.

Phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chương trình vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của Chính phủ, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn rà soát các đối tượng cán bộ, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn để triển khai chương trình. Sau một thời gian, chương trình này đã giúp nhiều cán bộ, đoàn viên, người lao động thoát được nghèo và vươn lên phát triển kinh tế. 

Vốn vay giải quyết việc làm là chương trình được LĐLĐ tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện đã nhiều năm nay nhằm giúp người lao động hoàn cảnh khó khăn có thêm việc làm, nâng cao đời sống kinh tế.

Với tổng số vốn 1,2 tỷ đồng do Tổng LĐLĐ Việt Nam phân bổ quản lý, LĐLĐ tỉnh đã xét cho các công đoàn cơ sở có nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án, mô hình vừa và nhỏ như: Trồng rừng kinh tế, chăn nuôi bò, lợn sinh sản, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản... Những dự án, mô hình này đã hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho con em người lao động khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Tại phường Bắc Nghĩa, (TP.Đồng Hới), chương trình vốn vay giải quyết việc làm những năm qua đã giúp cho phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình trong đoàn viên công đoàn đạt nhiều kết quả đáng kể. Anh Trần Đình Triều, Chủ tịch Công đoàn phường Bắc Nghĩa cho biết: Năm 2014, chương trình vốn vay giải quyết việc làm của LĐLĐ tỉnh đã được đưa về triển khai tại phường.

Từ số vốn ban đầu là 126 triệu đồng, Công đoàn phường đã xét 8 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nhất để cho vay. Mặc dù số tiền nhỏ nhưng các đoàn viên đã biết huy động mọi nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế với nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại như: chăn nuôi gà, lợn, vịt; chăn nuôi hươu lấy nhung...

Chương trình vốn vay giải quyết việc làm của LĐLĐ tỉnh đã giúp nhiều đoàn viên ở Công đoàn Lâm trường rừng thông Bố Trạch phát triển kinh tế rừng hiệu quả.
Chương trình vốn vay giải quyết việc làm của LĐLĐ tỉnh đã giúp nhiều đoàn viên ở Công đoàn Lâm trường rừng thông Bố Trạch phát triển kinh tế rừng hiệu quả.

Những mô hình kinh tế này đã mang lại mức thu nhập bình quân mỗi năm cho mỗi hộ gia đình khoảng 20-30 triệu đồng. Đoàn viên Lê Thị Kim Huế hiện đang công tác tại phường Bắc Nghĩa cho hay: Sau khi được vay số tiền 15 triệu đồng từ chương trình, chị đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá. Từ chỗ là hộ gia đình thuộc hộ cận nghèo, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng được ngôi nhà kiên cố.

Anh Trần Đình Triều cũng cho hay: Được xét là 1 trong 8 hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay chương trình vốn vay giải quyết việc làm của LĐLĐ tỉnh, anh và gia đình đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gia trại. Với số vốn 15 triệu đồng, anh đã vay mượn thêm bà con để mua 120 con gà, hơn 300 con vịt và 7 con heo để chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Anh cho biết: “Chương trình vốn vay giải quyết việc làm là chương trình có hiệu quả thiết thực giúp những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, chúng tôi mong chương trình tăng thêm số vốn và nhân rộng để nhiều đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận”.

Tại Công đoàn Lâm trường rừng thông Bố Trạch, chương trình vốn vay này cũng đã giúp nhiều công nhân lao động nâng cao cuộc sống. Từ nguồn vốn ban đầu 237 triệu đồng, Công đoàn lâm trường đã cho 24 hộ gia đình công nhân vay vốn phát triển kinh tế, chia làm hai giai đoạn: từ 2009-2012 phát triển chăn nuôi, từ 2011-2017 trồng rừng kinh tế.

Riêng mô hình phát triển chăn nuôi đã thu hút được 14 hộ công nhân, tạo việc làm cho 19 lao động, nâng mức thu nhập bình quân từ 500.000đ - 700.000đ/người/tháng. Nhiều công nhân còn tận dụng đồng cỏ ở rừng trồng để phát triển chăn nuôi kết hợp chăm sóc bảo vệ rừng. Đây được xem là một trong những mô hình phát triển kinh tế triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Công đoàn Lâm trường rừng thông Bố Trạch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống.

Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của Công đoàn cơ sở xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng là một ví dụ điển hình về hiệu quả của chương trình vốn vay giải quyết việc làm. Với tổng nguồn vốn vay là 100 triệu đồng, 5 hộ  được vay đã đầu tư chăn nuôi bò lai sind. Tuy dự án vay mới bước vào năm thứ 3, nhưng đến nay từ 5 con bò giống đã phát triển lên được 13 con.

Theo báo cáo của Công đoàn cơ sở xã Nam Hóa, trung bình mỗi hộ được vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi đều có thu nhập thêm từ 600.000 -700.000đ/người/tháng, cuộc sống của các đoàn viên đã dần ổn định hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thạch, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Trong quá trình triển khai dự án, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn các chủ dự án và hộ vay làm đúng thủ tục quy định, thẩm định, giải ngân kịp thời.

Những dự án đến hạn đôn đốc thu hồi và cho vay luân chuyển nhanh, bảo đảm vốn vay được sử dụng liên tục. Các chủ dự án và hộ vay đều có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, không có trường hợp rủi ro xảy ra. Có thể nói, nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần hỗ trợ cán bộ, đoàn viên, người lao động khắc phục khó khăn, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập ổn định đời sống.

Qua đó, góp phần tăng thêm niềm tin của cán bộ, đoàn viên, người lao động với vị thế  của tổ chức công đoàn trong đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đ.Nguyệt-X.Hạnh