.
Nhân Ngày thảm họa da cam Việt Nam 10-8

Mở rộng vòng tay... cộng đồng chia sẻ

Thứ Hai, 10/08/2015, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng năm, khi có điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường cùng đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin về tận cơ sở, thăm hỏi, động viên nạn nhân CĐDC và thân nhân của họ, “những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”- như lời của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói.

Tôi còn nhớ vào năm 2013, khi cùng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đến thăm các nạn nhân CĐDC tại xã Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới), đồng chí chia sẻ: “Quan tâm đến nạn nhân CĐDC không phải bằng những lần tặng quà vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm. Để nạn nhân CĐDC và thân nhân của họ vượt qua tự ti, mặc cảm, chiến thắng số phận thì chúng ta phải mở rộng vòng tay, huy động cả cộng đồng cùng giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông”.

Những số phận không có hồi kết

Năm 2013, tỉnh Quảng Bình tiến hành một đợt tổng điều tra khá quy mô về nạn nhân CĐDC. Qua điều tra cho thấy có trên 26.796 người bị phơi nhiễm và nghi bị nhiễm CĐDC/Dioxin, trong đó trực tiếp tham gia kháng chiến 19.207 người (đã chết 3.991 người); con của người tham gia kháng chiến 3.719 người; thế hệ F2 (đời cháu) 470 người. Đối tượng được hưởng chế độ 5.971 người (trong đó tham gia kháng chiến 3.742 người, gián tiếp 2.229 người).

Hơn mười lăm năm gắn bó với nạn nhân CĐDC, tôi từng chứng kiến những hình hài sinh ra sau thời hậu chiến... không nguyên vẹn, dặt dẹo, sống cuộc đời thực vật... mãi mãi chỉ là những đứa trẻ vô tri, vô giác, chết dần, chết mòn. Tôi cũng từng chứng kiến cảnh người làm cha, làm mẹ khô nước mắt vì con cháu, tuổi mòn theo năm tháng vẫn canh cánh một nỗi lo duy nhất: “Mai này sức cùng, lực kiệt hay chết đi, lấy ai thay mình chăm sóc con cái?”...

Đó là vợ chồng anh Đỗ Đức Địu ở thôn Hà Thiệp (xã Võ Ninh, Quảng Ninh) 12 lần tiễn con vào lòng cát bỏng. Mười hai sinh linh nối tiếp nhau ra đời, mang di chứng da cam từ người bố và những năm tháng anh Địu sống, chiến đấu tại Trường Sơn, sân bay A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế).

Ông Nguyễn Mạnh Hoanh ở xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) sinh năm 1948, nhập ngũ năm 1971, chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên. Bà Nguyễn Thị Em từ năm 1976 đến năm 1979 dạy học tại huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Trường học nằm bên sân bay Ái Tử, một trong những điểm tập trung chất khai quang cho máy bay tiến hành rải thảm dọc các cánh rừng nam vĩ tuyến 17. Ông bà có bốn người con: Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1977; Nguyễn Thị Thúy Hằng, sinh năm 1979; Nguyễn Thái Cường, sinh năm 1982 và Nguyễn Thái Phương, sinh năm 1984. Trong bốn anh em, có ba người bị phơi nhiễm da cam là Thúy Hằng, Thái Cường, Thái Phương. Riêng Cường, Phương nằm bán thân bất toại, sống đời sống thực vật trên 32 năm và chắc chắn mãi mãi.

Anh Lê Thanh Đức, bộ đội xuất ngũ, kết hôn với chị Hồ Thị Hồng ở xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch). Họ lần lượt có với nhau bảy mặt con: Lê Thị Phượng, sinh năm 1983; Lê Thị Nở, sinh năm 1986; Lê Thị Duyên, sinh năm 1991; Lê Thị Lành, sinh năm 1993; Lê Thanh Chiến, sinh năm 1995 và Lê Thanh Quân sinh năm 1997. Ba cô con gái Phượng, Nở, Lành là nạn nhân CĐDC, phơi nhiễm từ bố. Gương mặt các em người giống bố, người giống mẹ, thanh thoát, hiền lành. Ba chị em giống nhau ở một hoàn cảnh, bán thân bất toại. Chị Hồ Thị Hồng một tay chăm các con hơn 30 năm nay. Nhà chỉ một nạn nhân đã khổ, đằng này có đến ba người.

