.

Tuyên Hoá: Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Thứ Năm, 07/12/2017, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một cơ hội để giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã đặc biệt quan tâm đến công tác này. Nhiều lao động và gia đình có người đi XKLĐ nhờ nguồn thu nhập ổn định đã vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Xây nhà to, mở cơ sở sản xuất kinh doanh mới

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, ông Hồng đã thoát khỏi hộ nghèo, xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền. Ngoài ra, ông Hồng còn đầu tư rạp cưới cho thuê, nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định, phát triển. Ông Hồng cho biết, kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá là nhờ nguồn vốn ban đầu mà người con trai đang đi XLLĐ ở nước ngoài gửi về.

Cũng từ nguồn vốn tích lũy được sau thời gian đi XKLĐ tại Hàn Quốc của 6 người con, bà Hoàng Anh ở thôn Hạ Lào, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) đã mua đất và xây dựng khách sạn khang trang ở thị trấn Đồng Lê. Bà Anh cho biết, gia đình bà trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, sau khi có chính sách XKLĐ của địa phương, bà Anh đã mạnh dạn vay tiền làm thủ tục cho đứa con đầu đi XKLĐ ở Malaysia. Sau khi đứa con đầu ra nước ngoài làm việc ổn định gửi tiền về, bà đã trả được nợ và tiếp tục đầu tư làm thủ tục cho những người con khác đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Malaysia... “ Nếu không có các con đi XKLĐ thì chắc chắn cuộc sống của gia đình tôi khó mà thoát được cảnh nghèo và đổi thay như ngày hôm nay. Chúng tôi đầu tư khách sạn để sau này, khi các con tôi hết thời hạn lao động ở nước ngoài trở về sẽ có cơ sở để kinh doanh, ổn định cuộc sống lâu dài” - bà Anh chia sẻ.

 Những ngôi nhà kiên cố của các hộ dân ở xã Văn Hóa (Tuyên Hoá) được xây từ tiền xuất khẩu lao động.
Những ngôi nhà kiên cố của các hộ dân ở xã Văn Hóa (Tuyên Hoá) được xây từ tiền xuất khẩu lao động.

Đi XKLĐ ở Hàn Quốc trở về, vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn ở xã Thuận Hóa cũng đã tích lũy được một số vốn kha khá để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và chi phí phục vụ cuộc sống gia đình. Anh Tuấn cho biết, trước đây, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, nên anh đã mạnh dạn vay tiền đi XKLĐ. Nhờ chăm chỉ, tiết kiệm cộng với mức lương khá nên anh đã gửi được tiền về giúp đỡ gia đình, hỗ trợ bố mẹ nuôi các em ăn học. Sau khi hết hạn lao động trở về nước, anh Tuấn còn có vốn để đầu tư mua trâu bò, chăn nuôi lợn, sản xuất nông nghiệp và có thu nhập ổn định...

Tập trung hỗ trợ người dân đi XKLĐ

Xác định XKLĐ có tầm quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả. Năm 2016, huyện Tuyên Hóa có 304 người đi XKLĐ, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch giao là 100,21%. Năm 2017, số người đi XKLĐ của huyện Tuyên Hóa đã tăng lên 415 lao động, vượt 138,33% so với kế hoạch giao.  Phần lớn, các lao động ở Tuyên Hóa đi xuất khẩu ở các nước Đài Loan, Malaysia, Ăng-gô-la... với thu nhập từ khoảng 12-15 triệu đồng/người/tháng. Đối với các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, người lao động có mức thu nhập cao hơn  từ 20-35 triệu đồng/người/tháng....100% lao động đi xuất khẩu đã gửi tiền về trả hết nợ ngân hàng, nhiều lao động có tiền dôi dư cho bố mẹ mua đất xây nhà, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Tuyên Hóa cho biết, trong thời gian tới, huyện Tuyên Hóa tiếp tục tập trung hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, đối tượng chính sách đi XKLĐ có hiệu quả nhất. Cụ thể, Phòng LĐ-TB-XH đã tham mưu cho UBND huyện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm phiền hà, công khai và minh bạch; hình thành mối liên thông trong tạo nguồn, quản lý lao động giữa địa phương với doanh nghiệp XKLĐ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thuận lợi hơn trong thủ tục vay vốn tín dụng, hỗ trợ học nghề.... Đặc biệt, những năm trở lại đây, thông qua Sở LĐ-TB-XH,  huyện Tuyên Hóa tổ chức các đợt sơ tuyển lao động đi xuất khẩu ngay tại địa phương với sự có mặt trực tiếp của các nhà tuyển dụng nhân sự.

Ông Tiến khẳng định, việc người lao động gặp trực tiếp đại diện của doanh nghiệp sẽ giúp họ tự đánh giá năng lực và nhu cầu của nhau, qua đó chất lượng lao động sẽ được nâng lên, hạn chế được tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng sau khi đã ký và đi làm việc tại các nước. Giải pháp này cũng giúp người lao động bước đầu nhận thức, làm quen với tác phong làm việc công nghiệp, tính kỷ luật cao của các thị trường, hiểu biết rõ về pháp luật tại các nước..., từ đó, giúp người lao động đáp ứng tốt hơn công việc tại các doanh nghiệp và giúp họ có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn.

Một vấn đề cũng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác XKLĐ hiện nay ở huyện Tuyên Hóa đó là việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng chi tiêu, tái đầu tư nguồn vốn hợp lý sau khi đi xuất khẩu về nước.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, trước đây, ở một số địa phương của huyện, có không ít lao động sau khi có nguồn vốn lớn từ XKLĐ đã rơi vào tình trạng “trắng tay” sau mấy năm về nước. Những trường hợp này thường chi tiêu hoang phí, không quan tâm đến việc đầu tư làm ăn nên lại rơi vào cảnh hộ nghèo, không có việc làm ổn định. “Phòng LĐ-TB-XH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên cử cán bộ theo dõi, động viên, hướng dẫn những hộ có người đi lao động ở nước ngoài về để sử dụng đồng tiền hợp lý. Nhờ đó,  hiện nay, huyện đã hạn chế được tình trạng “trắng tay” sau khi đi XKLĐ về nước”- ông Tiến chia sẻ.

Phan Phương