.

Phát huy vai trò của Hội DSVHVN trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Thứ Năm, 12/10/2017, 10:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình (DSVHVN) đã có nhiều nỗ lực trên tất cả mọi mặt công tác. Hội đã phát huy vai trò, vị trí của mình trong công tác tập hợp, đoàn kết hội viên, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo trong mỗi hội viên đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhân dịp Đại hội Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2017-2022, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trên quê hương Quảng Bình.  

P.V: Xin ông cho biết những kết quả mà Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong thời gian qua?

- Ông Lê Hùng Phi: Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình được thành lập ngày 30-3-2007, đến nay Hội đã có 388 hội viên sinh hoạt ở 13 hội và chi hội cơ sở trực thuộc.

Xác định việc tuyên truyền về di sản văn hóa là nhiệm vụ thiết thực, trọng tâm, hội đã tiến hành sưu tầm, biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa có giá trị phản ánh vùng đất, con người và văn hóa của từng địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc của Quảng Bình. Cụ thể, Hội DSVHVN tỉnh đã xuất bản tập 3 tập sách “Ẩn tích thời gian”; các tập thơ “Bác Hồ trong trái tim ta”, “Quảng Bình kỳ thú nước non”,  “Muôn thuở tình quê...; Hội DSVHVN Tuyên Hóa đã xuất bản 4 tập “Tuyên hóa Quê hương - Con người” ; Đồng Hới với tập sách, ảnh “Đồng Hới - Tiềm năng và phát triển”, “Đồng Hới - Quê hương và con người”; Bố Trạch với "Bố Trạch - Quê hương miền di sản"...

Triển lãm ảnh về di sản văn hóa Việt Nam tại Quảng Bình năm 2015.Ảnh: T.H
Triển lãm ảnh về di sản văn hóa Việt Nam tại Quảng Bình năm 2015.Ảnh: T.H

Bên cạnh đó, các tổ chức hội đã phối hợp xây dựng một số bộ phim, phóng sự, ký sự, phản ánh sinh động giá trị của di sản văn hóa trên mỗi vùng quê như:  Ký sự “Quảng Bình bát danh hương” do Hội DSVHVN tỉnh phối hợp với Đài PT-TH Quảng Bình phát hành trong tháng 4 và tháng 5 năm 2017; Hội DSVHVN huyện Quảng Ninh phối hợp với VTV1 Đài truyền hình Việt Nam xây dựng phim tài liệu “Nẻo về nguồn cội” và phối hợp với Đài PT-TH Thái nguyên xây dựng phim tài liệu về liệt sĩ Phạm Văn Lộc và bà Nguyễn Thị Cúc quê ở Lương Ninh, huyện Quảng Ninh đã có thời gian gắn bó phục vụ Bác Hồ từ Thái Lan đến chiến khu Việt Bắc nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Bác; Chi hội DSVHVN Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất các bộ phim “Bản hòa tấu Sơn Đòng”, “Hoa trinh nữ” nhằm tuyên truyền, quảng bá về di sản thiên nhiên thế giới và địa danh lịch sử đường 20 Quyết Thắng, hang Tám cô; Hội TP. Đồng Hới đã phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình thành phố mở chuyên mục về  “Quê hương - Con người Đồng Hới”...

Có thể khẳng định rằng, công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá thời gian qua đã góp phần quảng bá các giá trị của di sản văn hoá quê hương Quảng Bình. Qua đó kêu gọi cộng đồng và toàn xã hội chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hoá.

P.V: Một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của hội là chức năng tham gia tư vấn, phản biện, giám định, đánh giá các đề tài, đề án, công trình khoa học về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và Hội DSVHVN tỉnh đã thực hiện các chức năng đó như thế nào, thưa ông?

- Ông Lê Hùng Phi: Từ chức năng và nhiệm vụ đó, nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã có những hoạt động thiết thực. Một số kết quả nổi bật như: Hội đã chủ trì phối hợp tổ chức hội thảo khoa học để làm rõ công trạng cũng như những tồn nghi lịch sử đối với vị danh tướng Hoàng Kế Viêm; tổ chức hội thảo về Nguyễn Du trong những năm làm quan Cai bạ ở Quảng Bình (nhờ vậy mà phát hiện được cánh đồng mang tên Nguyễn Du canh tác hơn hai trăm năm qua tại xã Vạn Ninh). Hội đã phối hợp với các đồng chí lãnh đạo huyện Minh Hóa đặt vấn đề để tổ chức hội thảo về vua Hàm Nghi với phong trào Cần Vương nhằm làm sáng tỏ thêm những hoạt động của phong trào Cần Vương và vua Hàm nghi trong thời gian 3 năm hoạt động ở vùng Minh Hóa và một số địa danh khác ở Quảng Bình.

