.
Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước (28-8-1945 - 28-8-2014):

Ngành Nội vụ đồng hành cùng sự đi lên của đất nước

Thứ Tư, 27/08/2014, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 69 năm (28-8-1945 - 28-8-2014), sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi về tay nhân dân, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập. Trong thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ Nội vụ chuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 17-4-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg lấy ngày 28-8 hàng năm làm “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước”. Từ khi thành lập và phát triển, ngành Nội vụ nước ta nói chung, của tỉnh ta nói riêng đã đồng hành cùng sự đi lên của đất nước.

Ngay khi mới ra đời, ngành Nội vụ được giao nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng trong cả nước.

Trước yêu cầu đặt ra, Bộ Nội vụ đã tham mưu và chuẩn bị nhiều văn bản, sắc lệnh, nghị định về xây dựng bộ máy nhà nước để Chính phủ ban hành. Những kết quả đạt được trong công tác Xây dựng chính quyền thời kỳ này đã góp phần to lớn vào công cuộc hồi sinh của dân tộc, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau này.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, cán bộ, công chức Bộ Nội vụ đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng bộ máy chính quyền, tổ chức tiếp quản các vùng mới được giải phóng. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng chế độ tiền lương, điều chỉnh biên chế, tiếp tục kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, thành lập các khu tự trị Tây Bắc, Việt Bắc, các tỉnh, thành phố...

Trong những năm 1960-1970, Bộ Nội vụ đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ, thể lệ đối với cán bộ, công chức; phê chuẩn thành lập các tổ chức mới thuộc thẩm quyền, xây dựng, củng cố chính quyền địa phương, quản lý biên chế.

Năm 1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý, xây dựng kiện toàn bộ máy Nhà nước trong tình hình, nhiệm vụ mới. Ban Tổ chức của Chính phủ đảm nhiệm là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức nhà nước.

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Ban Tổ chức Chính phủ đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Chính phủ về tổ chức bộ máy công chức công vụ của Nhà nước thống nhất, góp phần đẩy nhanh quá trình hàn gắn và khôi phục, phát triển đất nước sau chiến tranh.

Từ năm 1980, hoạt động của Ban Tổ chức của Chính phủ được tăng cường hướng vào xây dựng cơ cấu Hội đồng Chính phủ; UBND và các cơ quan chuyên môn tỉnh, thành phố tiến hành tinh giản bộ máy hành chính; xây dựng chính quyền cấp huyện và bộ máy chính quyền cơ sở, phục vụ nhiệm vụ chính trị xây dựng CNXH trong thời kỳ mới. Năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định đổi tên Ban Tổ chức Chính phủ thành Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Hội nghị về chính sách thu hút nhân tài được Sở Nội vụ tổ chức.
Hội nghị về chính sách thu hút nhân tài được Sở Nội vụ tổ chức.

Nhiệm vụ của Ban là xây dựng các đề án để Hội đồng Bộ trưởng xem xét và trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước quyết định cơ cấu tổ chức của Hội đồng Bộ trưởng và hệ thống tổ chức chính quyền các cấp; xây dựng các quy chế về thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các danh hiệu tiêu chuẩn viên chức nhà nước; quy định việc thành lập hội và chỉ đạo bầu cử HĐND và UBND, phân vạch địa giới hành chính các cấp; xây dựng kế hoạch, quy chế về công tác cán bộ thuộc cơ quan hành chính nhà nước.

Ngày 17-4-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg lấy ngày 28 - 8 hàng năm làm “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước”. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã được đổi tên thành Bộ Nội vụ. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao như: đẩy mạnh công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý, tinh giản biên chế, củng cố chính quyền địa phương, đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước theo hướng hiện đại, hoàn thiện chế độ công vụ, cải cách chế độ tiền lương, tăng cường công tác quản lý hội và tổ chức phi Chính phủ, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết công tác tổ chức nhà nước và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cải cách hành chính.

Những nỗ lực của Bộ Nội vụ đã trực tiếp góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển đời sống kinh tế-xã hội, nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực...

Từ năm 1976, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hợp nhất thành tỉnh Bình-Trị-Thiên. Lúc này, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Bình hợp nhất với Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh thành Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bình-Trị-Thiên, tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của ngành trên ba tỉnh hợp nhất.

Tháng 7-1989, Quảng Bình trở lại với địa danh truyền thống của mình, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Bình được thành lập. Nhiệm vụ cơ bản tập trung là ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ của các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã; nhanh chóng đưa mọi hoạt động của một tỉnh vừa mới được chia tách trở lại hoạt động bình thường và từng bước đi lên.

Ngày 7-1-2004, thực hiện Nghị định của Chính phủ, UBND tỉnh đã quyết định đổi tên Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thành Sở Nội vụ và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ. Đây là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực như: tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chính quyền địa phương, cải cách hành chính, quản lý địa giới hành chính...

Ở các huyện, thành phố được đổi tên thành Phòng Nội vụ-Lao động, Thương binh và Xã hội. Trước yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, căn cứ Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nội vụ, ngày 25-3-2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh vào Sở Nội vụ; chuyển chức năng quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ nhà nước và Trung tâm lưu trữ từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Nội vụ. Đồng thời quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình.

Từ đây, với chức năng của một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý nhà nước đa ngành, Sở Nội vụ đã bám sát chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn và nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh để tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoàn thành tốt chương trình kế hoạch đề ra.

Những năm qua, Sở Nội vụ đã quan tâm công tác đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy nội bộ, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đã quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2010-2015 và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý và diện Sở quản lý; bổ nhiệm trên 40 lượt trưởng, phó phòng, ban, chi cục trực thuộc; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ...

Qua 69 năm hình thành và phát triển, ngành Tổ chức nhà nước tỉnh ta đã có bước trưởng thành và phát triển rất đáng tự hào. Mặc dù đội ngũ cán bộ, công chức không nhiều, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu thốn nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, nhiệt tình trong công việc, cùng nhau chung sức hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Nguyễn Văn Sơn
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