Chàng kỹ sư trẻ Quảng Bình trên công trường xây Lăng Bác

Cập nhật lúc 09:01, Thứ Ba, 22/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã gần 30 năm trôi qua kể từ những ngày làm việc hăng say trên công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng trong ký ức của ông Đặng Đại Máng (SN 1945, thị trấn Kiến Giang, Lệ Thủy) mọi thứ vẫn như còn nguyên mới, chân thực, sống động và hào hùng.

Năm 1971, vừa tốt nghiệp khoa Công nghệ-Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, chàng trai kỹ sư trẻ Đặng Đại Máng về công tác tại Công ty kiến trúc Vinh (Nghệ An). Sau đó, ông bất ngờ được cử ra Bắc xây dựng công trình 75808 (tức công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Hồi đó, cũng như bao cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân... khi nhận được lệnh điều động, ông không hề ngờ rằng mình có được vinh dự lớn lao đến vậy. Chỉ đến khi ra Hà Nội, được tận mắt chứng kiến và hòa mình vào công trình lịch sử thiêng liêng, ông mới dám tin đó là sự thật.

Nhiệm vụ chính của ông tại công trường là phụ trách phần kỹ thuật ở khu giữa của Lăng. Mọi công việc phải được bí mật tuyệt đối, cán bộ không được mang bản vẽ thiết kế ra công trường, mọi giấy nháp phải nộp cho công an... Ở đây, ông không chỉ làm việc với các kỹ sư Việt Nam, mà còn hợp tác với một số chuyên gia Liên Xô, vì vậy nhiều kỷ niệm khiến ông nhớ mãi. Các bạn Nga luôn khen ngợi tài thiết kế của kỹ sư ta, cho nên thường nhờ vẽ hộ nhiều bản vẽ; hay những cuộc giao lưu thể thao tăng cường đoàn kết giữa hai bên...

Trên công trường 75808 ngày ấy (ông Máng đứng thứ 3 bên phải sang).
Trên công trường 75808 ngày ấy (ông Máng đứng thứ 3 bên phải sang).

Nhưng có lẽ, điều khiến ông nhớ nhất vẫn là không khí của công trường 75808 lúc đó. Tất cả mọi người từ mọi miền khác nhau của đất nước, từ nước ngoài vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, hòa nhập, hợp tác, quen thân, gắn bó với nhau thành một khối thống nhất trong công việc, sinh hoạt hàng ngày. Tràn ngập công trường là tinh thần lao động say mê, miệt mài, không quản ngày đêm, quyết tâm hoàn thành Lăng theo đúng kế hoạch. Những cơn mưa dầm, những ngày đông lạnh cắt da cắt thịt, hay những trưa hè nắng nóng như rang, tất cả không ngăn được ý chí của mọi cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân. Họ liên tục làm việc ca hai, ca ba, không quản ngày đêm, làm cả chủ nhật.

Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã tiếp thêm lửa cho toàn thể công trường. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười... thường xuyên đến động viên, khích lệ tinh thần của anh em. Ông cũng không thể quên những giọt nước mắt xúc động của mọi người khi bà Nguyễn Thị Định đưa những súc gỗ quý đầu tiên từ miền Nam ra xây Lăng Bác. Rồi khung cảnh tấp nập của nhiều chuyến xe chở nguyên vật liệu quý từ nhiều địa phương trong cả nước góp xây Lăng như cát Kim Bôi, Hòa Bình, đá Hoàng Thi, Thác Bà, xi măng từ Hải Phòng... Tất cả hợp lại thành một bản giao hưởng bất tận, mà mỗi nốt nhạc là tình yêu của nhân dân Việt Nam dành cho Bác.

Trong suốt thời gian 2 năm (từ 1973-1975), ông liên tục ở lại công trường, làm việc không chút ngơi nghỉ, không nghỉ phép về thăm nhà lần nào. Lăng Bác hoàn thành, ông lại tiếp tục với những công trình xây dựng ở Quảng Trị (xây dựng bệnh viện Hà Lan), sang nước bạn Lào xây dựng khu khai thác mỏ thạch cao tại Xavanakhet... Cho đến khi về hưu, ông mới có thể dành thời gian ở bên cạnh gia đình. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại cùng gia đình lần giở bức ảnh cũ, ôn lại kỷ niệm của những năm tháng không thể nào quên.  

                                                                                             Mai Nhân



 

,
.
.
.