.

Lâm Trạch mùa hạn hán

Thứ Tư, 25/06/2014, 07:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi khi mùa hè đến, vấn đề nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân xã Lâm Trạch. Và cùng với việc bỏ hoang nhiều diện tích cây trồng vụ hè-thu, trong đó có 120 ha lúa, hàng nghìn người dân nơi đây đang phải vật lộn với một mùa hè khô khát vì không có nước sinh hoạt...

 

Phần lớn giếng khơi trong xã đều khô cạn.
Phần lớn giếng khơi trong xã đều khô cạn.

Có mặt tại Lâm Trạch vào cuối tháng 6-2014, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều giếng khơi của các hộ dân thôn 1,2 3 bị khô cạn. Ông Nguyễn Ngọc Khai, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch cho biết: Trong vài năm gần đây, do diễn biến phức tạp của thiên tai, hàng chục giếng khơi trong vùng chỉ mới chớm hè là đã bị khô cạn.

Bên cạnh đó, một số giếng còn sử dụng được thì trong đợt mưa lũ 2013 đã bị sụt lún và hư hỏng hoàn toàn. Số giếng khơi sử dụng được trên địa bàn xã chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thống kê sơ bộ cho thấy có trên 60% người dân địa phương bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Tại điểm chính và điểm lẻ của Trường tiểu học Lâm Trạch, nơi có 15 cán bộ, giáo viên ở nội trú cùng các cháu nhỏ và trên 350 học sinh theo học, hai chiếc giếng khơi đã bị sụt lún và không còn công năng sử dụng từ mùa mưa bão năm 2013. Thế là giáo viên và học sinh phải đi xin nước của các hộ dân lân cận để sử dụng. Không có nước, nhà vệ sinh tại điểm lẻ của trường được xây dựng khá kiên cố cũng bị bỏ không, trong khi giáo viên và học sinh rất cần. Đời sống cán bộ, giáo viên nơi đây đã khó khăn nay càng chật vật hơn khi nhu cầu tối thiểu về nước sinh hoạt không được đáp ứng.

Trước thực trạng này, một số hộ dân trên địa bàn đã tiến hành làm giếng khoan. Với chi phí khoảng trên dưới 20 triệu đồng/giếng, toàn xã hiện chỉ có khoảng 15 giếng. Tuy nhiên với các giếng này, hầu hết nước bị nhiễm phèn nên việc sử dụng vẫn rất hạn chế. Và mỗi khi có hộ gia đình nào khoan được giếng, thì hàng chục gia đình lân cận đều đến xin nước.

Thầy giáo Nguyễn Thái Học, giáo viên Trường tiểu học Lâm Trạch cho biết, từ ngày khoan thành công giếng ngầm, hàng ngày gia đình thầy cung cấp nước cho hàng chục hộ dân trong thôn. Và toàn bộ giáo viên nội trú của trường cũng sử dụng “giếng thầy Học” để sinh hoạt. “Những ngày nắng nóng, máy bơm nhà tôi gần như chạy suốt ngày!”, thầy Học vừa chỉ “hệ thống” ống nhựa chằng chịt trong vườn nhà vừa kể.

Theo nhiều người dân trong vùng cho biết, với tình trạng hạn hán những năm gần đây, việc sử dụng giếng khoan là phương án khả thi nhất. Tuy nhiên phương án này có chi phí khá lớn, trong khi điều kiện kinh tế của Lâm Trạch còn rất khó khăn nên không phải gia đình nào cũng có thể sử dụng giếng khoan. Chưa kể việc có kinh phí thì quá trình khoan giếng không phải vị trí nào cũng có nước. Có nhiều giếng đã khoan sâu từ 30 - 40 nhưng vẫn không có nước.

Ông Nguyễn Ngọc Khai cho biết, dù chất lượng nước giếng khoan còn hạn chế, nhưng trước mắt cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Với những diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai, dự kiến trong thời gian tới, hệ thống giếng khơi trên địa bàn sẽ ngày càng bị khô cạn. Do đó, việc đầu tư các giếng khoan tại các khu dân cư thuộc thôn 1, 2, 3 là rất cần thiết. Tuy nhiên với điều kiện của địa phương hiện nay thì gần như không có khả năng để đầu tư.

Còn thầy giáo Nguyễn Minh Hữu, hiệu trường Trường tiểu học Lâm Trạch cho biết, trường đang cố gắng tìm nguồn để đầu tư cho điểm chính và điểm lẻ hai giếng khoan để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Dự định là thế, nhưng không biết lúc nào mới đủ điều kiện để tiến hành khi khuôn viên trường chưa có hàng rào và hệ thống phòng học, sân vườn bị hư hỏng, sạt lở trong các đợt bão lũ năm 2013 vẫn chưa hoàn thành việc khắc phục....

Với những khó khăn cả về nước cho sản xuất và sinh hoạt, Lâm Trạch đang trải qua một mùa hè vô cùng khắc nghiệt, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân. Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho xã miền núi này, mong rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ quan tâm tạo điều kiện nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn, đầu tư hệ thống nước sinh hoạt cho người dân. Không có nước cho sản xuất và sinh hoạt, Lâm Trạch đang trong tình thế “cái khó bó cái khôn” nên hành trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của người dân nơi đây sẽ còn rất xa...

Ngọc Mai