.
Kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2013):

Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới

Thứ Ba, 15/10/2013, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 83 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ngay từ Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua các nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế xã hội...Xuất phát từ thực tế lịch sử đó, Thường vụ Bộ Chính trị (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10-1930 làm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật đã một lần nữa khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận. Người dạy: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Do vậy, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận", Bộ Chính trị (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15 tháng 10 hàng năm là "Ngày dân vận của cả nước".

Tám mươi ba năm qua, trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng, công tác dân vận luôn là một trong những công tác cơ bản của Đảng, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong đó đỉnh cao là cao trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khẳng định vai trò lãnh đạo và đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, sự vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng.

Trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975) công tác dân vận của Đảng đã động viên, cỗ vũ được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện sự nghiệp đổi mới, công tác dân vận đã động viên nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện sự nghiệp đổi mới đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta đã đúc kết: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”. Đây là bài học quý báu về sức mạnh của nhân dân trong tiến trình cách mạng.

Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm hộ nuôi ong ở xã Xuân Hoá (Minh Hoá)  Ảnh: Tr.T
Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm hộ nuôi ong ở xã Xuân Hoá (Minh Hoá). Ảnh: Tr.T

Cùng với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay sau khi chi bộ Đảng ở Quảng Bình ra đời đã nhanh chóng xây dựng lực lượng cách mạng, tiến đến thành lập các tổ chức quần chúng trong Mặt trận Việt Minh của tỉnh, từ đó tập hợp lực lượng quần chúng ngày càng đông đảo, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các cao trào cách mạng, tiến đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, nhận thức  sức mạnh to lớn, quan trọng của quần chúng, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Đảng bộ đã tăng cường công tác vận động nhân dân đoàn kết, đẩy mạnh phong trào cách mạng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, viết nên trang truyền thống vẻ vang, hào hùng "Quảng Bình quật khởi", "Quảng Bình hai giỏi".

Trong thời kỳ đổi mới, phát huy những kinh nghiệm quý báu trong các thời kỳ cách mạng, quán triệt bài học “Lấy dân làm gốc”, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã được tăng cường, đổi mới về nội dung, phương thức tiến hành.

Công tác dân vận đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ để thực hiện, triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tập trung hướng về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội,  bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể vững mạnh.

Trong tình hình hiện nay, đất nước ta đang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội khoảng cách ngày càng xa, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội có những diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá sự nghiệp đổi mới; mặt khác một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu đã làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Từ thực tiễn đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, nhằm giữ vững và củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân cũng như khối đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống 83 năm công tác dân vận của Đảng, trước những yêu cầu của tình hình mới, để thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW và chương trình hành động của Tỉnh uỷ về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh ta trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tập trung xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền. Phải kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong đó việc nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được xác định là nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện tốt hơn công tác dân vận.

Do đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu về đạo đức, lối sống; tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, đổi mới phong cách, lề lối làm việc để nhân dân tin tưởng. Phải xử lý nghiêm minh và công khai trước nhân dân về những tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Lãnh đạo thực hiện tốt "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” theo quyết định 290 của Bộ Chính trị. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, làm cho tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh, nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân.

Hai là, tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, giảm nghèo, bảo  đảm an sinh xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm làm cơ sở để thực hiện tốt công tác dân vận. Phải tập trung sức để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó phải phát huy vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng dân cư để thực hiện.

Trước mắt với phương châm tự lực tự cường, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác cần tập trung lãnh đạo, giải quyết tốt các vấn đề khó khăn, vướng mắc nổi lên ở cơ sở, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, bảo  đảm  an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông...

Ba là, tăng cường và đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác dân vận của chính quyền các cấp. Xác định trong tình hình mới, chính quyền tổ chức thực hiện công tác dân vận có vị trí quan trọng hàng đầu để bảo đảm các nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác dân vận và các chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hội đồng nhân dân các cấp kịp thời cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri; đôn đốc, giám sát việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri, những khiếu nại, tố cáo của công dân. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan nhà nước tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, nhằm nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện phục vụ tốt các yêu cầu của nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Tăng cường đối thoại với nhân dân khi giải quyết các công việc, tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công. Các lực lượng vũ trang đổi mới, đa dạng hoá các phương thức dân vận để tập hợp, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là trên các lĩnh vực an ninh nông thôn, an toàn giao thông, an ninh biên giới.

Bốn là, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, khắc phục biểu hiện hành chính, hướng mạnh về cơ sở. Phát huy tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; tích cực tham mưu và làm nòng cốt trong việc nắm tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; phát huy dân chủ; thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cán bộ Mặt trận, các đoàn thể đổi mới phong cách, lề lối làm việc; tăng cường về cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi hoạt động yếu để xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động chi hội, chi đoàn.

Năm là, tiếp tục đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong tình hình mới; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước. Phải nhận thức công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do vậy, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang phải chăm lo, phải thấy trách nhiệm của mình trong công tác dân vận để thực hiện.

Chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; cải cách hành chính; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết các vấn đề nổi lên ở cơ sở; bảo đảm  an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hoá; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Sáu là, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban dân vận các cấp, khối dân vận cơ sở. Các cấp ủy đảng phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng để đội ngũ cán bộ dân vận thực sự là những người có năng lực, uy tín, kinh nghiệm công tác dân vận. Kịp thời bố trí lãnh đạo phụ trách, cán bộ tham mưu công tác dân vận của các đảng ủy trực thuộc, các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp. Cán bộ tham mưu công tác dân vận các cấp phải đổi mới nội dung, phương thức công tác, nắm chắc tình hình nhân dân; định kỳ về dự, theo dõi, sinh hoạt với khối dân vận cơ sở, thực sự “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Phát huy truyền thống 83 năm công tác dân vận của Đảng, truyền thống cách mạng của quê hương “Quảng Bình Hai giỏi”, tin chắc rằng công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường và đổi mới, động viên cổ vũ nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững.

                                                                            Lương Ngọc Bính
                                                Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh