.

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI: Giám đốc các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri

Thứ Tư, 16/07/2014, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVI đã dành nhiều thời gian để giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu. Báo Quảng Bình xin lược ghi lại ý kiến trả lời của giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành về những vấn đề mà cử tri quan tâm.

>> Những ý kiến tâm huyết tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI

- Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã trả lời các kiến nghị cử tri trong tỉnh về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới như sau:

Cử tri xã Quảng phong đề nghị xây dựng hệ thống đê chống ngập úng và xói lở dọc bờ sông Gianh ở phường Quảng Phong được trả lời: Đê, kè tả Gianh đoạn qua xã Quảng Phong đến chân cầu Quảng Hải được đầu tư kiên cố bằng nguồn vốn tu bổ đê điều của Trung ương.

Hiện nay còn khoảng 200m chưa kiên cố bảo vệ theo như cử tri đề nghị xây kè là đoạn nối tiếp đã được kè kiên cố nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ chân Cầu Quảng Hải thuộc phạm vi quản lý của Sở GTVT, qua xem xét thì hiện trạng sạt lở xâm nhập mặn đối với tuyến đê trên vẫn chưa đe dọa lớn đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Trước mắt, đề nghị chính quyền và nhân dân địa phương chủ động sử dụng các biện pháp xử lý tạm thời như trồng cây, kè bờ,... tại những vị trí bị xói lở mạnh, nhằm hạn chế xói lở bờ. Về lâu dài, đây là đoạn kè thuộc hành lang bảo vệ cầu Quảng Hải, vì vậy đề nghị Sở GTVT xem xét có phương án nhằm gia cố kè bảo vệ hành lang cầu kết hợp chống xói lở và ngập úng cho nhân dân vùng xã Quảng Phong.

Cử tri xã Quảng Tiên, đề nghị tỉnh cấp kinh phí xây dựng kè chống xói lở dọc bờ sông của xã được trả lời là, việc đầu tư xây dựng đê, kè bảo vệ bờ đoạn tuyến trên là cần thiết, Sở Nông nghiệp và PTNT xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và thời gian tới cùng các ngành liên quan tích cực tìm nguồn vốn để tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng công trình bảo vệ chống sạt bờ sông trên địa bàn tỉnh nói chung, bờ sông Gianh nói riêng trong đó có xã Quảng Tiên để bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống  của nhân dân. Trong khi chưa có kinh phí để thực hiện, trước mắt đề nghị chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục chủ động sử dụng các biện pháp xử lý tạm thời như trồng cây, kè bờ,... tại những vị trí bị xói lở mạnh, nhằm hạn chế sạt lở.

Cử tri xã Cảnh Hóa đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng đập đê để có nước phục vụ sản xuất, được trả lời: Theo Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 27-1-2014 của UBND tỉnh, thì trong giai đoạn (2021-2030) trên địa bàn xã Cảnh Hóa sẽ có 2 công trình được đầu tư nâng cấp và xây mới là hồ Khe Chù (phục vụ tưới 30 ha), Trạm bơm mới (phục vụ tưới 31 ha màu). Hiện nay, điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa thể tiến hành đầu tư nâng cấp xây dựng công trình. Xin ghi nhận kiến nghị của cử tri, Sở Nông nghiệp-PTNT cùng các ngành sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn để triển khai dự án.

Cử tri xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch đề nghị xây dựng âu thuyền cho ngư dân vào neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão, được trả lời: Theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì toàn tỉnh Quảng Bình chỉ có 3 khu neo đậu: tại cửa Gianh (800 chiếc/300CV), cửa Nhật Lệ (600chiếc/300CV) và cửa Roòn (500 chiếc/200CV). Như vậy, tại khu vực cửa Gianh trong đó có xã Đức Trạch chỉ đầu tư xây dựng 1 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp.
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp.

Căn cứ vào địa hình thực tế của xã Đức Trạch và sông Lý Hòa thì ở khu vực này không có đất, mặt nước phù hợp để xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, Sở Nông nghiệp và PTNT xin chia sẻ với ý kiến đề xuất của cử tri, đề nghị ngư dân xã Đức Trạch khi có bão lũ thì đưa tàu thuyền vào tránh trú bão tại khu neo đậu cửa Gianh để bảo đảm an toàn.

Cử tri xã Đức Trạch, đề nghị hỗ trợ tiền dầu đối với tàu đánh bắt xa bờ (từ tháng 1-2014 đến nay chưa được chi trả, được trả lời: Từ năm 2011-2013, tỉnh ta được Bộ tài chính cấp 77,877 tỷ đồng để hỗ trợ  ngư dân, đến cuối năm 2013, nguồn kinh phí này đã sử dụng hết. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí thực hiện. Đến ngày 19-3-2014, Bộ Tài chính cấp tiếp cho cho Quảng Bình 79,4 tỷ đồng.

Vì vậy, từ tháng 1-3/2014, tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg. Tuy nhiên, từ khi có bổ sung kinh phí đến nay, tỉnh đã có 3 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí 27,869 tỷ đồng. Trong đó, riêng xã Đức Trạch được hỗ trợ 6,163 tỷ đồng.

Sau cơn bão số 10 năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và BVNLTS phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời tổng hợp số liệu thiệt hại của ngư dân để báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ. Tuy nhiên, do ngân sách của tỉnh hạn chế, số thiệt hại của nhân dân rất lớn, nên mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố ven biển trích từ nguồn kinh phí cấp tạm ứng cho các huyện, thành phố khắc phục hậu quả của bão số 10 để hỗ trợ một phần kinh phí cho ngư dân bị thiệt hại sớm khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, nhưng số tiền hỗ trợ còn thấp so với giá trị thiệt hại. Trong thời gian tới, đề nghị ngư dân tham gia mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên để được hỗ trợ thiệt hại khi gặp thiên tai hoặc rủi ro trong quá trình sản xuất.

Cử tri huyện Quảng Ninh đề nghị hỗ trợ kinh phí nâng cấp hệ thống nước sạch cho nhân dân các xã Hàm Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh... được trả lời: hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Ninh đang triển khai giai đoạn II Dự án cấp nước sinh hoạt cho 5 xã Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, An Ninh và Vạn Ninh, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ý và vốn đối ứng của địa phương. Hiện các tuyến ống dẫn nước chính từ hồ chứa nước Rào Đá về trung tâm các xã trên đã được xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên việc xây dựng các tuyến ống nhánh về các cụm dân cư ở địa bàn các xã chưa thực hiện được.

Trong năm 2014, từ nguồn vốn Chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn, công trình cấp nước sạch thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh đã xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 5-2014. Dự kiến trong tháng 7-2014 sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt xã Hàm Ninh (giai đoạn I cấp nước cho 2 thôn Trần Xá và Quyết Tiến).

Để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt của địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan sẽ tích cực tìm nguồn vốn để tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các hệ thống cấp nước sạch hiện có của địa phương, trong đó có dự án cấp nước sinh hoạt 5 xã Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh.

- Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri về lĩnh vực GTVT như sau:

Đề nghị nạo vét các cửa sông trên địa bàn tỉnh, được trả lời rằng, trên địa bàn tỉnh ta có 5 cửa do điều kiện địa hình và chế độ thủy lực, thủy văn phức tạp nên các cửa sông trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị bồi lấp đã ảnh hưởng lớn đến giao thông vận tải đường thủy, gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào cửa sông vv...

Việc nạo vét các cửa sông là rất cần thiết, nhưng do kinh phí đầu tư lớn và phải thực hiện thường xuyên hàng năm mới có hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn, Sở GTVT đã tham mưu để UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương để nạo vét. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn nạo vét để tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu, kết hợp khơi thông luồng tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào các cửa sông. Mặc dù vậy, trong những năm qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên việc bố trí vốn đầu tư cho việc nạo vét chưa thực hiện được.

Hiện nay, việc tận thu cát nhiễm mặn từ các dự án nạo vét cửa sông để xuất khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh đã tiếp tục xúc tiến việc kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký nạo vét tận thu cát để xuất khẩu, kết hợp khơi thông luồng cho các cửa sông trong thời gian tới.

Cử tri huyện Quảng Trạch, đề nghị tỉnh chỉ đạo giải tỏa, thi công tiếp công trình đường tránh Nhà máy XM Sông Gianh, được trả lời: Dự án đầu tư Xây dựng quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy XM Sông Gianh trong quá trình thực hiện dự án, do vướng mắc lớn về mặt bằng nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Nguyên nhân do phương án tái định cư tại chỗ phải điều chỉnh sang phương án tái định cư tập trung; trên địa bàn huyện Quảng Trạch phải xây dựng Khu tái định cư Cây Thị với tổng mức đầu tư 3,95 tỷ đồng, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Sở GTVT đề nghị UBND huyện Quảng Trạch báo cáo UBND tỉnh xem xét, trước mắt bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện hoàn thành khu tái định cư Cây Thị, sớm bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.

Cử tri thành phố Đồng Hới đề nghị sau khi nâng cấp QL1 đoạn qua phường Phú Hải, nhiều nhà dân thấp hơn so với mặt đường mới nâng cấp, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục sửa chữa, được trả lời rằng: Việc thiết kế cao độ mặt đường hoàn toàn tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới và các vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, những vị trí đã có cao độ tim đường hiện tại lớn hơn +2,3 thì chỉ nâng cao thêm lớp kết cấu áo đường BTN dày 13cm và lớp bù vênh những vị trí lồi lõm trên mặt đường hiện tại; đối với những vị trí có cao độ tim đường hiện tại thấp hơn +2,3 thì nâng lên cho đủ +2,3 như định hướng quy hoạch đã được phê duyệt.

Ngày 22-4-2014, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp xử lý cao độ thiết kế đoạn qua Tổ dân phố Phú Thượng, phường Phú Hải (có sự tham dự của đại diện Sở Xây dựng, UBND thành phố Đồng Hới, UBND phường Phú Hải, Tổ dân phố Phú Thượng và các đơn vị liên quan); trong đó, thống nhất giữ nguyên các giải pháp thiết kế do chủ đầu tư đề xuất.

Tr.T

(Còn nữa)