.
Chuyện tuần này:

Để không là muộn màng...

Thứ Hai, 21/09/2015, 20:29 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Quảng Bình đã có những bước tiến đáng ghi nhận trên hành trình phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tuy vậy, một sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng cho chính tên tuổi Quảng Bình lại là điều đang vô cùng thiếu. Nhiều khách du lịch đến tỉnh ta, muốn mua một vật lưu niệm, ghi dấu một lần về thăm quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng gặp không ít khó khăn. Nếu nhẩm tính chỉ cần một nửa trong 2,8 triệu khách du lịch đến Quảng Bình trong năm 2014 mua 1 sản phẩm lưu niệm của tỉnh nhà, thì giá trị kinh tế mang lại và hiệu quả quảng bá đã lớn như thế nào rồi.

Suốt thời gian qua, chúng ta vẫn cứ loay hoay với việc tìm ra một sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của tỉnh nhà, nhưng rồi vẫn chưa đi đâu về đâu với các sản phẩm thiếu sự nổi bật, chưa có đột phá, hời hợt về nội dung và hình thức. Vậy, nên chăng cần có một cuộc bình chọn về sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của Quảng Bình, và người lựa chọn chính là người dân?.

2. Trong một dịp đi tìm hiểu về các điệu hò cổ của ngư dân vùng biển Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, có một chuyện khiến tôi luôn đau đáu mãi. Các điệu hò cổ của người “kẻ biển” giờ đây rất hiếm người còn nhớ, chủ yếu là dựa vào ký ức của các bậc cao niên và một vài tư liệu hiếm hoi, chính vì vậy, để tìm được người có thể hò, diễn giải các điệu múa, câu hò là điều rất may mắn.

Khi tìm về thôn Sa Động, Bảo Ninh, một câu nói hờn trách của cụ ông người địa phương khiến tôi day dứt: “Sao phóng viên bây giờ mới về, nhiều nghệ nhân đã rời xa cõi tạm rồi. Phóng viên về muộn quá!”. Bất giác, tôi chợt nhớ lại còn nhiều nghệ nhân trong dân gian mà mình cũng từng viết bài, như về tuồng cổ, hò lỉa gỗ, hò giã ruốc..., dù tuổi đã cao sức yếu, vẫn đau đáu chờ đợi được sự giúp đỡ từ chính quyền, các đơn vị liên quan để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương trước khi quá muộn...

Dù làm du lịch hay văn hóa, dù là những vấn đề hiển hiện trước mắt hay những đau đáu tiềm ẩn phía sau, dù là giá trị vật chất hay tinh hoa tinh thần, điều cốt lõi vẫn là phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, trước khi quá muộn màng. Có những thứ dù muộn xuất hiện như sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng, vẫn có thể mang lại nhiều giá trị cho những thời điểm sau này, nhưng cũng có không ít hồn cốt dân gian, nếu ta bỏ lỡ một lần thì sẽ mang tội đến muôn đời.

Chợt nhớ đến những chia sẻ của cố GS.TS Trần Văn Khê, người suốt đời vì âm nhạc dân tộc: “Thừa hưởng gia tài của ngàn xưa trước hết phải giữ gìn nguyên vẹn di sản văn hóa đó”.

Quảng Hạ