.

Tiếng sáo thiêng bên dòng Đại Giang

Chủ Nhật, 10/12/2017, 14:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Với người dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, thì già làng Hồ Ai (74 tuổi) được ví như là người giữ “hồn” của núi rừng, bản làng. Ông là người Bru-Vân Kiều duy nhất ở xã Trường Sơn còn lưu giữ được cây sáo pi và giai điệu linh thiêng của nó.

Già làng Hồ Ai hiện sống ở bản Khe Cát, thượng nguồn dòng Đại Giang. Năm nay đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hằng ngày già Ai vẫn miệt mài với công việc khôi phục và lưu truyền bản sắc văn hoá truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Già Ai bảo rằng, để bản sắc văn hóa của người Bru-Vân Kiều bị mai một, ông cảm thấy mình như có tội với tổ tiên...

Tiếng sáo thiêng

Già Hồ Ai thổi cây sáo pi linh thiêng
Già Hồ Ai thổi cây sáo pi linh thiêng

Già Hồ Ai vốn là một thầy mo, cây sáo pi linh thiêng của ông được truyền lại từ người cha của mình. Theo già Ai, sáo pi là nhạc cụ duy nhất được cất lên cả khi vui và khi buồn. Đó là tiếng sáo linh thiêng của người Bru-Vân Kiều khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần. Giữa không gian thâm u của núi rừng đại ngàn, âm thanh của tiếng sáo pi mở cánh cửa nội tâm của người Bru-Vân Kiều. Đó là tiếng sáo cùng với niềm tin, tín ngưỡng và các giá trị văn hoá khác làm nên sợi dây bền chặt kết nối những người con của núi rừng sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Trước đây, vào những ngày lễ hội, tiếng sáo pi của người Bru-Vân Kiều lại vang lên lảnh lót gọi hồn thiêng núi rừng và gợi mở về một thế giới tâm linh huyền bí. Âm thanh đó phản ánh đời sống văn hoá phong phú, độc đáo của người Bru-Vân Kiều.

Những năm gần đây, cuộc sống vật chất của người Bru-Vân Kiều tuy có khá lên nhưng tiếng sáo pi thì dần thưa vắng. Già Hồ Ai vô cùng lo lắng khi có nhiều năm liền, bản làng không còn tổ chức các lễ hội như lấp lỗ (gieo trồng), lễ mừng lúa mới... Tiếng sáo pi cùng với nhiều loại nhạc cụ khác của người Bru-Vân Kiều đã không còn cơ hội để cất lên. Điều đó đã làm cho già Ai vô cùng lo lắng, cảm thấy mình như là người có lỗi. Bởi lẽ, với ông, tiếng sáo pi đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Không những thế, trong lớp người già của người Bru-Vân Kiều hiện nay ở xã Trường Sơn, già Ai cũng là người còn nắm giữ nhiều nhất những loại hình văn hóa truyền thống độc đáo và đặc sắc của người Bru-Vân Kiều. Ông cũng là người tài hoa nhất trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như: chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, ta-riêng, đàn pơ-lựa, đàn tính-tùng; hát si-nớt, hát tà-oải và nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Già Ai sợ rằng, một mai ông về với tổ tiên, núi rừng thì sẽ không còn ai biết được những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng hát, điệu múa đó nữa để truyền lại cho con cháu mai sau...

Đã nhiều lần, trước bàn thờ tổ tiên, thần rừng, già Hồ Ai thú nhận: “Hỡi Giàng, hỡi tổ tiên của người Bru-Vân Kiều, Hồ Ai con có tội nhiều lắm, cây sáo pi này không biết truyền lại cho đứa con, đứa cháu nào. Chúng nó bây giờ như con hươu, con nai lạc lối. Chúng nó không muốn thổi cây sáo, hát bài hát của người Bru-Vân Kiều nữa rồi...”

Có thể nhắm mắt vì đã có truyền nhân

Những người già Bru-Vân Kiều đang miệt mài gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Những người già Bru-Vân Kiều đang miệt mài gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Với quyết tâm không thể để cho di sản văn hoá quý báu của dân tộc, bản làng bị mai một, già Hồ Ai đã hạ quyết tâm gìn giữ. Già Ai nói: “Bài hát, điệu múa của người Bru-Vân Kiều đẹp như hoa trên núi, nếu thế hệ con cháu không biết hát, biết múa, biết tiếng sáo, tiếng đàn thì sẽ mất đi các di sản văn hoá độc đáo của dân tộc mình.”

Hành trình tìm lại bản sắc văn hoá người Bru-Văn Kiều của già Ai cũng gian nan chẳng khác gì vượt ngọn núi cao, thác dữ. Nếu không có lòng dũng cảm, sự kiên trì thì sẽ chẳng bao giờ vượt qua được. Cái bụng nghĩ, cái chân đi, kiên trì, bền bỉ, già Ai đến từng nhà, nói với từng người về ý nghĩa của bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, giá trị các loại nhạc cụ, của tiếng sáo pi trong mạch nguồn văn hoá của người Bru-Vân Kiều. Già Hồ Ai còn nhiệt tình tham gia lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru-Vân Kiều cho các thế hệ trẻ ở xã Trường Sơn và các xã lân cận...       

“Già làng Hồ Ai là hạt giống quý báu nắm giữ các tinh hoa văn hóa phi vật thể của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn” - ông Nguyễn Văn Tráng,  Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn nói. 

 Nhiều năm trời cần mẫn với công việc thầm lặng, công sức của già Ai đã không uổng phí. Âm nhạc và các giá trị truyền thống đã quay về với đời sống văn hoá cộng đồng người Bru-Vân Kiều. Nhiều người trẻ đã nối tiếp, thổi được sáo pi và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của người Bru-Vân Kiều. Trong những người trẻ, già Ai tỏ ra rất hài lòng với Trần Văn Dự, Bí thư chi đoàn bản Khe Cát, người học trò cưng đã lĩnh hội đầy đủ những gì mà ông truyền dạy. Rồi đây chính những người trẻ như Dự sẽ thay thế già Ai giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình. “Tiếng sáo pi, sáo khui và nhiều làn điệu truyền thống của người Bru-Vân Kiều bây giờ đã có nhiều người học rồi. Đặc biệt, bây giờ già đã có truyền nhân là cháu Dự rồi. Cháu Dự đã thổi thành thạo cây sáo pi, thứ nhạc cụ mà không phải ai cũng thổi được. Bây giờ già có chết cũng yên tâm rồi”, già làng Hồ Ai chia sẻ.

Đến xã Trường Sơn, những bậc cao niên cũng như nhiều cán bộ nơi đây luôn dành những lời kính trọng và biết ơn sâu sắc khi nói chuyện với chúng tôi về già làng Hồ Ai: “Cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn đều coi già Hồ Ai như linh hồn của người Bru-Vân Kiều, người gìn giữ được truyền thống và văn hóa của người Bru-Vân Kiều cho đến tận hôm nay”.

Phan Phương