.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng

Thứ Hai, 04/12/2017, 15:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 114 di tích được xếp hạng (gồm 52 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh) và 138 dấu hiệu di tích bước đầu được kiểm kê. Những năm qua, Ban Quản lý Di tích (Sở Văn hoá và Thể thao) đã  nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ, góp phần phát huy giá trị của di tích trên địa bàn.

Đình Lý Hòa, di tích lịch sử, văn hóa.               Ảnh: Hành Tiến
Đình Lý Hòa, di tích lịch sử, văn hóa. Ảnh: Hành Tiến

Di tích, danh thắng ở Quảng Bình gồm nhiều loại hình phong phú. Trong tổng số 114 di tích đã được xếp hạng có đủ 4 loại hình: kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, lịch sử và danh thắng. Có thể nói, đây là tài sản quý, lưu giữ những dấu ấn văn hoá đặc biệt của quê hương trên hành trình phát triển. Trong số này, danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Và ngay trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn chứa đựng nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Cùng với những tiềm năng to lớn ấy, công tác quản lý, bảo vệ các di tích, danh thắng (DT, DT) này cũng gặp một số khó khăn.

Thực tế cho thấy, những năm qua, vẫn còn một số di tích bị lấn chiếm làm nhà ở, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, công sở như Thành Đồng Hới, cửa biển Nhật Lệ, danh thắng Lý Hoà, xã chiến đấu Hưng Đạo, bến phà Xuân Sơn, bến phà Gianh... Trước thực trạng này, Ban Quản lý di tích đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh việc nhắc nhở, xử lý, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Ban đã triển khai nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện Luật Di sản văn hoá, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá và các văn bản liên quan cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hoá xã, phường, thị trấn. Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức của các cấp, ngành và nhân dân được nâng cao, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của các DT, DT trên địa bàn.

Di tích lịch sử Tiếng trống Ninh Châu (xã Duy Ninh, Quảng Ninh).      Ảnh: A.T
Di tích lịch sử Tiếng trống Ninh Châu (xã Duy Ninh, Quảng Ninh). Ảnh: A.T

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị của các DT, DT là xếp hạng và phân loại các di tích.  Công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng, lập hồ sơ xếp hạng, khoanh vùng, cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2014 đến nay, đã có 20 di tích được cắm mốc chỉ giới thuộc thành phố Đồng Hới và các huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch và Bố Trạch. Đây là hình thức bảo vệ trực quan góp phần bảo đảm toàn vẹn di tích trước sự xâm hại. Công tác bảo vệ, quản lý, tu bổ và phục hồi di tích được chú trọng và đạt nhiều hiệu quả tích cực. Các di tích đã xếp hạng đã được bảo vệ nguyên trạng. Hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đã được trùng tu, tôn tạo kịp thời, bảo đảm chống xuống cấp di tích nhưng vẫn giữ nguyên được hiện trạng; đã có 69/114 di tích được tỉnh xếp được bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp.

Nhờ sự quan tâm đầu tư, tu bổ kịp thời nên nhiều di tích đã trở thành sản phẩm du lịch văn hoá, không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn để lại nhiều ấn tượng đẹp. Đó là các cụm di tích Phong Nha – Xuân Sơn, Hoành Sơn Quan- Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quảng Bình quan – thành Đồng Hới – Tượng đài Mẹ Suốt; lăng mộ và nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; chùa Hoằng Phúc... Bên cạnh đó, với tinh thần xã hội hoá công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đã huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để trùng tu, phục hồi di tích. Tiêu biểu trong số này có hang Lèn Hà, đình Hoà Ninh, đình Thuận Bài, đình La Hà, đình Cao Lao Hạ, chùa Hoằng Phúc, khu danh thắng Núi Thần Đinh...

Hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đã phát huy được giá trị, đặc biệt là những di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử, văn hoá, du lịch... đã thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách khi đến với Quảng Bình. Nhiều di tích lịch sử - văn hoá đã được đưa vào các tour, tuyến du lịch và được xem là điểm du lịch trọng yếu trong chính sách phát triển du lịch của tỉnh. Những di tích này đã góp phần tạo nên các “điểm nhấn” đặc biệt, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách khi đến Quảng Bình.

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng như nguồn vốn đầu tư để phục hồi, tôn tạo di tích còn eo hẹp, một số di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác này... nhưng những gì mà ngành Văn hoá – Thể thao, mà trực tiếp là Ban Quản lý di tích đã, đang và tiếp tục triển khai, đã góp phần quan trọng giữ gìn, bảo tồn những nét truyền thống, cổ xưa, yếu tố gốc của di tích. Đó cũng chính là sự tri ân đối với những tài sản vô giá của bao thế hệ cha ông, đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương.

Trang Thuý