.

Thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy: Ra ngõ gặp khó

Thứ Sáu, 20/06/2014, 15:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) đối với xe mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh ta được triển khai từ tháng 6-2013 nhưng đến nay số tiền thu được vẫn còn rất ít. Trong năm 2013 Quỹ BTĐB chỉ thu được 48,5% so với kế hoạch. Dường như việc triển khai thu loại phí này còn khá xa lạ đối với nhiều người dân...

Ì ạch vì quá nhiều khó khăn

Theo quy định của Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ BTĐB và Thông tư 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu nộp, thì tất cả các cá nhân, tổ chức sở hữu phương tiện xe mô tô đều phải nộp phí. Theo quy định, mức thu phí đối với xe có dung tích xi lanh đến 100cm3 là 50.000 đồng/năm, xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3 là 110.000 đồng/năm. Nhưng việc triển khai thu phí BTĐB trên địa bàn tỉnh ta từ gần một năm nay lại khá ì ạch. Rất nhiều người dân tỏ ra né tránh và không chịu nộp phí.

Theo báo cáo của văn phòng Quỹ BTĐB tỉnh thì trên địa bàn tỉnh ta cho đến thời điểm hiện tại số lượng phương tiện mô tô, xe máy gần 326.000 chiếc. Nhưng số tiền mà các địa phương thu được từ phí BTĐB lại rất ít. Chẳng hạn, trong năm 2013 kế hoạch thu là hơn 18 tỷ đồng nhưng chỉ thu được hơn 9 tỷ đồng (48,5%) và kế hoạch năm 2014 là 23 tỷ đồng nhưng đến ngày 30-4 chỉ mới thu được hơn 1 tỷ đồng.

Chị Nhung Anh, cán bộ văn phòng Quỹ BTĐB cho biết, công tác thu phí BTĐB đối với xe mô tô và xe máy trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm 2013, kế hoạch thu phí BTĐB đã được triển khai đến 159 xã, phường và thường xuyên có văn bản đôn đốc nhưng hiệu quả chưa cao.

Theo phân tích của văn phòng Quỹ BTĐB tỉnh thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó ý thức của người dân về việc nộp phí được nhìn nhận như là nguyên nhân quan trọng nhất. Thêm vào đó, nhân sự Hội đồng quản lý Quỹ và văn phòng Quỹ đều là cán bộ kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Trong Hội đồng quản lý Quỹ không có thành phần của huyện nên công tác đôn đốc thu cũng có phần hạn chế.

Theo quy định, đối với các phường, thị trấn sau khi hoàn tất việc thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy thì được để lại 10% số phí; các xã được để lại 20% số phí thu được trên địa bàn để trang trải chi phí tổ chức thu. Trong khi đó, mức phí để in, mua biên lai thu phí, mua văn phòng phẩm, chi bồi dưỡng cán bộ dân phố và cán bộ trực tiếp tham gia thu phí, phương tiện đi lại và các chi phí khác phục vụ thu phí lại cao hơn nhiều so với số tiền được trích phần trăm từ công tác thu phí. Bên cạnh đó, kinh phí tổ chức thực hiện đối với cấp huyện, thị xã lại không được tính. Điều này dẫn đến việc cán bộ thu không mặn mà với việc thu phí BTĐB.

Số phương tiện mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh ta ngày càng tăng nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn chưa có ý thức nộp phí BTĐB.
Số phương tiện mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh ta ngày càng tăng nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn chưa có ý thức nộp phí BTĐB.

Cũng theo cán bộ Quỹ BTĐB tỉnh thì tại một số phường ở TP. Đồng Hới dân không chịu nộp phí BTĐB vì không có chế tài xử phạt đối với các đối tượng không nộp phí nên ý thức của người dân chấp hành chưa cao. Thực tế cho thấy, qua kết quả kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2014 mới chỉ phạt các lỗi: vượt quá tốc độ cho phép, vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, v.v. mà chưa tiến hành xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không nộp phí BTĐB, có chăng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở người vi phạm.

Chậm thu phí, khó sửa đường

Hiện tại, tỉnh ta đang trên đà phát triển với nhiều thuận lợi về du lịch và phát triển dịch vụ, do đó cần xây dựng mới, nâng cấp các hệ thống hạ tầng giao thông. Do nguồn kinh phí dành cho xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu, nên một số công trình giao thông chưa được triển khai, có dự án đang triển khai bị đình, hoãn, một số công trình không theo tiến độ như mong muốn...

Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, Quỹ BTĐB địa phương sẽ góp phần tạo nguồn kinh phí một cách chủ động, hiệu quả cho việc cải tạo, sửa chữa bảo trì nhằm nâng tuổi thọ công trình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chị Nhung Anh, cán bộ văn phòng Quỹ BTĐB chia sẻ thêm, mức phí thu được sau khi trích lại cho các cơ quan thu phí, nguồn quỹ sẽ được nộp vào Quỹ BTĐB tỉnh. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để duy tu các tuyến đường trong toàn tỉnh, đầu tư nâng cấp đường nông thôn tại các huyện, xã. Đồng thời, chi sửa chữa đột xuất (khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão hoặc nguyên nhân bất thường khác để bảo đảm giao thông và an toàn giao thông...). 

Cụ thể, trong năm 2013, Quỹ BTĐB tỉnh đã chi hơn 6 tỷ đồng để sửa chữa các tuyến đường trong toàn tỉnh. Tuy mức kinh phí này chưa đáp ứng được cho những dự án lớn, nhưng nếu được sử dụng theo quy định về sửa chữa cầu, đường, tỉnh ta sẽ bớt đi những con đường xấu, xóa những điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Chính vì vậy, mọi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, chấp hành việc đóng phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

Để việc thu phí BTĐB được triển khai kịp thời, đúng quy định và có hiệu quả trong thời gian tới, Quỹ BTĐB tổ chức đẩy mạnh tuyên tuyền nâng cao ý thức của người dân về nộp phí BTĐB, đồng thời, tiến hành tập huấn cho cán bộ trực tiếp thu tại các xã. Để người dân biết được hiệu quả của việc nộp phí, khi tuyến đường được sửa chữa từ nguồn phí bảo trì đường bộ được hoàn thành thì chủ đầu tư sẽ làm một tấm biển cắm tại vị trí tuyến đường đó và ghi rõ là đường sử dụng nguồn phí BTĐB.

Thu phí sử dụng đường bộ là chủ trương đúng đắn nhằm tạo nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo trì và nâng cấp các công trình giao thông, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chính vì vậy, để công tác thu, nộp phí trên địa bàn tỉnh ta đạt kết quả như mong đợi thì rất cần sự ủng hộ, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh quy định Nhà nước của người dân.

Lan Chi