.

Hiệu quả sử dụng thùng vận chuyển thịt bảo đảm ATTP

Thứ Năm, 24/09/2015, 16:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê, hàng năm tỉnh ta tiêu thụ khoảng 20 nghìn tấn thịt lợn và nhu cầu ngày càng được tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thịt sạch (sản phẩm không có dư lượng thuốc kháng sinh, độc tố nấm mốc, các kim loại nặng, các chất kích thích tăng trưởng bị cấm, các mầm bệnh truyền nhiễm như vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng...). Trong khi đó, muốn có thịt sạch theo các tiêu chuẩn trên thì phải thực hiện đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP.

 

Hỗ trợ thùng vận chuyển thịt bảo đảm ATTP tại Đồng Hới.
Hỗ trợ thùng vận chuyển thịt bảo đảm ATTP tại Đồng Hới.

Thực tế tại tỉnh ta, công tác tổ chức thực hiện quản lý chất lượng, ATTP đối với sản phẩm thịt còn một số tồn tại.

Nguyên nhân chủ yếu như: chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chưa quản lý được nguồn thức ăn chăn nuôi; kiểm soát dịch bệnh chưa chặt chẽ; thu gom và giết mổ chưa tập trung; sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trên thị trường được bày bán chưa đúng quy định, đặc biệt phương tiện vận chuyển thịt không bảo đảm vệ sinh...

Trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm thịt, công đoạn vận chuyển có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, ATTP. Theo quy định, phương tiện vận chuyển thịt phải bảo đảm làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, dễ làm vệ sinh khử trùng, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và được đóng kín trong suốt quá trình vận chuyển.

Song đa số các cơ sở kinh doanh thịt trên địa bàn tỉnh ta chưa đủ điều kiện thực hiện quy định này, việc vận chuyển không bảo đảm vệ sinh tiềm ẩn nhiều mối nguy gây mất ATTP đối với sản phẩm thịt, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.

Để hạn chế, tiến tới ngăn chặn các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt lợn trên địa bàn, Sở NN và PTNT cũng như UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát chất lượng, ATTP, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của Nhà nước về ATTP.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, từ các nguồn kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản đã phối hợp với các Trạm thú y hỗ trợ 32 thùng vận chuyển thịt bảo đảm ATTP cho các cơ sở kinh doanh thịt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố gồm: Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Thùng vận chuyển thịt được thiết kế phù hợp với nhu cầu kinh doanh và phương thức vận chuyển thịt trên địa bàn tỉnh ta, vừa đáp ứng các quy định của Nhà nước. Thùng có dạng chữ nhật, được làm bằng vật liệu inox không gỉ, nắp đậy có lỗ thoáng khí, bên ngoài có khung đỡ bảo đảm chắc chắn, bền khi vận chuyển.

Qua gần 3 năm thực hiện hỗ trợ thùng vận chuyển thịt bảo đảm ATTP cho thấy có nhiều ưu điểm, đó là hạn chế sự lây nhiễm vi sinh vật và các chất độc hại vào sản phẩm thịt trong quá trình vận chuyển, góp phần bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm; làm thay đổi nhận thức của các cơ sở kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP đối với sản phẩm thịt lợn.

Tuy nhiên, so với số lượng cơ sở kinh doanh thịt lợn trên địa bàn tỉnh, số cơ sở sử dụng thùng vận chuyển thịt bảo đảm ATTP còn quá ít ỏi. Nguyên nhân là do người nông dân vẫn còn tư tưởng mong chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa tự giác đầu tư phương tiện nhằm bảo đảm ATTP theo quy định.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có chế tài xử lý vi phạm hành chính về điều kiện vệ sinh thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật tươi sống nhưng việc triển khai áp dụng vẫn chưa được quan tâm thực hiện. Sử dụng thùng vận chuyển thịt bảo đảm ATTP là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Do đó, trong thời gian tới các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có biện pháp quản lý, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm điều kiện vệ sinh thú y trong vận chuyển thịt. Ngoài ra, cần có các chính sách quản lý đồng bộ theo chuỗi từ khâu sản xuất, giết mổ, sơ chế và vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng.

Ngô Diệu