.

Chú trọng các biện pháp vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện trên địa bàn tỉnh

Thứ Tư, 15/06/2016, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Khác với đường dây hạ áp cung cấp điện năng đến từng phụ tải, đường dây truyền tải điện có nhiệm vụ cung cấp điện cho một khu vực rộng lớn (thường bao gồm nhiều tỉnh, thành phố), đồng thời điều hòa năng lượng trên phạm vi toàn quốc. Việc ngừng vận hành một đường dây vì nguyên nhân sự cố luôn gây gián đoạn cung cấp điện và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong những giờ cao điểm. Chính vì vậy, công tác bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện trên địa bàn tỉnh là việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết.

Vụ việc mất điện nhiều khu vực ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam ngày 2-9-2014 do sự cố ở Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, hay vụ mất điện hoàn toàn miền Nam (bao gồm 22 tỉnh thành từ Ninh Thuận trở vào) ngày 22-5-2013 do sự cố trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định là hai trong số những ví dụ điển hình về sự nghiêm trọng khi xảy ra sự cố trên lưới điện truyền tải.

Riêng sự cố mất điện ngày 22-5-2013 được xem là sự cố lớn nhất trong lịch sử ngành điện Việt Nam từ trước đến nay và đã được đưa vào danh sách những sự cố mất điện lớn nhất của thế giới.

Trên địa bàn tỉnh ta, trong những năm gần đây đã có nhiều vụ việc vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cung cấp điện. Đáng kể như vụ việc xe trộn bê tông ở Khu kinh tế Vũng Áng vi phạm khoảng cách an toàn gây sự cố cho đường dây 220kV Formosa - Đồng Hới trong ngày 6-9-2014, làm toàn bộ tỉnh Quảng Bình và phần lớn tỉnh Hà Tĩnh mất điện trong hơn 1 giờ.

Công nhân viên truyền tải điện kiểm tra tuyến đường dây vào tháng cao điểm của mùa khô.
Công nhân viên truyền tải điện kiểm tra tuyến đường dây vào tháng cao điểm của mùa khô.

Hay vụ việc người dân xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh đốt rừng cháy lan vào hành lang gây sự cố cho đường dây 500kV mạch 1 Hà Tĩnh - Đà Nẵng ngày 15-8-2014, làm mất điện đường trục năng lượng Bắc - Nam trong gần 30 phút.

Đặc biệt, bước vào mùa khô năm nay, tuy tình hình nắng nóng chưa đến mức khắc nghiệt, nhưng theo dự báo, năm 2016 có thể là năm nắng nóng nhất trong lịch sử, vượt qua mức nhiệt kỷ lục năm 2015. Chỉ mới giai đoạn đầu mùa nắng nóng nhưng nhu cầu cung cấp điện năng trên các đường dây 220kV qua tỉnh Quảng Bình đã tăng đột biến.

Cụ thể, tổng sản lượng điện năng trong hai tháng 4 và 5 năm 2016 là gần 700 triệu kWh, tăng gần 200 triệu kWh, tương đương gần 40% so với cùng kỳ năm 2015. Đây được xem là mức tăng kỷ lục trong vài năm trở lại. Với sản lượng truyền tải lớn như vậy, chỉ cần một tác động nhỏ đến các đường dây 220kV sẽ ngay lập tức gây nên sự cố cực kỳ lớn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, làm gián đoạn cung cấp điện trong cả khu vực Bắc Trung bộ.

Sự cố nếu xảy đến với các đường dây 500kV thậm chí sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều, làm mất cân bằng năng lượng giữa ba miền Bắc - Trung - Nam, để lại những thiệt hại to lớn về mặt kinh tế.

Đáng nói là, hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh có tuyến đường dây truyền tải đi qua, do nhận thức còn nhiều hạn chế nên một số người dân vẫn tồn tại nhiều hoạt động, hành vi có thể gây sự cố cho các đường dây như: thả diều, đốt rừng, đào xúc đất, hoạt động của các loại phương tiện giao thông thủy, bộ, thi công cơ giới như xe cẩu, quá khổ... trong hoặc gần hành lang bảo vệ các đường dây. Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm đối với các đường dây truyền tải, bởi với các cấp điện áp siêu cao áp, khoảng cách phóng điện là rất lớn (khoảng cách phóng điện với đường dây 220kV là 6m, đường dây 500kV là 8m).

Với mục đích bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối các đường dây 500kV và 220kV qua địa bàn tỉnh, trong suốt thời gian vừa qua, đơn vị quản lý vận hành là Truyền tải điện Quảng Bình đã tích cực, khẩn trương tổ chức triển khai tất cả các biện pháp bảo vệ cần thiết đã mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Truyền tải điện đã tổ chức san ủi hơn 2 triệu m2 hành lang đường dây để ngăn ngừa sự cố do cháy. Hiện công tác san ủi vẫn đang được đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện, nhất là trong những thời điểm bắt đầu vào mùa khô.

Cùng với đó, đơn vị cũng đã yêu cầu CBCNV các Trạm biến áp 220 kV, các đội Truyền tải điện tăng cường kiểm tra, soi phát nhiệt thiết bị, nhanh chóng lên kế hoạch xử lý những điểm có nhiệt độ cao, những khiếm khuyết thiết bị, tổ chức vệ sinh cách điện ngay cả khi đường dây đang mang điện vận hành...

Ngoài ra, Truyền tải điện Quảng Bình còn triển khai công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện bằng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị tuyên truyền để phổ biến kiến thức, ích lợi và tác hại của việc bảo vệ hành lang lưới điện; phối hợp với các địa phương, sử dụng xe ô tô đi phát thanh, cổ động trong mùa cao điểm; tổ chức phát tờ rơi có nội dung tuyên truyền cho học sinh và người dân; cắm biển báo nguy cơ gây mất an toàn lưới điện trên các tuyến hành lang đường dây; vận động người dân không đốt rẫy trong và gần hành lang đường dây truyền tải điện... nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện.

Tuy nhiên, với tính chất quan trọng của các đường dây truyền tải điện và tình hình thực tế tại địa phương thì chỉ với nỗ lực của đơn vị Truyền tải điện là chưa đủ. Để hạn chế những sự cố tương tự xảy ra, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của toàn xã hội từ các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành liên quan và quan trọng nhất là ý thức của người dân đối với bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.

Thêm vào đó, cần sự nghiêm minh của pháp luật với các chế tài đủ mạnh thì hệ thống truyền tải điện mới giảm nguy cơ sự cố. Có như vậy, việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đường dây truyền tải điện trên địa bàn tỉnh mới thực sự hiệu quả.

N.L-T.Th