Người cùng đồng đội bắt sống Dương Văn Minh trong ngày 30-4-1975

Cập nhật lúc 11:09, Thứ Hai, 30/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - 10 giờ 45 phút ngày 30-4, đơn vị ông cùng các cánh quân khác tiến thẳng vào Dinh Độc Lập và bắt sống Tổng thống ngụy Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã toàn thắng, đưa đất nước ta đến độc lập- thống nhất. Đó chính là khoảng khắc nhớ mãi trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Trương Quang Siều, Nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình.

Đại tá Trương Quang Siều sinh ra và lớn lên ở vùng quê cách mạng làng Tân Lý, xã Minh Hoá, huyện Minh Hoá. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1966 ông lên đương tòng quân. Lúc đó, ông được bổ sung cho đơn vị C4, D9 thuộc Tỉnh đội Quảng Bình. Ông được đơn vị giao nhiệm vụ làm Pháo thủ số 4 bảo vệ thị xã Đồng Hới, Phà Gianh, đập Cẩm Ly...

Năm 1970, ông được Tỉnh đội cử đi học Trường sĩ quan lục quân 1. Năm 1972, ông tốt nghiệp với cấp bậc thiếu uý. Ông được giữ chức vụ Trung đội trưởng thuộc Đại đội 10, tiểu Đoàn 9, trung Đoàn 66, sư Đoàn 304 tham gia chiến đấu ở Khe Sanh, Cửa Việt tỉnh Quảng Trị. Tháng 2 năm 1975, ông làm Tiểu đoàn trưởng tham gia chiến đấu ở Thượng Đức, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Sau đó ông cùng đội hình Quân đoàn 2 hành quân thần tốc vào phía Nam đánh địch và giải phóng các cứ điểm Đồn điền cao su Ông Quế, Nuớc Trong, Tổng kho Lương Bình...

Đại tá Trương Quang Siều đang kể lại  những sự kiện trong cuộc đời binh nghiệp. Ảnh: X.V
Đại tá Trương Quang Siều đang kể lại những sự kiện trong cuộc đời binh nghiệp. Ảnh: X.V

Lúc này, quân và dân ta khắp miền Nam đã giải phóng xong Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Trung đoàn 66, Sư 304A của ông cùng Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 thọc sâu vào căn cứ địch đánh chiếm cầu Sông Buông ở Đồng Nai và cầu Sài Gòn. Trước khí thế tấn công như chẻ tre của ta, địch cũng tập trung lực lượng và vũ khí để phản kích lại. Có lúc cầu sông Buông bị đánh sập, Quân đoàn phải bắc cầu phao để vượt qua sông. Phía địch huy động một lữ đoàn dù, lực lượng xe tăng bọc thép còn lại để ngăn cản quân ta vượt qua cầu Sài Gòn. Nhưng với sức tiến công mãnh liệt, quân ta đã đánh cháy hàng chục chiếc xe tăng và tiêu diệt cơ bản lực lượng dù còn lại của địch để tiến thẳng vào mục tiêu.

Rạng sáng ngày 30-4-1975, đơn vị tiếp tục đánh vào vùng ven Sài Gòn rồi tiến vào nội đô. Lúc này, tiểu đoàn của ông được Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 2- Hoàng Đan giao nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của địch như: Nha cảnh sát, Đài phát thanh, Hương cảng và Dinh Độc Lập.  Gần trưa ngày 30-4, ông cùng đồng chí Hoàng Trọng Tình, Chính trị viên, Chỉ huy Đại đội 8 đi với đồng chí Phạm Xuân Thệ, Trung Đoàn phó Trung đoàn 66 Sư 304 A tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trước sự chống trả rất quyết liệt của địch. Đúng 10 giờ 45 phút, đơn vị ông cùng các đơn vị khác tiến thẳng vào Dinh Độc Lập và bắt sống Dương Văn Minh- Tổng thống Việt Nam cộng hoà cùng toàn bộ nội các của chúng.

Đại tá Siều bồi hồi nhớ lại: "Lúc đó, Dương Văn Minh có nói: Nội các chúng tôi sẵn sàng bàn giao toàn bộ chính quyền lại cho các ông. Nhưng đồng chí Thệ nói: Các ông đã thất bại, không có gì để bàn giao hết. Các ông phải cùng chúng tôi sang Đài phát thanh Sài Gòn để công bố đầu hàng vô điều kiện". Và Dương Văn Minh buộc phải làm theo. Đến 11 giờ 30 phút, cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Thời điểm này, hàng chục triệu con tim Việt Nam hoà chung nhịp đập vui sướng, hạnh phúc. Thành phố Sài Gòn tràn ngập người cùng cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. "Lúc đó, tôi rất phấn khởi vì đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên thành công chiến dịch lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Đó là khoảnh khắc nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi"- Đại tá Trương Quang Siều chia sẻ thêm.

Sau đó, đơn vị ông được giao nhiệm vụ giải Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các địch lên vị trí đóng quân của Quân đoàn 2 ở quận Thủ Đức và tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn. Trong khi đó, các đơn vị khác vẫn tiếp tục bảo vệ những nơi giải phóng cùng quân dân địa phương miền Nam tiếp tục giải phóng những nơi còn lại.

Hoà bình lập lại, ông Trương Quang Siều vẫn tiếp tục gắn bó với con đường binh nghiệp và làm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tháng 6 năm 1992, ông được phong hàm Đại tá với chức vụ Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình. Năm 2007, ông về nghỉ hưu. Giờ đây, ông đang sum vầy cùng gia đình. Ông có tất cả 5 người con đẻ và 3 người con dâu, rể. Trong đó có 5 người là đảng viên và có hai người con trai theo nghề ông. Năm nay, Đại tá Siều đã ngoài 60 tuổi, song những khoảnh khắc trong ngày 30-4-1975 vẫn còn in sâu trong tâm trí ông. Và đó sẽ là khoảnh khắc nhớ mãi trong cuộc đời ông.

                                                                                                Xuân Vương


 

,
.
.
.