 9 chi bộ được thành lập nên số lượng báo đặt mua và cấp phát tăng 8 tờ/số.

Trong đó các TCCS đảng, các cơ quan, đơn vị và cá nhân đặt mua 170 tờ/số, báo cấp phát theo ngân sách của huyện là 239 tờ/số. Đối với tạp chí Báo cáo viên, trong năm 2010 là 43 quyển/số; năm 2013, do số lượng báo cáo viên giảm nên số lượng đặt mua trong năm là 38 quyển/số; 6 tháng đầu năm 2014 là 26 quyển/số.

Ngoài ra, tạp chí Báo cáo viên, tạp chí Xây dựng Đảng, tạp chí Cộng sản cũng được đặt mua cấp cho bí thư 20 xã, thị trấn. Đối với báo Quảng Bình, năm 2010, số lượng báo đặt mua và được cấp phát trong toàn huyện là 155.688 tờ, trung bình 496 tờ/số. Trong đó, số báo được cấp phát (Hội Cựu chiến binh 20 xã, thị trấn, trưởng thôn, bí thư của các chi bộ nông thôn) là 105.768 tờ, tương đương 336 tờ/số. Số báo đặt mua của 45 đảng bộ, chi bộ cơ quan, đơn vị và cá nhân là 160 tờ/số.

Từ năm 2013 đến nay, số lượng báo đặt mua và cấp phát 463 tờ/số, trong đó báo đặt mua hàng tháng trung bình 124 tờ/số, báo cấp phát 339 tờ/số. Một số đơn vị đặt mua báo Quảng Bình với số lượng lớn như  Đảng bộ cơ quan UBND huyện đặt 18 tờ/số, Đảng bộ cơ quan Huyện ủy 8 tờ/số, Đảng ủy Bệnh viện đa khoa huyện 13 tờ/số, Trung tâm Y tế dự phòng huyện 8 tờ/số, Đảng ủy xã Mai Hóa 5 tờ/số...

Cùng với báo Quảng Bình, tạp chí Sinh hoạt chi bộ được cấp cho tất cả các chi bộ trên địa bàn. Năm 2010 cấp phát 314 bản/số. Năm 2013 tăng lên 321 bản/số, 6 tháng đầu năm 2014 là 323 bản/số.

Ngoài ra, để mọi chủ trương, chính sách, đường lối của Trung ương, tỉnh, nhất là các hoạt động nổi bật của huyện đến được với người dân, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, Đài TT-TH huyện và bản tin Tuyên Hóa đều phát huy tốt vai trò, chức năng của mình. Nhờ vậy, trong những năm qua, công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện mang lại nhiều kết quả  quan trọng.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Khách quan mà nói, các loại báo, tạp chí của Đảng đã thực sự trở thành kênh tuyên truyền, phổ biến quan trọng, chính thống trong sinh hoạt chi bộ và trong đời sống hàng ngày của các TCCS đảng trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Việc đọc, sử dụng báo, tạp chí của Đảng đã trở thành nền nếp thường xuyên của nhiều cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là số lượng phát hành các loại báo, tạp chí của Đảng nói chung trên địa bàn dù có tăng nhưng không nhiều.

Riêng báo Quảng Bình, số lượng phát hành đạt thấp so với yêu cầu Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo số liệu thống kê mà chúng tôi có được qua làm việc với Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Bưu điện huyện Tuyên Hóa, kết thúc quý II năm 2014, số lượng báo Quảng Bình đặt mua trên địa bàn chỉ đạt 115 tờ/số (riêng tháng 6-2014 chỉ đạt 114 tờ/số).

Trong khi đó, đối chiếu với nội dung Chỉ thị 22/CT-TU thì số lượng Báo Quảng Bình phát hành trên địa bàn Tuyên Hóa ít nhất phải đạt con số 191 tờ/số. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều TCCS đảng chưa coi trọng việc thực hiện Chỉ thị số 22. Ví như Đảng ủy xã Kim Hóa hiện có 15 chi bộ trực thuộc; số lượng báo Quảng Bình cấp phát tại địa phương này là 8 tờ; không đặt mua tờ nào.

Như vậy còn thiếu 7 tờ báo Quảng Bình, cộng thêm 4 tờ (gồm: Đảng ủy, HĐND, UBND, Đoàn TNCSHCM xã theo tinh thần Chỉ thị số 22/CT-TU) là 11 tờ. Hay như Đảng bộ xã Hương Hóa hiện có 11 chi bộ trực thuộc. Số lượng báo Quảng Bình cấp phát 6 tờ; không đặt mua tờ nào. Như vậy còn thiếu 5 tờ báo Quảng Bình, cộng thêm 4 tờ (gồm: Đảng ủy, HĐND, UBND, Đoàn TNCSHCM xã) là 9 tờ. Đảng bộ xã Thanh Hóa hiện có 18 chi bộ trực thuộc. Số lượng báo Quảng Bình cấp phát 11 tờ; không đặt mua tờ nào. Như vậy còn thiếu 7 tờ báo Quảng Bình cộng thêm 4 tờ (gồm: Đảng ủy, HĐND, UBND, Đoàn TNCSHCM xã)  là 11 tờ...

Đặc biệt, hầu hết các chi bộ trường học, trạm y tế trên địa bàn không đặt mua báo Quảng Bình hoặc có đặt mua nhưng không thường xuyên. Trong khi đó, báo cáo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuyên Hóa khi đề cập đến những hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TU chỉ nêu “một số chi bộ cơ quan, đơn vị, trường học chưa quan tâm đặt mua báo, tạp chí của Đảng theo đúng tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW”.

Cũng trong báo cáo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuyên Hóa khẳng định: ...“Các tổ chức đảng đều trích kinh phí hàng tháng, hàng quý cho việc chi trả mua đọc báo, tạp chí tại đơn vị”; và “công tác mua và đọc báo, tạp chí theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW... trên địa bàn huyện Tuyên Hóa trong những năm qua đã thực hiện tốt”.?!

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Tuyên Hóa xác định: Tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các trường học, trạm y tế xã trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc đặt mua báo, tạp chí của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tiếp tục quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng của báo, tạp chí của Đảng; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị, kết luận của Trung ương và chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc mua, đọc và làm theo báo Đảng.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp và sử dụng kinh phí mua báo, tạp chí của Đảng, bảo đảm việc sử dụng đúng nguyên tắc, đúng mục đích, không dùng kinh phí mua báo Đảng để chi vào việc khác; chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các TCCS đảng trong việc đặt mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng.

Kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những TCCS đảng thực hiện không nghiêm; phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với báo Quảng Bình, đặc biệt là hệ thống bưu điện để theo dõi, chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị trên địa bàn mua và đọc báo Đảng. Và một nội dung quan trọng nữa là phấn đấu 100% TCCS đảng, các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế xã trên địa bàn đặt mua và sử dụng có hiệu quả các loại báo, tạp chí của Đảng, nhất là báo Nhân dân, báo Quảng Bình...

Hy vọng việc thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TU trên địa bàn huyện Tuyên Hóa sẽ đạt được kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Hoàng