.

Tuyên Hóa: Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Thứ Sáu, 07/07/2017, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Di sản văn hóa Việt Nam (VHVN) huyện Tuyên Hóa đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Hội luôn phối hợp với Phòng VHTT huyện tổ chức cho hội viên đi khảo sát một số di tích lịch sử chưa được công nhận trên địa bàn để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận như: hang Tiên, hang Chùa Bụt (xã Cao Quảng); Cồn Phủ (xã Tiến Hóa); đình làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, miếu thờ Hiệp biện đại học sỹ Trần Cảnh Hưống ở xã Văn Hóa, xưởng sản xuất vũ khí Trần Táo ở Đồng Hóa, di tích các kho đựng tiền thời kháng chiến trên địa bàn xã Đức Hóa, Thạch Hóa và một số hang động thời kháng chiến ở trên địa bàn. Kết quả đến nay toàn huyện có 3 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt hang Tiên ở xã Cao Quảng được tỉnh đưa vào khai thác du lịch.

Ngoài ra, hội còn chủ động phối hợp với phòng VHTT huyện khảo sát lại tất cả các di tích lịch sử đã được công nhận trên địa bàn đề nghị cơ quan chức năng tôn tạo lại các di tích đã xuống cấp, đề xuất xây dựng bia ghi tên các di tích chưa có bia trên địa bàn; sưu tầm hiện vật và sắp xếp lại việc trưng bày hiện vật trong nhà truyền thống của huyện bảo đảm khoa học, thuận tiện cho người xem; phối hợp với Viện Hán Nôm khảo sát, dịch nghĩa các câu đối ở một số đình chùa, miếu trên địa bàn làm cơ sở cho việc tìm hiểu lại lịch sử của các công trình văn hóa, giúp cho nhân dân địa phương phát huy các giá trị văn hóa tâm linh của các công trình trong thời đại hiện nay.

Năm 2014 và 2016, thực hiện chủ trương của Hội Di sản VHVN tỉnh, hội đã phối hợp với UBND xã Châu Hoá và Câu lạc bộ ca trù Phong Châu, Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang làm hồ sơ đề nghị Hội Di sản VHVN tỉnh tôn vinh và vinh danh 9 nghệ nhân dân gian về lĩnh vực ca trù và Kiều cổ.

 Hội viên Hội Di sản VHVN Tuyên Hóa thăm di tích lịch sử Cổng trời.
Hội viên Hội Di sản VHVN Tuyên Hóa thăm di tích lịch sử Cổng trời.

Từ năm 2014 đến năm 2017, hội đã tổ chức cho ra mắt 4 tập sách: “Tuyên Hoá - Quê hương, Con người” (tập 1 đến tập 4), bước đầu chọn lọc giới thiệu một phần giá trị di sản văn hoá trong kho tàng văn hoá lịch sử trên quê hương Tuyên Hoá anh hùng, nhằm khơi dậy tình yêu, lòng tự hào về truyền thống quê hương cho các thế hệ; quảng bá cho mọi người biết, hiểu thêm về quê hương, con người Tuyên Hoá.

Mỗi tập sách dày trên dưới 300 trang, xuất bản 400 cuốn/tập. Nhiều bài viết trong cuốn sách là của những tác giả quen biết trong tỉnh: tiến sỹ Phan Viết Dũng, tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái, nhà văn Thế Tường, nhạc sỹ Dương Viết Chiến, nhà thơ Văn Lợi, Trọng Lãnh, Hoàng Minh Đức... Nhiều bài viết của con em quê hương: nhà báo Mai Nam Thắng, Lương Duy Cường, nhà văn Hoàng Thái Sơn, Ths Lê Trọng Đại, Lê Viết Đương... và nhiều bài viết của các phóng viên Báo Quảng Bình. Ngoài ra, còn có nhiều hội viên của hội tích cực tham gia viết bài như các tác giả: Duy Thiện, Văn Tư, Phạm Anh Minh, Lương Việt Thắng, Võ Hoài, Mai Xuân Tuyên, Trương Tư Thoan, Nguyễn Văn Huyên...

Nhiều hội viên đã tích cực viết bài cho các báo Trung ương, địa phương và tổ chức xuất bản nhiều tập sách thơ, văn. Đặc biệt có 2 hội viên danh dự là con em quê hương, đó là Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Quảng Bình Đặng Xuân Huề đã có nhiều đóng góp về tinh thần, vật chất cho hội trong thời gian qua.

Thời gian tới, hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn; phối hợp với Phòng VHTT, UBND các xã tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận một số di tích lịch sử và danh thắng đủ điều kiện nhưng chưa được công nhận trên địa bàn: chùa  Phúc Tự (xã Văn Hóa), chùa An Quốc (xã Mai Hóa), chùa Linh Sơn (Tiến Hóa), miếu bà Tam Thượng Linh Từ (Tiến Hóa), hang đựng tiền trong kháng chiến (Đức Hóa)..., xuất bản cuốn sách: “Tuyên Hóa-Quê hương, Con người - Tập 5” vào năm 2018.                                 

Hồ Duy Thiện