.
Chuyện tuần này:

"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"!

Thứ Hai, 08/05/2017, 09:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở một địa phương miền núi trong tỉnh được xem là có nhiều tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là lợi thế phát triển trồng rừng kinh tế. Để phát huy tiềm năng và lợi thế đó, địa phương này đã đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ ưu tiên đầu tư cho trồng rừng với nhiều giải pháp cụ thể kèm theo.

Những tưởng về nhận thức, hướng đi đã rõ, chỉ còn việc triển khai nữa là có thể thực hiện được mục tiêu trồng rừng kinh tế, nhằm góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân địa phương. Tuy nhiên, suốt cả một thời gian dài, địa phương triển khai thực nghị quyết không mấy hiệu quả, diện tích rừng trồng không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nguồn thu từ trồng rừng còn quá khiêm tốn so với một địa phương có nhiều lợi thế về đất lâm nghiệp như ở đây.

Điều mà chúng tôi hết sức ngạc nhiên là, trong nhiều lý do dẫn đến việc thực hiện nghị quyết trồng rừng chưa mang lại hiệu quả không phải do thiếu đất, thiếu cây giống... mà là do khâu chỉ đạo thiếu nhất quán, thiếu khoa học của người đứng đầu chính quyền địa phương.

Qua tìm hiểu được biết, để trồng rừng kinh tế hiệu quả, ngành Nông nghiệp và PTNT đã có khuyến cáo nên trồng mật độ từ 2.000-2.200 cây/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng mật độ cây dày đặc 4.000-5000 cây/ha. Và thực tiễn ở các địa phương trong tỉnh đã chứng minh cho điều đó. Nơi nào trồng rừng keo mật độ trên 4.000 cây/ha, sau 6 năm thu hoạch chỉ được 80-90 triệu đồng/ha.

Trong lúc đó nếu tỉa thưa với mật độ khoảng 2.000-2.200 cây/ha, thời gian kéo dài hơn một năm (tức là khoảng 7 năm) thì cây sẽ to hơn và trữ lượng gỗ cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mật độ cây dày. Và tất nhiên giá bán mỗi ha rừng này cũng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với cây rừng trồng dày.

Điều đó ai cũng biết, ấy thế mà trong chỉ đạo người đứng đầu chính quyền địa phương này vẫn bảo thủ cách trồng cũ, khuyến khích dân trồng cây mật độ dày. Hỏi ra được biết, vị này ủng hộ việc trồng cây dày là “chiều” theo tập quán của dân địa phương, họ thích nhiều cây hơn là cây to!.

Với cách chỉ đạo theo lối “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên, đã dẫn đến hiệu quả kinh tế trồng rừng nói riêng và các lĩnh vực khác như chăn nuôi, trồng trọt...nói chung lâu nay ở địa phương này luôn bì bét so với các vùng trong tỉnh âu cũng là điều dễ hiểu.

Trọng Thái