.

Thị xã Ba Đồn: Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng

Thứ Sáu, 05/05/2017, 09:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Thị xã Ba Đồn hiện có trên 4.521 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ 1.028 ha và rừng sản xuất 3.493 ha. Thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn thị xã luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp, nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng.

Xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR là nhiệm vụ quan trọng, nên ngày từ đầu năm, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình trên địa bàn, kịp thời đề xuất, tham mưu UBND thị xã và chính quyền địa phương đưa ra những giải pháp, biện pháp kịp thời nhằm bảo vệ và phát triển hiệu quả diện tích rừng hiện có trên địa bàn.

Hạt Kiểm lâm thị xã đã thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã thẩm định các phương án trồng rừng, điều chế, khai thác rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn, như: Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch, Chi nhánh Lâm trường Quảng Trạch, đồng thời tiến hành rà soát diện tích rừng, đất ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển có khả năng trồng rừng trên địa bàn để đề xuất Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng phương án khoanh nuôi, trồng mới nâng cao diện tích rừng và hiệu quả phòng hộ. Nhờ vậy, trong năm 2016, thị xã đã trồng mới 57 ha rừng (chủ yếu cây Keo) và khai thác 25,7 ha rừng trồng với khối lượng 1.028 ste.

Thị xã Ba Đồn có 9/16 xã, phường có rừng. Để làm tốt công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm thị xã, UBND các xã, phường đã tập trung tuyên truyền, vận động và đôn đốc các chủ rừng triển khai thực hiện ngay các biện pháp vệ sinh rừng, xử lý thực bì trước mùa khô năm 2017.

Tuy nguồn kinh phí hạn hẹp, nhưng các đơn vị chủ rừng và một số hộ gia đình, cá nhân đã chủ động xử lý thực bì làm giảm vật liệu cháy trong lâm phần, tạo được các vành đai ngăn cách đối với một số diện tích rừng trồng chưa có khả năng xử lý thực bì.

Việc thực hiện đốt trước vật liệu cháy có điều khiển, xử lý thực bì sau khai thác có sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên không để việc xử lý thực bì gây cháy lan sang diện tích rừng khác. Năm 2017, thị xã Ba Đồn có trên 2.200 ha rừng trồng cần xử lý thực bì, đến nay đã xử lý được trên 1.133 ha; trong đó xã Quảng Sơn đã xử lý 1.056/2.0367 ha, Quảng Minh đã xử lý 38/47,5 ha, Quảng Trung đã xử lý 14/47 ha, Quảng Tiên đã xử lý 10,5/35 ha, Quảng Thủy đã xử lý 15/34 ha...

Trên địa bàn thị xã hiện có 22,6 km đường băng cản lửa, trong đó có 2 km đường băng xanh và 20,6 km đường băng trắng kết hợp đường vận xuất hiện đang sử dụng có hiệu quả. Hiện tại, các xã: Quảng Sơn, Quảng Minh và các chủ rừng là Chi nhánh Lâm trường Quảng Trạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch đã chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện và dụng cụ chữa cháy để tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; đồng thời tiến hành tu sửa các bảng tin tuyên truyền bảo vệ rừng và công trình phục vụ phòng cháy trên địa bàn, như: chòi canh lửa, biển cấm lửa, đường băng cản lửa kết hợp đường PCCCR...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Sự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn cho biết thêm, cháy rừng trên địa bàn thị xã thường xảy ra vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, thời gian phát lửa vào các buổi trưa (từ 11 giờ đến 14 giờ), hoặc chiều tối (từ 17 giờ đến 19 giờ). Nắm chắc đặc điểm và tình hình thực tế này, nên khi xây dựng phương án bảo vệ và PCCCR, các xã, phường có rừng và các đơn vị chủ rừng đã tăng cường công tác kiểm tra, trực PCCCR ở các tháng cao điểm trong năm và thời gian cao điểm trong ngày để kịp thời xử lý các điểm phát lửa khi mới xuất hiện.

Thị xã hiện có 10 Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (trong đó có 1 ban chỉ đạo cấp thị xã, 7 ban chỉ đạo cấp xã và 2 ban chỉ đạo đơn vị chủ rừng) gồm 192 thành viên và 20 tổ, đội bảo vệ rừng với 151 người tham gia. Các vùng trọng điểm trên địa bàn có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng gồm: rừng trồng thông nhựa chưa khai thác, rừng tự nhiên nghèo kiệt xen lẫn cây bụi và lau lách, một số khu vực rừng trồng thuần loài (keo, bạch đàn) gần khu dân cư, khu lăng mộ và một số tuyến giao thông, đường lâm nghiệp trên địa bàn các xã: Quảng Sơn, Quảng Minh, Quảng Trung, Quảng Thuỷ.

Cùng với việc bố trí các cán bộ công chức về phụ trách địa bàn 7 xã, phường có rừng nhằm tham mưu, giúp chính quyền cơ sở trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR, đơn vị đã triển khai thực hiện phương án PCCCR đến tận cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ, lấy phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương kịp thời, tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ và tuần tra canh lửa trong những ngày nắng nóng nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn trung ương, năm 2017, do biến đổi khí hậu nên các hiện tượng về thời tiết cực đoan, bất lợi, như: các đợt nắng nóng kéo dài, mưa lớn, lũ quét bất thường, rét đậm, rét hại..., sẽ tác động và làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng.

Bên cạnh đó, do tình hình đô thị phát triển nhanh và ảnh hưởng của cơ chế thị trường nên người dân sống gần rừng, liền rừng cần đất để sản xuất và nhu cầu sử dụng lâm sản trong cuộc sống, sinh hoạt ngày càng cao gây áp lực không nhỏ đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thị xã.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn thị xã, trước hết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan đến các chủ rừng và hộ gia đình, cá nhân; phải xác định bảo vệ rừng là trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê rừng hiện có, các cấp, các ngành cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và cấp kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân, góp phần ổn định công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

Hiền Chi