.

Nỗi lo khi hè về

Thứ Hai, 13/06/2016, 13:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 9 tháng nỗ lực học tập, các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè với bao niềm vui và háo hức. Tùy theo từng độ tuổi, các em đều có những dự định khác nhau cho mùa hè của mình. Học các môn văn hóa, thể thao, tham gia các câu lạc bộ, học thêm, đi chơi cùng bạn bè... đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho các em. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực ấy, khi hè về, nhiều bậc phụ huynh lo ngay ngáy vì con em mình tham gia giao thông nhiều hơn, đồng nghĩa với việc đối mặt với nguy cơ về tai nạn giao thông lớn hơn.

Bên cạnh số học sinh các cấp trên địa bàn, hè đến, sinh viên về quê nghỉ hè chiếm một số không nhỏ, góp phần gia tăng số lượng học sinh, sinh viên tham gia giao thông vào dịp hè. Những hình ảnh dễ dàng bắt gặp là các em học sinh đi xe mô tô, xe đạp, xe máy điện... dàn hàng ngang, thậm chí bá vai, bá cổ, dắt tay nhau khi lên dốc hay qua cầu, vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... vẫn thường xảy ra.

Nếu trong năm học, những hình ảnh này thường chỉ bị bắt gặp vào những giờ cố định như buổi sáng đến lớp, buổi trưa tan trường, thì nay có thể bắt gặp ở bất cứ đâu và thời gian nào vì các em đang trong kỳ nghỉ hè.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) cho biết: Mỗi ngày đi làm, tôi đều đi qua ngã tư. Và không khó để bắt gặp cảnh các em học sinh, đôi khi đi thành từng nhóm, sẵn sàng vượt đèn đỏ nếu không có lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Học sinh đi xe dàn hàng ngang và không đội mũ bảo hiểm, hình ảnh dễ bắt gặp trên đường.
Học sinh đi xe dàn hàng ngang và không đội mũ bảo hiểm, hình ảnh dễ bắt gặp trên đường.

Với hành vi này, các em không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mình mà cho cả những người xung quanh. Tôi cũng có con đang học THPT, tôi luôn nhắc nhở cháu tuân thủ các quy định về an toàn giao thông (ATGT). Nhưng mỗi khi con ra đường, tôi vẫn lo ngay ngáy vì dù con mình có chấp hành triệt để, nhưng gặp những đối tượng xem thường Luật Giao thông đường bộ, trong đó có không ít các em học sinh, sinh viên, thì con em mình vẫn đứng trước nguy cơ tai nạn giao thông...

Nỗi lo của chị Nguyệt là hoàn toàn có cơ sở khi trong thời gian nghỉ hè, các em học sinh ít chịu sự quản lý của nhà trường. Về phía các bậc phụ huynh cũng không thể quản lý con em triệt để như thời gian các em đi học. Tâm lý "xả hơi" sau gần mười tháng học tập với nhiều kỳ thi căng thẳng khiến nhiều học sinh "bỏ quên" Luật Giao thông, góp phần gây nên tình trạng lộn xộn và mất ATGT trong dịp này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy giáo Hoàng Thế Hùng, Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết: Hàng năm, trong thời gian nghỉ hè (1-6 đến đầu tháng 8), Đoàn trường chuyển giấy sinh hoạt hè và bàn giao học sinh về sinh hoạt tại các địa phương, nơi các em cư trú. Tất cả những hoạt động của các em, bao gồm cả việc thực hiện các quy định về ATGT, đều thuộc trách nhiệm của tổ chức Đoàn các địa phương. Kết thúc sinh hoạt hè, các em sẽ được chứng nhận của tổ chức Đoàn nơi mình cư trú và nộp cho Đoàn trường. Tương tự, tại các trường THCS và tiểu học, hè đến, các em cũng được chuyển sinh hoạt về địa phương.

Với cách quản lý học sinh nói trên, nếu công tác sinh hoạt hè tại các địa phương thực sự hiệu quả sẽ tạo sân chơi lành mạnh cho các em và thuận lợi trong việc tuyên truyền thực hiện Luật Giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết hoạt động sinh hoạt hè tại các khu dân cư vẫn còn mang tính chiếu lệ, thiếu chiều sâu, nhiều học sinh chỉ có mặt để điểm danh. Nội dung sinh hoạt chưa phong phú, không thu hút được sự tham gia của các em. Và trong các buổi sinh hoạt, các nội dung về ATGT chưa được đề cập, tuyên truyền.

Do đó, việc các em học sinh tụ tập thành nhóm tại các quán trà sữa, để xe lấn chiếm lòng, lề đường, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, đi xe đạp, xe máy dàn hàng ngang, trong công viên, trên hè phố, sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông... vẫn còn phổ biến. Có thể thấy rõ một điều rằng, đối với những em học sinh này, lực lượng duy nhất khiến các em e sợ và dè chừng là cảnh sát giao thông nên các em thường tham gia giao thông trong tình trạng đối phó, chưa có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân và cho mọi người.

Về phía cơ quan chức năng, cùng với các kế hoạch bảo đảm ATGT thường xuyên và các dịp lễ, tết, đối với đối tượng là học sinh, sinh viên, vào các kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng, tuyển sinh vào lớp 10..., Ban ATGT tỉnh luôn có các kế hoạch nhằm tăng cường bảo đảm ATGT, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi, ứng trực tại các điểm nút giao thông quan trọng, bến xe, nhà ga... phân luồng giao thông. Hoạt động này đã góp phần quan trọng bảo đảm trật tự ATGT, tạo điều kiện cho thí sinh và người nhà trong suốt thời gian diễn ra các kỳ thi. 

Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động tổ chức vào các dịp cao điểm nêu trên, để góp phần bảo đảm ATGT cho học sinh trong dịp hè, nên chăng cơ quan chức năng cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên trong dịp hè. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương và có các giải pháp đối với học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ATGT để các em chấp hành và nâng cao ý thức.

Đối với các bậc phụ huynh cũng cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn con em mình trong việc tham gia các hoạt động hè nói chung, tham gia giao thông nói riêng. Làm được những điều này, các bậc phụ huynh sẽ bớt đi nỗi lo mỗi khi hè về, đồng nghĩa với việc ATGT được bảo đảm, hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngọc Mai