Cùng mở rộng vòng tay nhân ái

Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm cháu Phan Văn Lâm, 21 tuổi (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới) nạn nhân CĐDC.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm cháu Phan Văn Lâm, 21 tuổi (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới) nạn nhân CĐDC.

Trong hơn 10 năm thực thi chiến dịch Ranch Hand rải chất khai quang (1961-1971), đế quốc Mỹ tiến hành 19.905 phi vụ máy bay tham gia và trên 21 triệu gallons (tương đương gần 80 triệu lít) các loại chất độc được rải, trong đó 61% là chất da cam chứa 366 kg dioxin. Phạm vi ảnh hưởng của chiến dịch Rand Hand bao trùm trên một diện tích rộng lớn: 32/46 tỉnh, thành ở miền Nam nằm trong khu vực chịu tác động của chất độc; 80% diện tích rừng bị khai quang trên 2 lần; 11% diện tích rừng bị khai quang trên 10 lần; 3.185 thôn, làng, bản bị tàn phá... Dioxin là chất cực độc trong các loại chất độc. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chứng minh rằng chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào nguồn nước uống thì có thể giết chết 8 triệu người dân trong một thành phố.

Những người lính Việt Nam, cựu binh Mỹ và các nước đồng minh từng tham chiến trong khu vực bị rải thảm, khi trở về thời bình, bản thân họ không biết mình đã mang trong người một thứ mầm mống bệnh tật kinh hoàng, di chứng kéo dài không phải chỉ trên cơ thể mình mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Tại Quảng Bình, để giúp đỡ nạn nhân CĐDC, hệ thống Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin nhanh chóng thành lập từ tỉnh đến tận cơ sở; 8 huyện, thành phố, thị xã; 131/159 xã, phường, thị trấn đã có tổ chức hội. Các cấp hội tập hợp được 5.771 hội viên. Cùng với công tác phát triển tổ chức hội, hội viên, toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào xây dựng Quỹ nạn nhân CĐDC. Giai đoạn 2009- 2015, Quỹ nạn nhân CĐDC đạt gần 18 tỷ đồng.

Từ nguồn quỹ này đã xây mới và sửa chữa 51 ngôi nhà, trị giá 2.353 triệu đồng; cấp 180 suất học bổng cho học sinh nạn nhân CĐDC, số tiền 406 triệu đông; tặng 3.151 suất quà trị giá trên 1.900 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất 388 triệu đồng; cấp 145 xe lăn, xe lắc trị giá 240 triệu đồng; khám chữa bệnh 119 nạn nhân với số tiền 263 triệu đồng. Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh triển khai xây dựng Trung tâm bán trú cho nạn nhân tại thành phố Đồng Hới và xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), trở thành nơi phục hồi chức năng, tẩy độc, đào tạo nghề cho nạn nhân CĐDC lâu dài.

Hướng đến Ngày thảm họa da cam Việt Nam 10- 8 năm nay, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin chung tay huy động trên 700 suất quà, trị giá 250 triệu đồng thăm hỏi, động viên nạn nhân CĐDC.  Riêng Tỉnh hội đã có 100 suất quà phân bổ về cho các địa phương. UBND tỉnh cũng tổ chức các đoàn đi thăm gia đình nạn nhân CĐDC tại thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và huyện Minh Hóa.

Thăm nạn nhân CĐDC ở hai địa phương Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng chia sẻ những thiệt thòi, mất mát, đau khổ mà bản thân nạn nhân- những người đi qua chiến tranh chống Mỹ và thế hệ con cháu họ bị ảnh hương di chứng CĐDC. Những món quà được trao dù giá trị vật chất không lớn nhưng mang giá trị tinh thần cao cả của cộng đồng xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, động viên nạn nhân CĐDC khắc phục khó khăn, vượt qua mặc cảm, tự ti để vươn lên trong cuộc sống.

Ngô Thanh Long