.

Lệ Thủy: Đào tạo nguồn lực cho nông thôn mới

Thứ Sáu, 08/12/2017, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Lệ Thủy luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, huyện luôn tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với cơ hội học nghề, tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Các vùng nông thôn của huyện Lệ Thủy từ năm 2012 trở về trước thường khá nghèo, vắng vẻ, thanh niên trai tráng, người lao động phần lớn vào miền Nam để kiếm kế sinh nhai; các làng nghề (mộc, chổi đót, chiếu, nón...) ngày càng mai một và thưa vắng...

Mấy năm trở lại đây, nông thôn Lệ Thủy đã mang một bộ mặt hoàn toàn khác, thay cho sự nghèo khó, tiêu điều và vắng vẻ là sự trù phú, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhiều cánh đồng hoa, rau sạch chất lượng cao trải dọc các xã quốc lộ 1A; hàng trăm mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng; các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hầu như xã nào cũng có. Cùng với đó là sự xuất hiện của các gương điển hình trong phát triển kinh tế đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Điều đáng chú ý là sự hồi sinh trở lại của các làng nghề truyền thống từ làm nón, dệt chiếu đến sản xuất rượu gạo, đan lát, mộc. Các làng nghề đều phát triển với quy mô lớn hơn, bền vững hơn. Người lao động thay vì đua nhau vào miền Nam làm ăn sau mỗi dịp Tết đã bám làng, bám bản, tranh thủ học nghề, tìm hiểu và tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn.

Cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, UBND huyện đã ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn của huyện giai đoạn 2011-2015, xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong đó đề ra mục tiêu giai đoạn 2011-2015 đào tạo 6.350 lao động; giai đoạn 2016-2020 đào tạo 8.000 lao động. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã mở được 111 lớp đào tạo nghề cho 3.491 lao động nông thôn, trong đó có 64 lớp nghề nông nghiệp với 1.859 học viên; 47 lớp nghề phi nông nghiệp với 1.632 học viên. Đó là chưa tính hàng chục lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn hàng năm theo các nguồn kinh phí hỗ trợ hoặc các dự án khác. Đặc biệt, huyện liên tục mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp để cung ứng lao động cho nhà máy may tại Khu công nghiệp Cam Liên. Đến nay, đã có 788 học viên được đào tạo đang làm việc tại đây.

Nông dân Lệ Thủy mạnh dạn áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất.
Nông dân Lệ Thủy mạnh dạn áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất.

Hàng năm, huyện trích ngân sách gần 2 tỷ đồng để tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp đào tạo cho người lao động. Đồng thời, Lệ Thủy chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ và bạn hàng tiềm năng, vận động xã hội hóa đối với công tác dạy nghề. Huyện liên kết với Công ty Thần Châu, Công ty giống cây trồng Quảng Bình để thu mua sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo Lệ Thủy, khoai deo Thanh Thủy, rau Vietgap Hòa Luật Nam; xây dựng gian hàng sản phẩm nông nghiệp tại thị trấn Kiến Giang... Nhờ đó, sản phẩm làm ra bảo đảm phục vụ nhu cầu thị trường, số lao động có việc làm ngày một tăng lên, góp phần ổn định đời sống kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhập cho người lao động. Theo số liệu từ phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, tính đến cuối năm 2016, số học viên có việc làm, thu nhập ổn định chiếm 55-60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến đạt 61,7%, trong đó, đào tạo nghề đạt 39,3%.

Đánh giá về kết quả 5 năm triển khai thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Đặng Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Trong 5 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Người dân từ chỗ học theo phong trào, học cho biết đã chuyển sang học nghề để mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình, phát triển sản xuất, học để nâng cao tri thức, học để có nghề nghiệp ổn định. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước”.

Thông qua các chương trình đào tạo nghề, người lao động tại các địa phương đã chủ động tạo thêm nhiều việc làm và mạnh dạn hơn trong việc sử dụng kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao. Nhiều xã, thị trấn đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; huy động được các nguồn lực của xã hội tham gia hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề và tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề, tạo điều kiện cho người sau học nghề để tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lệ Thủy trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn.

Văn Hải
 (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)