.
Chuyện quản lý:

Người tiêu dùng có được bảo vệ?

Thứ Năm, 09/11/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Những người bị bệnh ung thư và người thân của họ phần nào đã được an ủi khi vụ án xảy ra tại VN Pharma vừa bị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” để điều tra, xét xử lại theo đúng như bản chất sự việc.

Theo đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, đề nghị xem xét lại các bị cáo đã có dấu hiệu phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”.

Vậy mà mới đây, người tiêu dùng trong nước lại rúng động bởi hành vi bán hàng Việt nhưng có nhãn mác “Made in China” xảy ra tại chuỗi cửa hàng Khaisilk. Vụ việc ngay sau đó đã được Bộ Công thương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Có thể thấy, ngoài dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng với hành vi làm giả nhãn mác cho những sản phẩm khăn lụa, Khaisilk đã cho người tiêu dùng ăn “trái đắng” và làm tổn thương uy tín hàng Việt, ảnh hưởng đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà các đơn vị liên quan và người tiêu dùng đã dày công vun đắp trong thời gian qua.

Đó là những câu chuyện xảy ra ở trong nước, còn ở Quảng Bình thì người tiêu dùng có được bảo vệ? Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, các hoạt động vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên các tuyến giao thông ở tỉnh ta vẫn xảy ra. Nhìn chung, hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung vào những nhóm mặt hàng có giá trị, lợi nhuận chênh lệch lớn, như: đồ điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vải, áo quần may sẵn...

Do vậy, để duy trì nguồn lợi kếch xù này, các đối tượng vi phạm thường sử dụng nhiều mánh khóe, thủ đoạn tinh vi để đối phó cơ quan chức năng, như: không bày bán hàng hóa công khai trên quầy hàng mà cất giấu ở nhà, để chung với hàng thật, vận chuyển đưa đi tiêu thụ ở vùng nông thôn...

Trước tình trạng này, từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 944 lượt, phát hiện 628 vụ vi phạm; tổng số tiền vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, trị giá hàng tịch thu chưa bán và trị giá hàng tịch thu tiêu hủy gần 10 tỷ đồng; đã nộp ngân sách Nhà nước trên 5 tỷ đồng...

Không thể phủ nhận những thành quả mà các cơ quan chức năng đã gặt hái được trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại...

Tuy nhiên, điều người tiêu dùng mong muốn là cần phải siết chặt hơn nữa các chế tài đối với lĩnh vực này, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và làm rõ những đối tượng đứng phía sau thao túng thị trường. Qua đó, bảo vệ người tiêu dùng cũng như nền sản xuất hàng hóa trong nước và để chứng minh rằng những vụ việc lộ sáng không chỉ là phần nổi của tảng băng chìm!

Minh Văn