.

Dân khổ vì đường sình lầy

Thứ Năm, 28/11/2013, 09:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau cơn bão số 10 năm 2013 đến nay, đoạn đường độc đạo nối từ thôn Hợp Phú đến thôn Bưởi Rỏi, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (dài chừng 3 km) trở nên sình lầy, trơn trượt, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, tuyến đường liên xã Quảng Phú-Quảng Kim-Quảng Hợp đã được đầu tư xây dựng bằng đất cấp phối và nhựa hóa... một phần để nối QL1 đến tuyến đường 22A (thuộc địa bàn thôn Bưởi Rỏi), tạo điều kiện đi lại, giao thương thuận tiện cho nhân dân.

Sau cơn bão số 10-2013 đến nay, do thời tiết mưa kéo dài đã khiến cho đoạn đường làm bằng đất cấp phối nối từ thôn Hợp Phú đến thôn Bưởi Rỏi (dài chừng 3 km) trở nên sình lầy, trơn trượt, gây khó khăn cho nhân dân trong việc đi lại, giao thương...

Hàng ngày, có gần 400 hộ dân với trên 1.400 nhân khẩu ở thôn Bưởi Rỏi thường xuyên đi lại trên tuyến đường bùn đất sình lầy, trơn trượt này. Đó là chưa tính tới hàng trăm lượt người, phương tiện từ xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa) hoặc xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và người dân từ vùng Roòn... cũng thường xuyên qua lại đoạn đường nói trên.

Đoạn đường
Đoạn đường "khổ ải" từ thôn Hợp Phú đến thôn Bưởi Rỏi.

Ông Trần Đăng Nhân, Trưởng thôn Bưởi Rỏi, xã Quảng Hợp than thở: Trước đây đoạn đường nối từ thôn Hợp Phú đến thôn Bưởi Rỏi chủ yếu được làm bằng đất cấp phối, nhưng không mấy trơn trượt, nhão nhoét nhiều vào thời điểm mưa kéo dài.

Từ tháng 5-2013, không rõ từ nguồn vốn nào, một đơn vị thi công đã bắt tay vào việc kiên cố hóa đoạn đường nói trên. Trong quá trình thi công, đơn vị này đã dùng đất sét trộn với cát, sỏi dưới khe, suối để làm nền đường nên khi mưa xuống, đường trở nên nhầy nhụa và trơn trượt hơn hẳn nền đường đất cấp phối trước đây. Gần 2 tháng nay, nhiều em học sinh của thôn đã bị gián đoạn việc học tập do đi lại trên tuyến đường này rất khó khăn.

Một người dân thôn Bưởi Rỏi xã Quảng Hợp cho biết: "Mấy chú cứ để ý mà xem, nhà nào ở thôn này cũng đều mua ủng về đeo để lội bùn. Mỗi lần tui đi xe máy trên tuyến đường này đều phải cúi gằm mặt xuống để quan sát, nếu lơ là một chút chỉ có té ngã như chơi. Đàn ông tay khỏe, chay xe máy trên tuyến đường này còn bị ngã huống hồ phụ nữ tay yếu, té xe liên tục chú à...".   

Ông Nhân cho biết thêm: Đường sình lầy ngập tới gần nửa bánh xe máy, xe đạp thế nên nhiều em học sinh ở thôn khi đi học mặc áo quần sạch sẽ, nhưng về đến nhà thì be bét bùn đỏ, trông rất tội nghiệp. Có nhiều em mới vừa cắp sách đi học được một chốc lại thấy quay trở về vì bị té ngã, quần áo bẩn quá không thể tới lớp được.

Mới đây, người dân trong thôn thương cho con em mình nên cùng nhau đóng góp được 4 triệu đồng để thuê máy ủi về gạt bớt lớp bùn, nhưng rồi được vài hôm thì đường lại sình lầy như trước... Rất mong nhà nước quan tâm hỗ trợ cho địa phương chúng tôi nguồn kinh phí để xử lý bùn lầy chứ đi lại khổ sở như thế này tội cho dân lắm.

Văn Minh