Trên diễn đàn khoa học, nhiều hội viên Hội DSVHVN tỉnh cũng đã phát huy năng lực và trách nhiệm của mình tích cực tham gia nghiên cứu, phản biện, tham gia các hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học cũng như các bài viết có tính định hướng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2017, Hội DSVHVN tỉnh đã đăng ký thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh với nội dung: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích lịch sử, cách mạng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Hiện tại đã hoàn chỉnh đề cương và đang tiến hành thực hiện các bước của đề tài theo lộ trình 2 năm 2017 - 2018 sẽ đưa vào nghiệm thu sử dụng. Nhiều hội, chi hội cơ sở đã chủ động phát huy tốt chức năng tham vấn, phản biện trên lĩnh vực di sản văn hóa, tham mưu tích cực cho các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa.

Lễ hội cầu ngư, nét đẹp truyền thống của ngư dân vùng biển. Ảnh: T.H
Lễ hội cầu ngư, nét đẹp truyền thống của ngư dân vùng biển. Ảnh: T.H

Công tác truyền dạy, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống luôn được các cấp hội tổ chức duy trì hoạt động thông qua những câu lạc bộ (CLB) mà lực lượng nòng cốt là hội viên Hội DSVH như các CLB ca trù Đông Dương (Quảng Trạch), Phong Châu (Tuyên Hóa); CLB hát Kiều cổ Lâm Lang (Tuyên Hóa); các CLB hát ví, đúm, sắc bùa, hát nhà trò (Minh Hóa); các CLB hò khoan Phong Thủy, Xuân Thủy...(Lệ Thủy); CLB dân ca truyền thống Nhân Trạch, CLB hát tuồng Phú Trạch, Khương Hà (Bố Trạch); các CLB thơ - ca kết hợp ở Nghĩa Ninh, Bảo Ninh (Đồng Hới);  CLB Hán - Nôm duy trì công tác sưu tầm, dịch giải các văn bia, phong sắc...

P.V: Để phát huy vai trò của Hội DSVHVN trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong nhiệm kỳ mới, Hội DSVHVN tỉnh ta sẽ tập trung vào những hoạt động gì, thưa ông?

- Ông Lê Hùng Phi: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Một số chương trình hoạt động của chưa tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng nhằm chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Công  tác tham vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học chưa nhiều, chưa thể hiện được tính chủ động...

Với tinh thần của Đại hội Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2017-2022 là "Tự nguyện, Tâm huyết, Sáng tạo và Khoa học", thời gian tới Hội DSVHVN tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân và toàn thể hội viên tham gia đóng góp công đức, kinh phí trong việc sưu tầm hiện vật cho bảo tàng, nhà truyền thống, xây dựng tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến tại địa phương gắn với tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch, phát triển kinh tế của từng địa phương. Các cấp hội sẽ tiếp tục tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu văn hóa nhằm tuyên truyền, giáo dục về văn hóa và di sản văn hóa đến các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Hội sẽ nghiên cứu đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền các chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tiếp tục tăng cường vai trò, chức năng tham gia tư vấn, phản biện, giám định, đánh giá các đề tài, đề án, công trình liên quan đến công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa... Một số nhiệm vụ được chú trọng khác như tuyên truyền, vận động phát triển hội viên mới, coi trọng công tác củng cố tổ chức hội và hội viên, bổ sung và hoàn thiện các điều kiện cần thiết trình UBND tỉnh cho phép thành lập Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam tỉnh khi hội đủ các yếu tố cần thiết.

Với tinh thần ấy, Hội DSVHVN tỉnh sẽ đóng góp tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm của nhân dân và huy động nhân dân chung tay vì sự nghiệp bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa trên hương Quảng Bình.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nhật Văn (thực hiện)