.

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh

Thứ Sáu, 22/08/2014, 10:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Ðảng, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra của cấp mình cũng như của cấp ủy cấp dưới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 21-5-1994 về tăng cường công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ luật Đảng; cấp ủy các cấp đã giao cho ủy ban kiểm tra (UBKT) cấp mình và các ban của cấp ủy kiểm tra việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Qua kiểm tra, đã giúp cho các tổ chức đảng được kiểm tra nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, trước khi có Chỉ thị số 29-CT/TW, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhiều cấp ủy chưa nhận thức đúng nhiệm vụ công tác kiểm tra theo Điều 30, Điều lệ Đảng, còn lẫn lộn giữa công tác kiểm tra của cấp ủy với nhiệm vụ kiểm tra của UBKT, nên trong lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều cấp ủy khoán trắng cho UBKT thực hiện.

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp không xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra của cấp mình mà chỉ căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng để tiến hành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nội dung kiểm tra chủ yếu là việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; không kiểm tra về kinh tế, tài chính, quản lý, sử dụng đất đai, các chương trình dự án và công tác cán bộ.

Sau khi có Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 14-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã chủ động, tích cực quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết; đã cụ thể hóa nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, điều đó được thể hiện qua các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy hàng năm đã xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đặc điểm, tình hình và công tác xây dựng Đảng của từng địa phương, đơn vị trong từng thời gian để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Cấp uỷ các cấp đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đến các tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên; đồng thời, đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các nghị quyết, quyết định, quy định, chương trình hành động của cấp mình kịp thời xây dựng, điều chỉnh, bổ sung phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện. Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên.

Định kỳ, BTV cấp ủy và cấp ủy các cấp nghe UBKT cấp  mình báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng và nhiệm vụ cấp uỷ giao để cho ý kiến chỉ đạo kịp thời. Các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ của UBKT, cơ quan UBKT theo hướng bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng qua 30 năm đổi mới, cấp ủy các cấp đã kịp thời ban hành Quy chế làm việc của UBKT cùng cấp; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, phân công các đồng chí ủy viên BTV, cấp ủy viên trực tiếp làm trưởng đoàn, phân công các ban chủ trì và các cơ quan cử thành viên tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của BTV cấp ủy.

Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 33 văn bản, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã ban hành nghị quyết về công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện và tổng kết việc thực hiện nghị quyết; đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, qui định của Đảng.

Đã chú trọng tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, tạo sự chuyển biến trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đã giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm ở cơ sở, thu hồi số tiền sai phạm nộp vào ngân sách nhà nước.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, đã thực hiện tốt Thông báo kết luận số 226-TB/TW, ngày 3-3-2009 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 19-HD/UBKTTW, ngày 19-4-2009 của UBKT Trung ương về việc thực hiện thông báo kết luận của Ban Bí thư về tăng cường tuyên tuyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Từ năm 1989 đến 31-12-2013, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra  3.453 tổ chức đảng và 8.363 đảng viên; giám sát 2.243 tổ chức đảng và 3.744 đảng viên; qua kiểm tra, giám sát phát hiện 110 tổ chức đảng và 196 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phát hiện số tiền sai phạm 45.922.834.133 đồng; quyết định thu hồi 17.554.438.133 đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Nội dung kiểm tra, giám sát đã tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, như: quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm, thực hiện chính sách xã hội, thực hiện chương trình hành động về đổi mới công tác cán bộ, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định, quy chế, kết luận của cấp trên và cấp mình; việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; việc tổ chức thực hiện và khắc phục hạn chế khuyết điểm sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; việc thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội; thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới... 

Hầu hết các cấp ủy đảng đã đích thân tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, hạn chế được tình trạng coi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát là trách nhiệm của UBKT. Các cuộc kiểm tra, giám sát cơ bản đã thực hiện đúng phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra, giám sát đã giúp tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát phát huy ưu điểm, có biện pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm; những tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đã kiên quyết xử lý nghiêm minh, về sai phạm kinh tế đã kiên quyết thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước, từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua kiểm tra, giám sát đã giúp cho cấp ủy các cấp đánh giá đúng tình hình, có biện pháp giải quyết những vấn đề phức tạp ở cơ sở, chỉ đạo sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ ở một số ban, ngành, cơ sở yếu kém; đồng thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền của Đảng và chính quyền điều chỉnh kịp thời. Hàng năm, cấp ủy các cấp đã chủ trì tổng kết công tác kiểm tra, giám sát; thông qua tổng kết, đã kịp thời biểu dương, khen thưởng các cấp ủy, UBKT cấp dưới thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, qua đó thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy với công tác kiểm tra, giám sát, giúp cho hoạt động của UBKT đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua có những khó khăn, bất cập, vướng mắc, như:

Một số cấp ủy đảng, nhất là cơ sở, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa, phương châm, phương pháp công tác kiểm tra, giám sát. Chưa xem công tác kiểm tra, giám sát là một chức năng, một khâu của quá trình lãnh đạo, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy và tổ chức đảng; chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xem đây là nhiệm vụ của UBKT, nên chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch nhưng chưa chú trọng đến việc thực hiện, do đó không phát hiện được những khuyết điểm, vi phạm của cán bộ, đảng viên để uốn nắn, nhắc nhỡ kịp thời.

