.

Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 29/12/2016, 12:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong đại gia đình 54 dân tộc anh em, tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số chính là Chứt và Bru- Vân Kiều. Với đặc thù văn hóa, điều kiện tự nhiên nơi cư trú, kinh tế- xã hội, luật tục...  cho đến nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành vấn đề thách thức đối với sự phát triển xã hội và chất lượng dân số.

Theo khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung tại 107 bản thuộc vùng rừng núi phía tây trải dài từ huyện Minh Hóa đến Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và tới Lệ Thủy, giáp ranh tỉnh Quảng Trị. Toàn tỉnh có 5.095 hộ, 23.036 khẩu dân tộc thiểu số, trong đó Bru- Vân Kiều 3.908 hộ, 16.435 khẩu, chiếm tỷ lệ 70%; gồm các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Dân tộc Chứt có 1.529 hộ, 5.872 khẩu, chiếm 27% là những tộc người: Sách, Rục, A Rem, Mã Liềng, Mày. Ngoài hai nhóm dân tộc thiểu số trên còn có các dân tộc thiểu số khác như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa Cô, Ca Rai... khoảng 155 hộ, 729 khẩu.

Thống kê giai đoạn 2010-2014 cho thấy, thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số và có chiều hướng giảm đáng kể. Giai đoạn này trong 2.452 cặp kết hôn thì có 226 cặp tảo hôn; 15 cặp kết hôn cận huyết thống. Năm 2010, toàn tỉnh có 544 cặp kết hôn, 55 cặp tảo hôn và 5 cặp kết hôn cận huyết. Đến năm 2014, trong 210 cặp kết hôn chỉ có 35 cặp tảo hôn và 2 cặp kết hôn cận huyết.

Ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch), tình trạng tảo hôn thường gắn liền với việc sinh nhiều con.
Ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch), tình trạng tảo hôn thường gắn liền với việc sinh nhiều con.

Theo ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh: “Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đồng bào. Kết hôn quá trẻ khi cơ thể chưa hoàn thiện đầy đủ làm cho thai nhi chậm phát triển, thậm chí dẫn đến tử vong cho mẹ lẫn con. Về môi trường giáo dục, trẻ kết hôn sớm hạn chế trong việc học tập văn hóa, nghề nghiệp, không có điều kiện tiếp thu những thành tựu giáo dục tiên tiến nhằm phát triển nhân cách, thể chất. Về kinh tế, tảo hôn hạn chế khả năng lao động, người tảo hôn khó có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, phần lớn thuộc diện đói nghèo. Với hôn nhân cận huyết, các cặp vợ chồng sinh con, trẻ nguy cơ mắc bệnh di truyền, dị dạng cao. Hôn nhân cận huyết là điều kiện cho những gen lặn bệnh lý tương đồng gặp nhau, sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền. Có thể nói, tập quán, phong tục lạc hậu, điều kiện địa lý cách trở, cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trong một không gian bó hẹp... là các yếu tố khách quan khiến cho tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn tồn tại”.

Ngày 14-4-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” (gọi tắt là Đề án 498). Ngày 17-3-2016, Ủy ban Dân tộc ban hành Công văn số 216/UBDT-DTTS hướng dẫn thực hiện Đề án 498.

Tại tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3315/QĐ-UBND ngày 25-10-2016 thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 498 do đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực BCĐ tham mưu cho UBND tỉnh về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.

Trên cơ sở Đề án 498, Ban Dân tộc tỉnh được sự cho phép của UBND tỉnh đã quyết định chọn xã Thượng Trạch xây dựng và triển khai mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, từ đó lấy làm cơ sở để nhân rộng trong toàn tỉnh. Xã Thượng Trạch là địa bàn cư trú của tộc người Ma Coong, dân số 491 hộ, 22.321 khẩu, định cư tại 18 bản. Sau khi chọn xã Thượng Trạch, Ban Dân tộc tỉnh triển khai điều tra, khảo sát về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 8/18 bản gồm: Cà Roòng I, Cà Roòng II, Khe Rung, Ban, Bụt, Chăm Pu và Cờ Đỏ. Kết quả có 54 cặp tảo hôn (chồng chưa đủ tuổi 22 người; vợ chưa đủ tuổi 32 người). Hôn nhân cận huyết 6 cặp vợ chồng, trong đó rơi vào các mối quan hệ huyết thống: con cô kết hôn với con cậu; con chú kết hôn với con bác và con dì kết hôn với con dì. Cũng tại xã Thượng Trạch, Ban Dân tộc tiến hành mở các lớp tập huấn cho những đối tượng là già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín, cán bộ chính quyền, cấp ủy, đoàn thể... về nội dung Đề án 498 của Chính phủ và thông qua mô hình thí điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch giai đoạn 2016-2018”.

Ông Đặng Thái Tôn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Trên cơ sở triển khai mô hình điểm tại xã Thượng Trạch, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tiến hành khảo sát thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng các tộc người còn lại. Trên cơ sở kết quả điều tra và đặc điểm tình hình đời sống đồng bào sẽ có những giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện Đề án 498. Sau mô hình điểm tại xã Thượng Trạch, sẽ nhân rộng ra tại Lâm Thủy (Lệ Thủy), Trường Sơn (Quảng Ninh) và Dân Hóa (Minh Hóa)”.

Để Đề án 498 triển khai hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đề án 498 tỉnh nhấn mạnh: “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, từ đó tất cả các sở, các ban, ngành liên quan cần phối hợp nhịp nhàng, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình giúp đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế dần nạn tảo hôn, đặc biệt là hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện có hiệu quả Đề án 498 là chúng ta đã chung tay cùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi những hủ tục lạc hậu, từ đó đồng bào có điều kiện tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần, đoàn kết vươn lên xóa đói, giảm nghèo”.

T.Long