.

Đầu năm đi lễ núi Thần

Thứ Sáu, 10/02/2017, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT)- Soi mình bên dòng Đại Giang hiền hòa, núi Thần Đinh (thuộc thôn Rào Đá, xã Trường Xuân) được nhiều du khách biết đến như một địa chỉ du lịch sinh thái tâm linh. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, dòng người từ khắp nơi hội tụ đến với núi Thần rồi theo từng bậc đá mà lên đến đỉnh, nơi đó vẫn còn lại dấu tích của ngôi chùa Kim Phong cổ tự, để thắp nén tâm nhang cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc, tấn tài tấn lộc và gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Núi Thần Đinh cao khoảng 400 mét so với mặt nước biển. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Thần Đinh ở cách huyện Phong Lộc 20 dặm về phía Nam, núi đá cao chót vót... Trên núi có chùa Kim Phong. Cạnh chùa có đất để trồng hoa, sườn núi có động sâu thẳm, rộng rãi, cửa động hẹp, phải nghiêng mình mà vào. Trong động có hai tầng đá xếp đặt hệt như bàn ghế, vân đá giống tượng phật, thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Phía tả có động, thạch nhũ trong động chỗ ẩn, chỗ hiện, chỗ như tán vàng, chỗ như hình voi. Phía hữu có hai động gọi là động chuông và động trống, trong ấy đá rũ xuống, gõ vào thành tiếng như chuông, như trống nên gọi thế. Ngoài động có giếng đá, nước ngọt không bao giờ cạn”.

Hòa mình trong dòng người đi lễ núi Thần vào dịp năm mới chúng tôi cùng hàng trăm đoàn du khách leo từng bậc đá vãn cảnh Thần Đinh. So với nhiều năm trước đây, khu vực này đã được tôn tạo, xây dựng để xứng tầm với một di tích danh thắng cấp tỉnh nhưng không vì vậy mà Thần Đinh mất đi nét hoang sơ, huyền hoặc, linh thiêng. Trong ánh sương mờ của một buổi sáng tháng giêng phảng phất trên những tán cây cổ thụ, chúng tôi chinh phục đoạn đường dài, dựng đứng của hơn 1.000 bậc thang đá, đến đỉnh núi chợt hiện ra một bãi đất bằng phẳng. Đó là dấu tích của chùa Non xưa.

Phong cảnh hữu tình bên núi Thần Đinh.           Ảnh: P.V
Phong cảnh hữu tình bên núi Thần Đinh. Ảnh: P.V

Chùa Non được xây dựng năm 1701 dưới triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa. Truyền rằng, trụ trì ngôi chùa là thầy An Khả, thông minh, tài trí hơn người. Chùa Non vì thế tiếng lành đồn xa, phật tử, tăng ni theo về cùng chăm lo phật pháp. Khi thầy An Khả sắp viên tịch, ngài gọi đệ tử đến bên dặn dò hậu sự, lại sai cắt lấy ngón tay út làm vật thiêng trấn chùa, lưu hai câu thơ “Tiền kiếp tử Thần Đinh. Hậu kiếp sinh Càn Long vương”. Xong, thầy An Khả về cõi niết bàn. Lạ kỳ thay! Ngón tay út của thầy An Khả không hề bị thối rữa.

Đứng trên đỉnh núi, tại nền chùa Kim Phong, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc đất nước quê hương tươi đẹp với một “Đại Trường Sa” trải dài từ Bắc vào Nam, thấy tàu thuyền vào ra tấp nập trên cửa sông Nhật Lệ; công trình thủy lợi hồ Rào Đá-một công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh từ trước đến nay; thu vào tầm mắt một thành phố trẻ Đồng Hới đang chuyển mình đổi thay từng ngày; dòng Đại Giang uốn lượn dưới chân núi, về hoà cùng sông Kiến Giang thành dòng Nhật Lệ hiền hoà ôm lấy thị trấn Quán Hàu-trung tâm huyện lỵ Quảng Ninh trước khi đổ ra biển Đông.

Sau khi UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 2541/QĐ-UBND, ngày 18-8-2004 xếp hạng núi Thần Đinh là di tích danh thắng, từ năm 2009, chùa Kim Phong, núi Thần Đinh được Tổ đình Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh đầu tư tôn tạo. Ngày nay các bậc đá đã được trùng tu, làm mới, “Kim Phong cổ tự” chỉ sót lại một ngôi miếu thờ khá nguyên vẹn phủ dấu rêu mờ.

Trên đỉnh Thần Đinh còn có giếng Tiên, truyền thuyết kể rằng nơi đây từng được các nàng tiên trên trời xuống tắm. Một hồ nước to chừng khoảng chiếc nong được kết tụ lại từ linh khí trời đất, từ long mạch núi Thần mà quanh năm nước trong vắt, không bao giờ cạn. Du khách vãn cảnh Thần Đinh thường xin nước giếng Tiên về để uống, họ tin rằng sẽ chữa được bệnh tật, làm cho tâm hồn con người thanh sạch.

Núi Thần Đinh quanh năm khí hậu ôn hoà mát mẻ. Hệ sinh thái rừng nơi đây vẫn còn khá nguyên sinh với các loại thảm thực vật, cây gỗ và động vật quý hiếm.

Với tấm lòng hướng về chốn linh thiêng để cầu an, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, hằng năm, từ sau Tết Nguyên đán đến rằm tháng giêng, hàng vạn lượt du khách đã đến vãn cảnh danh thắng Thần Đinh. Xuân Đinh Dậu 2017 là năm đầu huyện Quảng Ninh phối hợp với chùa Kim Phong tổ chức lễ hội danh thắng Thần Đinh với quy mô khá lớn, với các chuỗi hoạt động như tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, giao lưu văn hóa văn nghệ tôn vinh di tích, tổ chức trồng cây tại khuôn viên di tích, lễ rước nước thiêng từ giếng Tiên trên núi và lễ cầu siêu, cầu an...

Lễ hội danh thắng Thần Đinh tiếp tục diễn ra đến hết tháng giêng, nhằm tôn vinh danh thắng, tạo điều kiện để du khách thập phương đến lễ chùa, vãn cảnh Thần Đinh vào dịp đầu xuân năm mới với tấm lòng hướng về cõi Phật để cầu chúc an lành.

Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)