.

Nhớ mãi trận Phù Trịch

Thứ Ba, 16/07/2013, 07:49 [GMT+7]

(QBĐT) -  Tôi vốn là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57 (Liên khu 4) đã từng cùng đơn vị tham gia trận đánh giặc Pháp tại bến đò Phù Trịch năm 1950. Câu chuyện trôi qua đã 63 năm. Đó là những năm tháng hào hùng của thời kỳ quân dân Quảng Bình kiên cường chống Pháp, trong chiến dịch Lê Lai.  

Lúc đó tôi mới tuổi thiếu niên, do sớm giác ngộ đã tình nguyện vào bộ đội vệ quốc quân. Tôi được Huyện đội Quảng Trạch điều sang làm trinh sát cho Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57. Nhiệm vụ của một trinh sát là mặc thường phục, trà trộn trong dân, nắm tình hình địch để báo cáo với đơn vị. Địa bàn trinh sát của tôi được cấp trên phân công theo dõi khu vực các đồn Minh Lệ, Tiên Lệ, Ba Đồn và các vùng phụ cận Nam Quảng Trạch tuyến dọc sông Gianh.

Vào thời kỳ này, giặc Pháp chiếm đóng khá nhiều vị trí xung yếu. Ngoài các đồn lớn có nhiều quân Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, chúng còn có các đồn hương vệ như Hòa Ninh, Phù Kinh, Hướng Phương, Đơn Sa... Bọn giặc mở nhiều trận càn, khủng bố, đốt phá gây bao tội ác tày trời cho nhân dân ta. Quảng Trạch thời kỳ đó là nơi tiếp giáp giữa vùng địch hậu và vùng căn cứ du kích , vùng tự do Thanh-Nghệ Tĩnh. Giặc Pháp chốt giữ ở đây một lực lượng hùng hậu gồm bọn com-măng-đô ở Ba Đồn, Tiên Lệ; bọn bảo vệ quân và hàng loạt đồn hương vệ ở Đơn Sa, Hướng Phương, Hòa Ninh, Phù Kinh... hệ thống hội tề dày đặc, lực lượng gián điệp, mật vụ rất đông.

Đứng trước tình hình này, cấp trên đã bố trí tiểu đoàn 418 vào tăng cường cho Quảng Bình. Tiểu đoàn đóng ở Thuận Bài, lấy nhà ông Ba Trung ở xóm Cồn làm trụ sở ban chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Cận; Chính trị viên tiểu đoàn là đồng chí Quách Sĩ Kha. Tiểu đoàn còn có cả các đồng chí tiền phương của Trung đoàn 57. (Trung đoàn 57 thuộc tỉnh Nghệ An có 3 tiểu đoàn: D 265 chốt ở Mường Xén; D 346 tham gia chiến đấu ở địa bàn Bố Trạch; D 418 được điều vào cuối năm 1949 để chuẩn bị tham gia chiến đấu khi Quảng Bình mở chiến dịch Lê Lai được chốt ở Quảng Trạch).

Chiều ngày 26-2-1950, trên đường vượt sông sang Minh Lệ, ta được tin báo của các đồng chí trinh sát: Ngày mai kẻ địch sẽ càn vùng nam Quảng Trạch. Lực lượng huy động của chúng có thể trên 1 trung đoàn. Giặc huy động quân từ các đồn Hòa Luật (Lệ Thủy); Mỹ Trung (Quảng Ninh); Lý Hòa, Hoàn Lão, Thanh khê (Bố Trạch). Nhận được tin trên các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn bàn ngay phương án tác chiến mới. Để chủ động đánh bất ngờ khi kẻ địch vừa đổ bộ lên bờ và nghi binh lừa địch vào ổ phục kích của ta, tiểu đoàn đã bài binh bố trận như sau: đại đội 54 đảm trách nhiệm vụ đánh chính diện; tăng cường cho trung đội 21 đủ mạnh bố trí sát bờ để vỗ mặt địch từ đầu. Đại đội 59 được điều đến Vĩnh Phước nhằm đánh chặn quân địch từ Tiên Lệ.

Đại đội 60 vừa làm nhiệm vụ dự bị chiến thuật vừa là đơn vị sẵn sàng phối hợp với đại đội 54 đánh địch khi địch lọt vào ổ phục kích của ta. Ngoài ra còn có đại đội 365 của Huyện đội Quảng Trạch tham gia đánh chặn viện binh của giặc từ đồn Minh Lệ.

Tất cả tiểu đoàn được phổ biến nhanh ý đồ tác chiến, ai cũng hồi hộp nóng lòng chờ địch tới. Nỗi căm thù kẻ địch xâm lăng được biến thành hành động. Cán bộ chiến sĩ của ta ai cũng xung phong được cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Điều cảm động nhất là sự anh dũng kiên cường của tiểu đội 15 khi nhận nhiệm vụ cảm tử ở lại bám trụ tại trận địa.

Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 27-2-1950, địch kéo đến sông Gianh, đoạn Phù Trịch và Hói Hác bằng ca nô, phà, thuyền. Chúng dùng hỏa lực mạnh uy hiếp sau đó ồ ạt đổ bộ lên bờ Phú Trịch. Cả khúc sông vốn thanh bình giờ đã trở thành chiến trường.

Lúc này mooc chê, trung liên, tiểu liên địch bắn như điên dại vào lùm tre, bụi dứa ven sông vì nghi có quân ta ẩn nấp. Mười chiến sĩ tiểu đội 15 đã cảm tử ở lại chiến đấu. Phút giây lịch sử ấy cả tiểu đội 15 đã viết lên trang sử hào hùng. Một đơn vị vẻn vẹn có 10 chiến sĩ bằng phương tiện vũ khí thô sơ đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với hàng trăm quân giặc với vũ khí hiện đại. Các đồng chí của ta đã thực hiện thành công ý chiến thuật của trận đánh.  Lần lượt, từng đồng chí chiến sĩ tiểu đội 15 của ta hy sinh. “Cả tiểu đội , từng người lần lượt ngã.

Tám...chín...mười...màu xanh lên
                                        ánh đỏ
Hết sức rồi! Hồ Chủ tịch
                                    muôn năm
Nắng mênh mông nắng ngập cả
                                    dòng sông
Bờ Phù Trịch: mồ chôn quân
                                       cảm tử!”

                                          (Trích thơ Xuân Hoàng)

Lầm tưởng quân ta đã bị tiêu diệt hết, bọn giặc đuổi theo. Khi quân địch đã lọt vào ổ phục kích, quân ta đồng loạt nổ súng. Lúc này hỏa lực của ta đủ điều kiện tập trung diệt gọn số quân địch có mặt tại ổ phục kích. Bị đánh đòn bất ngờ, bọn chúng không ngóc đầu lên được. Lưới lửa của hỏa lực tổng hợp từ đại liên, trung liên, tiểu liên đến lựu đạn, đại đao, lưỡi lê, súng nhẹ...gây cho quân thù thương vong rất lớn. Xác địch chết chất thành đống.

Thừa thắng xông lên, quân ta tiếp tục truy kích giặc dọc bờ sông Gianh đến Hói Hác. Sau trận chiến đấu quyết liệt với tinh thần mưu trí dũng cảm. Tiểu đoàn 418 đã viết lên lịch sử hào hùng tại bến đò Phù Trịch: diệt gọn 300 giặc Pháp, lính lê dương, 200 tên hương vệ, khố đỏ; thu 100 súng đại liên, trung liên, tiểu liên; 45 súng lục; 300 súng trường cùng nhiều chiến lợi phẩm khác.

Trận chống càn oanh liệt diễn ra tại Phù Trịch mùa xuân 1950 được xem là một trong những chiến thắng quan trọng của tiểu đoàn 418 thời kỳ chống Pháp. Trận đánh thể hiện nghệ thuật quân sự: lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, đặc biệt khả năng đánh giặc trên sông biển của quân ta. Chiến thắng này mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử kháng chiến chống Pháp tại huyện Quảng Trạch nói riêng, Quảng Bình nói chung. Từ sự kiện này, vùng giải phóng của ta được mở rộng, vùng địch hậu bị thu hẹp, buộc địch phải rút bỏ đồn Tiên Lệ, Minh Lệ co cụm về Thanh Khê, Ba Đồn. Trong bối cảnh đó, Quảng Trạch có điều kiện xây dựng thế trận phát triển lực lượng cách mạng, từ đây tuyến tiếp tế của trung ương cho chiến trường Bình Trị Thiên thuận lợi hơn trước.

Đã hơn 63 năm trôi qua nhưng chiến công của Tiểu đoàn 418, đặc biệt là sự hy sinh của tiểu đội 15 vẫn sống mãi với non sông đất nước. Kể lại câu chuyện lịch sử này, thể theo nguyện vọng của nhân dân vùng Nam Quảng Trạch, chúng tôi xin được đề xuất với các ngành hữu quan: xem xét truy tặng danh hiệu anh hùng cho 10 chiến sĩ tiểu đội 15 bất tử và có quy hoạch xây dựng tượng đài chiến thắng hoặc nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở Phù Trịch.

                                                                             Thanh Bình

-----------------------------
(Ghi theo lời kể của cụ Nguyễn Hoàng, 80 tuổi, ở thôn 4, xã Lộc Ninh, thành phố  Đồng Hới, nguyên là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 418)