.

Xuất khẩu lao động nhờ "chiếc vé" hôn nhân giả: Lặng lẽ những giọt nước mắt

Thứ Sáu, 17/06/2016, 10:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Xuất khẩu lao động bằng con đường kết hôn giả được xem là một hình thức xuất khẩu lao động trái phép, chứa đựng nhiều rủi ro. Hơn thế nữa, nó đang trở thành vấn nạn nhức nhối ảnh hưởng đến giá trị của hôn nhân và gia đình. Đáng tiếc, “cơn lũ xuất ngoại” cùng với những cám dỗ vật chất đã trở thành một thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt khiến nhiều phụ nữ sẵn sàng đánh cược hạnh phúc của chính mình. Và ẩn chứa sau đó là những hậu quả đáng buồn, những vấn đề đáng lo ngại cho xã hội.

Căn nhà 2 tầng nằm trên tuyến đường bê tông đi vào thôn Thanh Hải,  xã Thanh Trạch (Bố Trạch) luôn rộn ràng tiếng cười nói chơi đùa của con trẻ. Tuy nhiên, chủ nhà -  người phụ nữ có ánh nhìn xa xăm và đôi mắt đượm buồn trong buổi chiều chúng tôi gặp gỡ thì hoàn toàn khác hẳn với không khí rộn rã vốn có. Gặp gỡ và tâm sự, từng nút thắt ẩn sâu trong đôi mắt buồn ấy dần được hé mở. Cuộc đời chị Hồ Thị Ng. luôn gắn liền với những chuyến đi. Đi để tìm kiếm hướng giải thoát bế tắc về nợ nần của gia đình và để có vốn lập nghiệp.

Vì những động lực ấy, mạo hiểm và bất chấp tất cả, chị cầm bút ký vào tờ giấy kết hôn cùng người đàn ông có quốc tịch Hàn Quốc với tên rất dài mà ngay bản thân chị cũng không nhớ rõ.

Chưa từng một lần gặp mặt, tất cả mọi giao dịch chỉ thông qua người môi giới. Suy nghĩ của Ng. lúc ấy đơn giản chỉ là kết hôn giả để dễ dàng nhập cư Hàn Quốc và lao động kiếm tiền. Tuy nhiên, sau khi sang Hàn Quốc, mọi thứ không như lời môi giới là hết 3 năm nhập cư chính thức sẽ làm thủ tục ly hôn. Ng. luôn phải chịu sự quấy rối và đe dọa của người chồng có tên trên tờ giấy kết hôn đó. Những ngày tháng sống trên đất Hàn là chuỗi ngày nỗ lực cố gắng kiếm tiền trong lo lắng và bất an.

Sau 3 năm, yêu cầu ly hôn của chị với người đàn ông đó trở nên vô vọng vì những đòi hỏi vật chất quá lớn, ngoài sức đáp ứng của chị. Chị trở về quê, tìm thấy tình yêu đích thực và tổ chức đám cưới không hôn thú với người đàn ông cùng xã.

Những đứa trẻ con chị Hồ Thị Ng. vẫn chưa có giấy khai sinh do bố và mẹ chưa đăng ký kết hôn được.
Những đứa trẻ con chị Hồ Thị Ng. vẫn chưa có giấy khai sinh do bố và mẹ chưa đăng ký kết hôn được.

Và rồi khi những đứa con của họ ra đời, chị phải đứng trước những sự lựa chọn đau lòng chấp nhận thực tế con không có giấy khai sinh. Bởi về mặt luật pháp, chị không thể đăng ký kết hôn với người chồng mới và làm giấy khai sinh cho con mình. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, chị tâm sự: “Tôi cảm thấy rất buồn và hối hận vì trước đây không tìm hiểu kỹ mà chấp thuận kết hôn giả qua môi giới. Giờ về lấy chồng thấy do lỗi của mình mà chồng phải chịu thiệt thòi, làm cha mà không được đứng tên cho con. Giá như thời gian quay trở lại thì chắc chắn tôi không lựa chọn con đường kết hôn giả”.

Chị Ng. chỉ là 1 trong 125 trường hợp phụ nữ kết hôn và chưa giải quyết việc ly hôn với chồng nước ngoài trên địa bàn xã Thanh Trạch. Trước những cạm bẫy ngọt ngào mà môi giới lao động bất hợp pháp đặt ra, những phụ nữ ngây thơ ấy như những con thiêu thân. Để đến bây giờ, ai trong số họ cũng phải thốt lên “Giá như ngày ấy....”. Những hối hận muộn màng khi phải đối mặt với bài toán khó về mặt pháp lý với người chồng hiện tại cũng như những đứa con do chính họ sinh ra.

Chị Võ Thị B., xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) - một phụ nữ đã từng kết hôn với chồng Hàn Quốc chia sẻ:   “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đi làm vài năm, có tiền rồi sẽ về lấy chồng, việc ly hôn với người chồng Hàn Quốc chỉ là thủ tục đơn giản, ai ngờ bây giờ khi ly hôn lại rất khó khăn, tôi đã nộp đơn rồi hỏi han, đi tìm hiểu khắp nơi mà vẫn chưa giải quyết được. Giờ lấy chồng thì phải chịu cảnh không hôn thú, có con thì phải chịu cảnh con ngoài giá thú. Tôi chỉ mong mỏi có hướng giải quyết việc ly hôn để sửa chữa được sai lầm của mình”.

