.

Điểm sáng trong xây dựng 'Làng văn hóa'

Thứ Tư, 18/10/2017, 09:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhân dân thôn Trường Thọ, xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) đã đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và tích cực phát triển kinh tế-xã hội. Địa phương đã giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” 10 năm liên tục (2006-2016) và trở thành điểm sáng thực hiện tốt phong trào xây dựng “Làng văn hoá” gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Về thôn Trường Thọ, chứng kiến diện mạo nông thôn khang trang, với những con đường, ngôi trường, nếp nhà sạch sẽ... chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi vượt bậc của vùng quê nơi đây. Ông Lê Văn Nhật, Trưởng thôn Trường Thọ cho biết, thôn có 9 cụm dân cư với 231 hộ, trên 900 nhân khẩu, phần lớn đều làm nông nghiệp, điều kiện sản xuất khó khăn. Tuy nhiên, người dân trong thôn đã biết phát huy thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi và TTCN để vượt khó đi lên. Do đó, kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng khởi sắc.

Các tiêu chí xây dựng “Làng văn hóa” được cán bộ, nhân dân thôn Trường Thọ duy trì và giữ vững từ năm 2006 đến nay.
Các tiêu chí xây dựng “Làng văn hóa” được cán bộ, nhân dân thôn Trường Thọ duy trì và giữ vững từ năm 2006 đến nay.

Trước hết, hiệu quả từ việc thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa” đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế, giảm nghèo. Nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng được mở rộng, cơ cấu cây trồng vật nuôi luôn được đa dạng hóa. Nhân dân thôn Trường Thọ sản xuất lúa thâm canh theo mô hình SRI trên 1/2 diện tích ruộng của thôn. Do thực hiện theo đúng quy trình sản xuất và chăm bón hợp lý, năng suất lúa bình quân đạt 58 tạ/ha/năm.

Cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhân dân đã mở mang ngành nghề dịch vụ, bố trí nhân lực lao động hợp lý ở gia đình để tham gia làm việc tại các công trường, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân nhằm giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Qua đó, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thôn năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiều hộ gia đình có thu nhập trên 30 triệu đồng/năm.

Điển hình có gia đình ông Hoàng Ngọc Phù, thương binh 1/4 có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Một số gia đình trẻ cũng đã mạnh dạn đầu tư vốn làm ăn, mua sắm phương tiện máy móc để mở xưởng sản xuất gạch block tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn và cho thu nhập 200 triệu đồng/năm như gia đình anh Dũng và chị Lý, anh Tuyên và chị Mùi, anh Tráng và chị Viên...

Chính vì vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo tại thôn Trường Thọ đã thu được thắng lợi, minh chứng rõ nét, năm 2009 trong thôn có hơn 20% hộ nghèo thì đến nay giảm còn 5,1% (với 8 hộ chủ yếu là người già neo đơn, không nơi nương tựa và mắc bệnh hiểm nghèo).

Khi kinh tế phát triển, người dân trong thôn có điều kiện đóng góp xây dựng, phát triển nông thôn mới. Các hộ dân luôn ý thức được việc thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, văn minh. Hàng năm, việc đăng ký xây dựng, tôn vinh gia đình văn hóa được thôn thực hiện nghiêm túc gắn với các nhiệm vụ cụ thể của địa phương như: xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, khuyến học, khuyến tài, nhà văn hóa... Đến nay, 14/14 tuyến đường giao thông nội thôn đã được giải toả, mặt đường rộng từ 3 đến 5m, trong đó 5 tuyến đã được bê tông hoá, các tuyến còn lại được cứng hoá lòng lề đường; thủy lợi, trục đường nội đồng được cải tạo, nâng cấp; nhiều người dân hiến đất, tài sản... tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cũng như sản xuất của bà con. Đặc biệt, với những đột phá trong thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, Trường Thọ đã được UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Quảng Tiên ngày càng khởi sắc.          Ảnh: HÀNH TIẾN
Quảng Tiên ngày càng khởi sắc. Ảnh: HÀNH TIẾN

Trong xây dựng làng văn hóa, cấp uỷ đảng, ban cán sự thôn và nhân dân Trường Thọ luôn chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hương ước mới trên cơ sở kế thừa, bảo lưu có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Hàng tháng, 100% gia đình trong thôn thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải. Ngoài ra, nhân dân còn tổ chức làm tổng vệ sinh theo định kỳ tại các đoạn đường tự quản và khu vực công cộng trên địa bàn. Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu dân cư luôn bảo đảm, không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Vào những ngày lễ, Tết, thôn đều tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao trong cộng đồng dân cư. Hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa... được nhân dân đồng thuận, tổ chức thực hiện. Các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian cùng các nghi thức tâm linh được khôi phục góp phần giáo dục truyền thống văn hóa của quê hương. Vì vậy, hàng năm, 100% gia đình trong thôn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đã được bình xét đạt bình quân gần 90%. Các tiêu chí xây dựng làng văn hóa được cán bộ, nhân dân trong thôn tổ chức thực hiện, duy trì, phát triển và liên tục giữ vững từ năm 2006 đến nay.

“Sự khởi sắc của thôn Trường Thọ hôm nay chính là nhờ sự đồng thuận của toàn dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, biết lắng nghe, biết tổ chức vận động, có kế hoạch cụ thể và đặt ra các chỉ tiêu phù hợp thực tế địa phương. Cùng đó, trong tổ chức thực hiện luôn chú trọng kiểm tra, giám sát, gắn liền nhiệm vụ và trách nhiệm xây dựng quê hương với quyền lợi chính đáng của mọi người dân...”, ông Lê Văn Nhật, Trưởng thôn Trường Thọ chia sẻ thêm.

Với những kết quả đã đạt được trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa” ở Trường Thọ, đồng chí Trần Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiên đánh giá, điểm nổi trội ở thôn Trường Thọ là biết tập hợp, phát huy hiệu quả sức mạnh toàn dân. Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chính quyền và nhân dân bàn bạc trên tinh thần tập trung dân chủ, dựa vào nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các giá trị văn hóa truyền thống được chọn lọc phát huy; đồng thời ngăn ngừa, lên án, phê phán và loại bỏ các tệ nạn xã hội... Vì thế, trong tổ chức thực hiện phong trào đều được người dân ủng hộ, đem lại hiệu quả cao; từ đó, góp phần gắn kết cộng đồng và tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân phát triển sản xuất và xây dựng quê hương giàu đẹp.

Thùy Lâm