.

'Họa mi' của núi rừng Minh Hóa

Thứ Sáu, 15/12/2017, 08:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Những câu dân ca Minh Hóa đã theo bà gần trọn cuộc đời, gắn bó với bà như hơi thở, như cơm ăn, nước uống. Tuổi thơ của bà thấm đẫm từng khúc ru của mẹ, đó là những lời ca mộc mạc, đơn giản nhưng chứa đựng trong ấy cả cốt cách và tình người Minh Hóa. Bà theo nghiệp hát từ thưở còn thơ cho đến tận bây giờ, đầu đã thay màu tóc nhưng niềm đam mê hát chưa bao giờ vơi đi mà cứ dày lên theo năm tháng... Chúng tôi muốn nói đến nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống ở xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa.

Với nhiều người dân Minh Hóa, hình ảnh một cụ bà say sưa dạy hát cho đám thanh niên, học sinh và cả những cụ ông, cụ bà mê hát đã trở nên quen thuộc. Bà được nhiều người yêu mến gọi là "họa mi" của núi rừng Minh Hóa. Bao nhiêu năm qua, nghệ nhân Phương Đống  vẫn miệt mài làm công việc mình yêu thích là sưu tầm những làn điệu cổ, tham gia các cuộc hát và dạy hát dân ca cho người dân bản địa mà chưa bao giờ nghĩ đến thù lao.

Bà kể, bà may mắn được sinh ra trong một gia đình mà cả ông bà, bố mẹ, anh chị em đều biết hát và hát rất hay những làn điệu dân ca đặc trưng của quê hương như hát đúm, ví, hát ru, hò thuốc... Thừa hưởng năng khiếu từ cha mẹ và được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống văn nghệ, 10 tuổi, bà đã có thể hát thành thạo tất cả các làn điệu, thuộc nằm lòng nhiều khúc dân ca và trở thành hạt nhân văn nghệ “nhỏ” trong các chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng của địa phương. Lớn lên, bà lại cùng đám thanh niên trong làng tham gia nhiều cuộc hát, nhất là hát giao duyên đúm, ví và cũng từ đó mà bén duyên với một người có giọng hát hay nổi tiếng trong làng rồi kết nên chồng, vợ. Cuộc sống gia đình dẫu lắm lúc rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi chuyện cơm, áo, gạo, tiền song luôn đầy ắp tiếng cười, luôn rộn ràng những câu hò, điệu hát.

Thời thanh xuân đã trôi qua rất lâu, cô Phương Đống trẻ trung ngày nào giờ đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng sự nhiệt huyết với phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương lại như được nhân lên theo ngày tháng. Không chỉ nổi tiếng với chất giọng ngọt ngào, truyền cảm hiếm có ở huyện, bà còn am hiểu rất rõ xuất xứ từng làn điệu dân ca. Trong các buổi truyền dạy, bà luôn giải thích cho mọi người về hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa sâu xa của từng làn điệu, từng ca từ. Và cứ thế, bà đã truyền ngọn lửa đam mê của mình cho bao thế hệ.

 Nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống (giữa) trong một tiết mục biểu diễn văn nghệ dân gian.
Nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống (giữa) trong một tiết mục biểu diễn văn nghệ dân gian.

Nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống nói về dân ca Minh Hóa bằng niềm tự hào rằng, người Minh Hóa  đi đâu cũng mang theo lời ca, tiếng hát. Ngay cả trong những năm chiến tranh ác liệt, bao thế hệ trai tráng trong làng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và hành trang mang theo là các làn điệu dân ca, dân vũ. Giữa mưa bom, bão đạn của chiến tran, các bà, các mẹ-hậu phương vững chắc ở quê nhà vẫn cất vang tiếng hát khi lên nương làm rẫy hay cả những lúc làm nhiệm vụ đào hầm, san đường mở lối.

