.

Vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm: Nhiều nỗi lo

Thứ Tư, 22/01/2014, 15:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân rất cao, nhất là các mặt hàng phục vụ tết. Đây cũng là lúc nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tràn lan thực phẩm không rõ nguồn gốc

Không khí mua sắm tại các chợ lớn trong toàn tỉnh nhộn nhịp và tấp nập. Những mặt hàng như nem, chả, mứt, kẹo, hạt dưa, thịt... trong những ngày gần đây được tiêu thụ rất mạnh để phục vụ các đám cưới hỏi, chạp giỗ và liên hoan cuối năm. Rất nhiều mặt hàng thực phẩm phục vụ tết ồ ạt đổ về các chợ. Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, mẫu mã đẹp thì hàng giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào là điều không tránh khỏi.

Dạo quanh một vòng tại chợ Đồng Hới, các mặt hàng thực phẩm được dùng nhiều trong ngày tết như lạp xưởng, tôm khô, mực sợi... được bày bán khá nhiều. Bánh kẹo, mứt, hạt dưa la liệt tại các quầy hàng. Tất cả các mặt hàng này đều đa dạng về chủng loại, màu sắc khá bắt mắt nhưng cũng có rất nhiều loại bánh, mứt nhuộm phẩm màu lòe loẹt, không có nguồn gốc xuất xứ, chỉ ghi qua loa trên bao bì tên bánh kẹo nhưng lại không có hạn sử sụng và nơi sản xuất. Hỏi người bán hàng thì chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời rất đơn giản là loại bánh, mứt này được làm tại địa phương nên không ghi nơi sản xuất.

Ở một góc khác của chợ, rất đông người dân đang tập trung tại những sạp hàng bán bánh xoài nhỏ lẻ sát trên đường ra vào. Người thì mua 2 gói, có người lại mua 5-7 gói. Thấy chúng tôi, người bán hàng đon đả mời mua bánh xoài về ăn tết. Cầm gói bánh xoài trên tay, chúng tôi không hề thấy một dòng chữ nào trên bao bì nói về nơi sản xuất, chỉ có một mảnh giấy nằm gọn trong bao bóng, được viết bằng bút mực là 10 ngày kể từ ngày sản xuất, nhưng lại không hề ghi ngày sản xuất là ngày nào.

Bánh kẹo không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bày bán rất nhiều tại các sạp hàng nhỏ như thế này tại chợ Đồng Hới.
Bánh kẹo không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bày bán rất nhiều tại các sạp hàng nhỏ như thế này tại chợ Đồng Hới.

Nem, chả cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp tết. Đó là lí do tại sao tại các chợ lớn nhỏ trong toàn tỉnh đều bày bán rất nhiều. Trong vai một người khách muốn đặt mua nem, chả về làm quà tết, chúng tôi được người bán hàng vui vẻ giới thiệu là các loại nem, chả ở đây đều do gia đình chị tự làm, rất ngon.

Người bán hàng “vô tư” lý giải là vì nem chả tự làm nên không cần ghi nhãn mác hay xuất xứ vẫn bán chạy hàng, khách quen đến mua và đặt hàng rất nhiều. Các sạp hàng nem chả đều bày bán ngay sát quầy thịt lợn sống mà không hề có bao đóng gói lại, dưới chân các quầy hàng thì rác thải vứt la liệt. Chị Nguyễn Thị Mai, tổ dân phố 11 phường Bắc Lý cho biết, hai đứa con của chị thích ăn chả nên ngày thường chị hay mua về. Nhưng hai ngày trước, sau khi ăn xong món canh mướp đắng nấu với chả quết được mua tại chợ Đồng Hới thì cả nhà đều có dấu hiệu đau bụng, rất may là không ai bị ngộ độc thực phẩm. “Tết năm nào tôi cũng mua rất nhiều nem, chả để làm quà biếu bố mẹ, anh, chị, em. Cứ nhắm mắt mà ăn nhưng thật tình cũng lo lắng lắm”, chị Mai chia sẻ.

Không chỉ các chợ trên địa bàn thành phố Đồng Hới mà ngay tại chợ Ba Đồn (Quảng Trạch) người dân đã mua sắm thực phẩm tết rất nhiều. Các quầy hàng bánh kẹo người đông như hội, chen chúc nhau chọn hàng. Theo quan sát, chúng tôi thấy chỉ riêng mứt gừng đã có rất nhiều mẫu mã khác nhau, từ của hàng to hay đến các sạp bánh kẹo nhỏ đều không đóng gói bao bì hay nhãn mác. Bà Thuần, chủ một sạp bánh kẹo nhỏ cho hay, xung quanh đây có rất nhiều gian hàng bánh kẹo nhưng chỉ có 4-5 sạp hàng có bán mứt gừng tự làm còn chủ yếu là nhập từ nơi khác về. Mứt tự làm thường lát nhỏ và có màu sẫm còn mứt nhập thì lát to và có màu trắng (theo kinh nghiệm của người dân thì mứt càng trắng thì lượng chất tẩy càng nhiều).

Siết chặt quản lý

Sự chồng chéo trong việc phân cấp quản lý và xử phạt đối với các vi phạm đang là nguyên nhân của những bất cập trong công tác bảo đảm ATVSTP. Việc kiểm tra, thanh tra các cở sở sản xuất nhỏ lẻ tại các địa phương vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến tính trạng khó kiểm soát.

Chẳng hạn, tại một số cơ sở làm bánh chưng quy mô nhỏ phục vụ tết đều trả lời là không thấy có đoàn nào về kiểm tra chất lượng. Trong khi đó, không phải cơ sở nào cũng sản xuất an toàn, nguyên liệu cũng bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến. Chưa kể đến việc thịt lợn làm nhân có nguồn gốc rõ ràng hay không mà việc sử dụng một lượng lá chuối khô rất lớn, được nhập từ nhiều nơi, dựng đầy góc nhà, bụi bẩn bám vào nhưng trong quá trình gói bánh lại không được rửa sạch, chỉ lau chùi sơ qua... cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP. Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành.

Theo báo cáo của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong năm 2013, có 1.627 cơ sở không đạt yêu cầu về VSATTP chiếm tỉ lệ 30,6%. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cho biết, để bảo đảm chất lượng về VSATT, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Chi cục VSATTP đã tiến hành phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra ráo riết từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã về công tác bảo đảm ATTP. Đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra các thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết, trong đó đặc biệt chú trọng  các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATTP, các làng nghề, các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức VSATTP thì xử phạt “mạnh tay” cũng được coi là biện pháp hiệu quả trong ngăn chặn và răng đe người sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm.

Quan tâm đến vấn đề VSATTP để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh tiêu hóa là hết sức cần thiết và cấp bách. Để không trở thành “nạn nhân”, người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ mình, không nên sử dụng những thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Lan Chi - Đoàn Nguyệt