Công tác bảo hộ lao động nhìn từ thực tế

Cập nhật lúc 07:39, Thứ Năm, 07/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm điều kiện lao động an toàn và chăm lo gìn giữ sức khỏe cho người lao động (NLĐ), có mục tiêu cụ thể là nhằm giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), chăm sóc sức khoẻ NLĐ tại nơi sản xuất.

Thời gian qua, các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền đồng cấp tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), kịp thời thông tin những chính sách mới có liên quan đến BHLĐ cho CNVCLĐ trong các thành phần kinh tế. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) do Ban chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức, chỉ đạo hoạt động ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, tham mưu đắc lực cho tổ chức công đoàn tham gia với chuyên môn khắc phục những thiếu sót, nhược điểm trong công tác BHLĐ ở cơ sở. Phong trào "Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm ATVSLĐ-PCCN" phát triển mạnh ở các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế, đơn vị HCSN, góp phần cải thiện môi trường làm việc trong các cơ sở sản xuất, công sở, trường học, bệnh viện...

Tuy nhiên trong quá trình sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) có lúc chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về BHLĐ và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nên trong thực tế còn xẩy ra nhiều vụ TNLĐ, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tính mạng người lao động và cộng đồng dân cư.

Mỗi năm cứ đến Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN diễn ra, các cơ quan, ban, ngành cũng như nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hưởng ứng. Thế nhưng tình hình mất ATLĐ vẫn gia tăng ở mức báo động một phần vì ý thức của NLĐ kém, một phần NSDLĐ chưa thật sự quan tâm đến công tác ATLĐ và các phong trào về ATLĐ của các ngành chức năng chưa bám sát thực tế.

Vì vậy, tình trạng để xẩy ra TNLĐ nghiêm trọng, chết người vẫn còn lớn, năm 2012 toàn tỉnh đã xẩy ra 49 vụ TNLĐ (trong đó có các vụ tai nạn giao thông được coi là TNLĐ) làm chết 8 người (3 người chết do tai nạn giao thông), bị thương 43 người (tăng 23 vụ và 2 người chết so với năm 2011); các vụ TNLĐ xẩy ra chủ yếu do lỗi chủ quan của NLĐ, việc đôn đốc, kiểm tra nhắc nhở của mạng lưới ATVSV và NSDLĐ thiếu thường xuyên.

Muốn công tác BHLĐ thực hiện có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động xẩy ra trong quá trình sản xuất, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ trên nhiều phương diện, từ ban hành, sửa đổi các chế độ chính sách đến đầu tư các nguồn lực tương xứng cho việc triển khai tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; phải nâng cao trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ.

Một trong những hoạt động quan trọng là việc tổ chức thực hiện tốt công tác BHLĐ và nâng cao năng lực thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về AT, VSLĐ cho NSDLĐ, người lao động. Trong hoạt động BHLĐ các cấp công đoàn, nhất là các CĐCS trong các doanh nghiệp có nguy cơ xẩy ra TNLĐ cao cần đẩy mạnh phát huy phong trào sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của NLĐ, NSDLĐ đối với công tác BHLĐ; củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp, tăng cường nâng cao chất lượng của mạng lưới ATVSV, trang bị cho mạng lưới ATVSV và CNLĐ những kiến thức cơ bản về pháp luật BHLĐ, phòng chống cháy nổ để họ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở NLĐ, NSDLĐ duy trì thường xuyên công tác ATVSLĐ theo Thông tư 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn-vệ sinh lao động trong cơ sở lao động; tránh rủi ro trong quá trình lao động sản xuất, thiết thực chăm lo bảo vệ CNLĐ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, BNN, từng bước xã hội hoá công tác BHLĐ, xây dựng văn hoá an toàn nơi làm việc.

                                                             Lương Phú Cường
                                                                   (LĐLĐ tỉnh)









 

,
.
.
.