Nét độc đáo của dân ca Minh Hóa là có âm điệu đặc sắc, gần gũi với đời sống của nhân dân lao động, dễ hát và dễ thuộc. Nguồn cảm hứng sáng tác và nội dung chủ đạo của các làn điệu dân ca luôn bắt nguồn từ hoạt động lao động, sản xuất của con người, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, cổ vũ sức lao động thông qua các câu hò thuốc cá, điệu đúm, ví giao duyên, hát ru, hát kiều, hát sắc bùa... Mỗi làn điệu được thể hiện theo nhiều cách hát khác nhau như hát đơn (hát ru, hát kiều, ca trù), hát đối đáp nam nữ (đúm, ví) hoặc hát phường, hát hội (sắc bùa, hò thuốc).

Hiện nay, dân ca Minh Hóa có những sáng tạo mới hấp dẫn người xem hơn, nhất là thế hệ trẻ. Trong các tiết mục biểu diễn, ngoài phần hát, các đội văn nghệ còn chú trọng đến phần diễn và hầu hết các làn điệu đều được viết lời mới dựa trên các giai điệu cổ phù hợp với thời đại, luôn được khán giả đón nhận, cổ vũ nhiệt tình.

Không chỉ có công sưu tầm những làn điệu, tích hát cũ xưa, nghệ nhân Phương Đống còn là thành viên trụ cột của Câu lạc bộ đàn, hát dân ca huyện Minh Hóa. Ở câu lạc bộ, bà luôn đảm nhận tốt các nhiệm vụ truyền dạy dân ca và cũng là giọng ca chính trong các chương trình nghệ thuật truyền thống.

Những năm gần đây, từ chủ trương đẩy mạnh các hoạt động khôi phục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xuất hiện ngày càng nhiều câu lạc bộ đàn, hát dân ca ở các làng, xã trên địa bàn huyện Minh Hóa. Và cũng từ đó, “lịch công tác” của nghệ nhân Phương Đống ngày càng dày thêm. Không quản đường sá xa xôi, bà luôn có mặt ở các địa phương để dạy hát cho các câu lạc bộ, mỗi khóa học thường từ 1 đến 2 ngày, diễn ra ở các hội trường ủy ban xã, hay nhà văn hóa thôn, nhà dân. Địa phương nào gần với nhà bà (thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa) thì bà nhờ con, cháu chở tới; địa phương nào xa, bà phải thuê xe thồ chở đến để dạy hát. Vất vả là thế, song bà luôn có mặt đúng giờ và say sưa truyền dạy, có khi quên cả giờ ăn.

Với bà, niềm hạnh phúc lớn nhất là được chứng kiến sự hăng hái của người dân địa phương khi tham gia các buổi học, hay khi ngắm nhìn những gương mặt trẻ say sưa nắn nót từng lời, từng chữ trong mỗi khúc dân ca mà bà truyền dạy. Sau mỗi khóa học, bà thường nhắc nhở mọi người rằng, học xong phải thường xuyên thực hành, không chỉ lên sân khấu mà hằng ngày, hàng giờ, khi nấu cơm, làm vườn, lên nương, ru cháu... đều có thể hát. Có như thế, những câu dân ca mới dần trở nên quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người để rồi ngấm vào trong suy nghĩ, cảm nhận của thế hệ con, cháu... Theo bà, đó là cách tốt nhất để truyền dạy dân ca cho thế hệ sau.

“Mỗi khi mệt nhọc tôi thường  bảo cô cháu gái 6 tuổi của mình-cháu Hoàng Nhi hát dân ca cho tôi nghe và thấy lòng vui đến lạ. Vui vì cháu đã học được những khúc dân ca từ bà, mẹ của cháu và vui vì chính những người như cháu sẽ là thế hệ tiếp nối lớp người đi trước để những câu dân ca, một phần của đất và người Minh Hóa tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và ngân dài với thời gian. Mong muốn của chúng tôi là dân ca Minh Hóa sớm được đưa vào trường học và một ngày nào đó cũng sẽ được vinh danh như Hò khoan Lệ Thủy hay hò ví dặm Nghệ Tĩnh...”-nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống trải lòng như thế.

Nhật Văn