Môi trường xanh sạch nhờ hầm biogas

Cập nhật lúc 13:53, Thứ Năm, 07/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Mô hình xây dựng chuồng trại nuôi heo kết hợp hầm ủ khí biogas ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch đang mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi...

“Mô hình khép kín”

Chúng tôi vào thăm gia đình anh Trương Quang Đạo ở thôn Thanh Lộc, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch trong lúc cả hai vợ chồng anh đang tất bật cho đàn heo  ăn. Anh Đạo là một trong những hộ đầu tiên tại xã Sơn Lộc sử dụng mô hình chăn nuôi heo kết hợp hầm ủ khí biogas mang lại hiệu quả thiết thực.

Anh Đạo cho biết,  gia đình anh đã áp dụng mô hình này từ năm 2007, hơn 5 năm sử dụng cho thấy hiệu quả rõ rệt, rất nhiều người dân trong và các xã lân cận đã tìm đến anh để học hỏi kinh nghiệm về mô hình này. Trước đây gia đình anh Đạo chỉ nuôi vài con heo, thức ăn chủ yếu lấy từ các loại phụ phẩm của việc nấu rượu và hoa màu trồng được nên hiệu quả mang lại không cao. Trong khi đó chất thải từ chuồng heo của gia đình anh chưa qua xử lí, mùi hôi thối nồng nặc.

Anh Trương Quang Đạo sử dụng hiệu quả mô hình nuôi heo kết hợp thu khí biogas.
Anh Trương Quang Đạo sử dụng hiệu quả mô hình nuôi heo kết hợp thu khí biogas.

Đặc biệt từ khi anh chuyển qua nuôi số lượng lớn, thức ăn còn thêm bột công nghiệp thì mùi hôi thối càng nồng nặc, chất thải tràn cả ra đường làng, ngõ xóm làm ảnh hưởng đến môi trường và gây khó chịu cho hàng chục hộ hàng xóm xung quanh. Cứ vào mùa nóng nực mùi hôi thối càng khó chịu, thở không nổi. Nhiều lần họp thôn, họp xóm bà con lại đem tình trạng này ra phản ánh. Không thể để tình trạng này kéo dài, không chỉ mất tình làng nghĩa xóm mà bản thân gia đình anh cũng không thể chịu nổi, anh Đạo đã lặn lội đi tìm những mô hình làm giàu từ chăn nuôi ở các địa phương lân cận và làm quen với hầm biogas.

Thấy được lợi ích của nó mang lại, anh Đạo đầu tư hơn 10 triệu đồng xây dựng hầm biogas để tái tạo và tận dụng các phế phẩm chăn nuôi dùng làm khí đốt sinh hoạt trong gia đình. Hiện nay, gia đình anh Đạo mỗi lứa nuôi hơn 100 con heo thịt, mỗi năm xuất 3 lứa thu nhập từ 350 – 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra anh còn nuôi thêm 15 con heo nái, nhờ phối giống dây chuyền mỗi năm anh xuất hơn 300 heo con bảo đảm đủ cung cấp giống cho chính trang trại của mình. Ngoài nguồn thu từ chăn nuôi heo, gia đình anh còn thu lãi từ 80 – 120 triệu tiền cá... Mô hình nuôi heo kết hợp ủ khí hầm biogas của gia đình anh Đạo mà bà con nơi đây quen gọi là “mô hình khép kín” đang được nhiều bà con ở xã Sơn Lộc áp dụng...

Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng

Từ ngày có hầm ủ khí biogas những gia đình như anh Đạo  không còn phải lo tới củi lửa, khí đốt. Nhờ vậy mỗi năm gia đình họ đã tiết kiệm gần chục triệu tiền củi, tiền ga. Đặc biệt hầm biogas đã giải quyết được vấn nạn môi trường ô nhiễm trước đây nên nhiều hộ chăn nuôi heo đã yên tâm, mạnh dạn mở rộng chăn nuôi.

Ở xã Sơn Lộc, ngoài gia đình anh Đạo, nhiều hộ gia đình khác mở rộng chăn nuôi heo theo hình thức trang trại hàng trăm con. Gia đình chị Phan Thị Hạnh ở thôi Đông Sơn mỗi năm xuất gần 200 con lợn thịt. Ngoài ra, chị Hạnh còn dùng phân từ hầm biogas để bón cho vườn chuối tiêu cho năng suất cao, mỗi năm tổng thu nhập cũng được 200- 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, cán bộ Phòng Địa chính-Nông nghiệp xã Sơn Lộc cho biết, hiện ở xã có hơn 30 mô hình chăn nuôi heo quy mô lớn có kết hợp hầm ủ khí biogas mang lại hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường xanh, sạch. “Chính quyền xã cũng nhận thức được hiệu quả rõ rệt từ mô hình hầm biogas trong chăn nuôi. Không cần tính toán nhiều, với việc sử dụng hầm biogas mỗi năm bà con trong xã đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, không những thế còn hạn chế được nạn phá rừng do chặt củi làm chất đốt”, ông Dũng chia sẻ.

                                                                                     Xuân Phú




 

,
.
.
.