.

"Rằng thương nhau cho trọn..."

Chủ Nhật, 06/08/2017, 15:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn hai mươi năm trước, khi “chạm ngõ” làng báo, thi thoảng tôi lại được nghe các anh chị đồng nghiệp nhắc về ông với hình ảnh một nhà báo giỏi nghề, tài hoa và gần gũi, giản dị. Và trong suốt những năm sau này, những câu chuyện về ông vẫn luôn được nhắc đến với sự ngưỡng mộ và yêu quý. Ông là nhà báo Đỗ Quý Doãn, người vừa viết báo, làm thơ, những câu thơ khiến người đọc rưng rưng. Rồi thơ ông được phổ nhạc mà những ca từ, giai điệu giản dị, dịu dàng khiến bao người mê đắm!
 

Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn
Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn

Từ ngày còn bé, tôi đã được nghe Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm từ chiếc đài cũ kỹ của mẹ. Mãi đến sau này, tôi mới biết tác giả bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc ấy là ông, nhà báo Đỗ Quý Doãn. Khi tôi bước chân vào làng báo thì ông đã chuyển công tác. Những năm sau này, ông ra thủ đô làm lãnh đạo, mỗi dịp về quê, ông thường ghé thăm Báo Quảng Bình, gặp gỡ những đồng nghiệp cũ. Những lúc có thời gian, ông lại tranh thủ chuyện trò về nghiệp vụ báo chí với anh chị em cán bộ, phóng viên. Chúng tôi may mắn được học hỏi nhiều điều từ những cuộc chuyện trò ngắn ngủi ấy để rồi cố gắng và từng bước trưởng thành hơn trong nghề nghiệp.

Thế rồi tình cờ tôi bắt gặp cuốn “Rằng thương nhau cho trọn” của ông. Cuốn sách mỏng gồm 89 bài thơ và 10 bài hát được phổ nhạc từ thơ của ông, trong đó có bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm” mà thế hệ mẹ cha tôi từng mê đắm. Những bài thơ được ông viết trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 2016 là những trải nghiệm cuộc đời ông qua năm tháng. “Rằng thương nhau cho trọn”  được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Những bài thơ đầu tiên lấp lánh đam mê và tình yêu thời trai trẻ ở xứ sở tuyết trắng, nơi ông theo học chuyên ngành báo chí tại Đại học Lô-mô-nô-xốp vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

“Trời thì mưa, sóng cứ vỗ lao xao
Cơn gió lạnh luồn qua ô cửa trắng
Đêm dần buông trên Nêva thanh vắng
Bỗng một vì sao vụt sáng phía trời xa...”

             (Trên sóng Nêva)

Và dĩ nhiên những năm tháng ấy không thể không nhắc đến bài thơ mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm”. Bài thơ thủ thỉ dịu dàng đầy thương nhớ:

“... Ngày xưa mẹ ru anh
Bằng câu hò xứ sở
Điệu ví giặm quê mình
Răng mà thương mà nhớ...”

Ca từ và giai điệu bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm” đã khiến cho bao thế hệ say mê bài hát này. Và cho mãi đến bây giờ, trên những chuyến xe hay ở những cuộc vui đời thường, người yêu âm nhạcvẫn có thể được nghe những giai điệu quen thuộc đó cất lên để rồi chợt bâng khuâng nhung nhớ...

Những năm tháng ấy, giữa sóng nước sông Nêva lãng mạn và trái tim đa tình của người trai trẻ, ông vẫn không nguôi thương nhớ quê nhà, nhớ mẹ cha và vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy. Hình bóng mẹ trong thơ ông gần gũi, thân thương:

“...Lưng còng xuống trên đường cày mới vỡ
Bao đêm rồi Mẹ bồn chồn không ngủ
Thương con giờ đang ở phương nao...”

        (Tình yêu và lòng mẹ)

Tôi đọc hết tập “Rằng thương nhau cho trọn”, để rồi phát hiện ra ông từng là một người lính đã từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Ông có nhiều bài về chiến tranh, về đồng đội, những người đã mãi mãi nằm lại ở sông Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị, nơi “Ngày ấy chúng tôi ra trận/Tay còn vết mực học trò/Hoa tím ép khô trong sách/Nằm yên dưới đáy ba lô” (Trở về Quảng Trị). Hay “Sông vẫn chảy, muôn đời về với biển/Có một nghĩa trang không bia mộ dưới dòng sông” (Nghĩa trang không bia mộ)...

89 bài thơ của ông như những dòng nhật ký kể chuyện cuộc đời. Những bài thơ sau này ông viết cho quê hương, cho những vùng đất ông đặt chân đến, cho bạn bè và gia đình. Nhạc sĩ Trần Hoàn và ông dường như có nhiều duyên nợ, nên sau “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm” một bài thơ khác của ông là “Xa em chiều Đồng Hới” lại được nhạc sĩ phổ nhạc với tên gọi “Xa em”. “Xa em chiều Đồng Hới/Sao thấy lòng bâng khuâng/Cửa biển tím hoàng hôn/Cánh buồm xa thấp thoáng...”. Ca từ mộc mạc, giai điệu dịu dàng, bài “Xa em” một lần nữa lại khiến cho những trái tim yêu Đồng Hới thêm một lần loạn nhịp...

Bao năm bôn ba, dẫu bận rộn nhưng ông luôn dành thời gian để về quê hương. Mỗi dịp gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ, ông thường nhắc chuyện người, chuyện nghề. Những câu chuyện của ông có chút tếu táo, vui nhộn nhưng luôn chứa nhiều thông tin hữu ích và bài học cho người làm báo. Và dường như chất “nhà báo” và “nhà thơ” trong ông khó mà phân định, khi chỉ vừa mới say sưa nói về nghề báo, về những kỹ năng cần thiết của người làm báo hiện đại, thoắt cái, ông đã hoàn thành một bài thơ chép vội trên trang giấy. Nhớ về ông, những người làm báo Quảng Bình vẫn thường kể những câu chuyện nhiều chục năm trước, trong vai trò Tổng Biên tập Báo Quảng Bình, ông thường đọc tin bài, công văn cho chị nhân viên đánh máy gõ bằng máy chữ cũ kỹ. Những nhân viên đánh máy của Toà soạn vốn “thiện xạ” trong nghề đánh máy vẫn khó mà theo kịp tốc độ đọc tin bài của ông. Và trong những câu chuyện của mình khi nhớ về nhà báo Đỗ Quý Doãn, mọi người thường mở đầu bằng cụm từ “Làm báo thời anh Doãn...” với sự khâm phục và tự hào.

Tôi là kẻ hậu sinh, chỉ dăm ba lần được gặp gỡ và nghe ông chuyện trò. Tôi đọc “Rằng thương nhau cho trọn”, hiểu thêm một chút về ông, nhà báo, nhà thơ giỏi nghề và tài hoa. Ông nghỉ hưu mấy năm trước, sau khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Giờ ông vẫn đi dạy, viết báo và làm thơ. Tên tập thơ mới xuất bản của ông “Rằng thương nhau cho trọn” có lẽ chứa nhiều hàm ý, nhưng tôi cứ nghĩ đó là lời nhắn nhủ của ông với người, với đời, với quê hương. Và đến bây giờ, tình yêu ấy trong ông dường như đã vẹn tròn...

Diệp Đồng