Cũng gặp phải chịu hệ lụy từ việc kết hôn giả, anh L. ở xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch) là một trong những hoàn cảnh éo le và thương tâm. Cuộc sống của anh ám ảnh bởi cụm từ kết hôn giả và ly hôn giả. Những tưởng chỉ là giả nhưng đến nay thì tất cả đều là sự thật. Với những mánh khóe mà môi giới vạch ra, anh và vợ là chị H. ung dung đi trên con đường làm giàu bằng cách ly hôn giả để vợ kết hôn với người chồng có quốc tịch Đức. Tất cả mọi việc đều diễn ra chóng vách và thuận lợi. Chuỗi ngày sau đó anh chỉ sống với sự chờ đợi ngày chị H. trở về và đoàn tụ.

Thế nhưng cái giá phải trả cho sự mạo hiểm của anh chính là sự chia ly và cô đơn. Cô đơn mỏi mòn đợi chờ trong 6 năm trời để rồi người vợ mà anh vô cùng yêu thương ấy đã thay lòng đổi dạ đi theo chồng Tây và không trở về. Đến nay, con gái anh đã tròn 8 tuổi vẫn ngày ngày trông ngóng mẹ. Người đàn ông có làn da rám nắng không giấu được những giọt nước mắt của sự tuyệt vọng, bùi ngùi tâm sự: “Đúng là không ai lấy thước mà đo lòng người. Lúc vợ chồng nghèo khổ thì cố vay mượn mà đi làm ăn kinh tế.

Khi có tiền rồi thì không như ý mình được. Vợ bỏ đi rồi, tôi thấy thương con gái là không có bàn tay của mẹ chăm sóc. Trước đây chỉ bàn với nhau là ly hôn giả, giờ thì ly hôn thật. Đúng là vì sai lầm lớn mà tôi mất vợ, vì tôi vẫn còn rất yêu vợ”.

Huyện Bố Trạch hiện là địa phương có nhiều hệ lụy phức tạp đằng sau câu chuyện kết hôn giả. Toàn huyện có trên 300 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, trong đó trên 50% phụ nữ đã về Việt Nam và đang chờ đợi giải quyết thủ tục ly hôn, hơn 20 trẻ em chưa được làm giấy khai sinh đồng nghĩa với việc hàng chục người đàn ông chưa chính thức được làm bố về mặt pháp lý. Đây là những mảng màu tối trong bức tranh xuất khẩu lao động bằng con đường kết hôn với người nước ngoài.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Bà Dương Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Bố Trạch cho biết: Thực tế thì phần lớn các trường hợp kết hôn giả và ly hôn giả chỉ những người trong cuộc mới biết, bởi vì về phương diện pháp lý những trường hợp đó đều bảo đảm các điều kiện và được thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật. Việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài rất khó thực hiện, vì đa số thường kết hôn thông qua người môi giới xuất khẩu lao động.

Vì vậy không thể cung cấp các giấy tờ liên quan cần thiết như họ tên, địa chỉ chính xác của những người chồng hay người vợ ngoại quốc. Và khi những người bố hoặc mẹ trốn chạy khỏi cuộc hôn nhân giả để tìm đến hạnh phúc của mình, thì việc làm giấy khai sinh cho con cái có đủ tên họ của bố và mẹ cũng không thực hiện được mà chủ yếu thường đăng ký khai sinh ngoài giá thú rồi sau đó sẽ tiếp tục làm thủ tục nhận cha con để bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con. Như thế dù đã có cách giải quyết hệ lụy của kết hôn giả, song đây cũng là bài học sâu sắc đối với những ai coi thường pháp luật, muốn đi xuất khẩu lao động bằng mọi cách”.

Giờ đây, giấc mộng phù hoa giàu sang có thể đã thành hiện thực như mong muốn của những người phụ nữ chấp nhận kết hôn giả, nhưng có lẽ, giấc mơ về một cuộc sống bình thường theo đúng nghĩa với đầy đủ quyền làm vợ được pháp luật thừa nhận đang quá xa vời. Có nhiều chị lạc quan thì cho rằng, đó chỉ là bất cập tạm thời, những người yêu nhau thì sẽ đến với nhau vô điều kiện. Có nhiều chị thì e ngại, không dám mở rộng trái tim đón nhận tình yêu vì những khúc mắc khó gỡ. Chung quy ở họ đều mang những tâm sự buồn, nỗi niềm khó nói và hy vọng vào những chính sách mới của pháp luật sẽ giải được những bế tắc đó.

Ánh mắt ngây thơ, trong sáng của những đứa trẻ bị gọi là con “ngoài giá thú” cứ theo mãi những ai đã từng một lần gặp. Để được ghi tên vào tờ giấy quan trọng nhất của cuộc đời - giấy khai sinh - với sự có mặt của người bố đẻ đối với các em là một chặng đường gian nan.

Thu Thơm