Một số quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở một số lĩnh vực chậm được sửa đổi và còn nhiều bất cập. Việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng để tổ chức thực hiện còn chậm và thiếu đồng bộ. Chưa có quy định pháp lý cụ thể trong việc thực hiện cơ chế nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, nên nhân dân chưa có cơ sở để tham gia giám sát cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Vai trò tiên phong, gương mẫu của một số đảng viên chưa cao. Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng công tác kiểm tra, giám sát chưa phát hiện kịp thời, chưa thực hiện tốt mối quan hệ giữa kiểm tra, giám sát với tự phê bình và phê bình, tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên.

Số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra của các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy còn ít, cán bộ làm công tác kiểm tra ở đảng ủy cơ sở kiêm nhiệm thường thay đổi sau mỗi kỳ đại hội nên kinh nghiệm còn hạn chế, nghiệp vụ không chuyên sâu; năng lực, trình độ của một số cán bộ kiểm tra chuyên trách ở cấp huyện và tương đương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của UBKT các cấp còn hạn chế.

Nhận thức của một số cấp ủy về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức, trong quá trình giải quyết còn tâm lý e ngại; khi giải quyết khiếu nại thường chuẩn y hình thức kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới, hoặc tâm lý không muốn cấp trên thay đổi hình thức kỷ luật khi giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.

Một số đối tượng được kiểm tra còn mặc cảm, định kiến, thiếu cộng tác, còn phản ứng khi được kiểm tra. Một bộ phận cán bộ kiểm tra và UBKT còn nể nang, né tránh kiểm tra người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm. Việc thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhiều trường hợp chưa nghiêm, chưa kịp thời. Một số sai phạm đã khá rõ trên các lĩnh vực nhưng chưa làm rõ được trách nhiệm, chưa xử lý được kỷ luật hoặc xử lý kỷ luật còn nương nhẹ, chưa tương xúng với tính chất, mức độ sai phạm.

Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, nhất là kịp thời phục vụ có hiệu quả Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, UBKT các cấp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và UBKT cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Ðảng, là bộ phận cấu thành trong toàn bộ công tác xây dựng Ðảng, là trách nhiệm của toàn Ðảng, của các tổ chức đảng và đảng viên. Ðảng ta đã có nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Ðây là định hướng quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.

Do đó, cần đẩy mạnh công tác  tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy.

- Chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát cho phù hợp và tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện có hiệu quả. Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát phải bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, UBKT cấp trên và phải sát với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Việc kiểm tra, giám sát phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đúng nguyên tắc, phương pháp và qui trình; qua kiểm tra, phải kết luận chính xác, rõ người, rõ việc, kết luận phải “tâm phục, khẩu phục” đối với đối tượng được kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách kiên quyết, kịp thời, triệt để, tránh kiểm tra một cách hình thức, gắn kết quả hoạt động giám sát với việc chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính; kiểm tra không chỉ phát hiện sai phạm để xử lý kỷ luật mà cần đề cao chức năng răn đe, ngăn ngừa và giáo dục.

- UBKT các cấp đẩy mạnh công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm; gắn quá trình kiểm tra sau thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với việc xem xét, xử lý đảng viên vi phạm. Kịp thời giải quyết tốt các đơn thư tố cáo, khiếu nại, chú ý những nơi có những vấn đề nổi cộm, thực hiện tốt công tác bám nắm cơ sở.

- Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Xuất phát từ vị trí, vai trò của cán bộ, Đảng ta đã khẳng định “cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Cán bộ làm công tác kiểm tra là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng, là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát. Do đó, muốn nâng cao vai trò, vị thế của UBKT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra có chất lượng, đủ số lượng là một yêu cầu cấp bách, có tính quyết định.

- Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”. Do đó, cần đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn ngành.

Tăng cường tuyên truyền về những cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy viên, đảng viên có thành tích, sáng kiến, kinh nghiệm trong thực hiện công tác giám sát của Đảng, của cấp ủy, tổ chức đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng; những trường hợp có thành tích phải kịp thời động viên, khen thưởng theo quy định của Đảng, gắn công tác thi đua khen thưởng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Xây dựng, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định cụ thể về khen thưởng đối với những cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy viên, đảng viên có thành tích trong thực hiện công tác giám sát của Đảng, của cấp ủy và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Đinh Công Hải

UVTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy