.

Bầu ơi!

Thứ Hai, 06/02/2017, 14:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lẽ trong giới thực vật chỉ “bầu” là có tên trong “sổ hộ khẩu” của gia đình, được gia chủ gọi tên một cách vừa thân tình vừa sang trọng. Thân tình ở cách gọi “bầu ơi!”. Sang trọng ở lời nhắn gửi “thương lấy bí cùng”. Vậy là đặt bầu cao hơn bí rồi! Mà cao hơn thật đấy. Cùng lớn lên từ đất, nhót một cái bầu leo hẳn lên giàn cao đón nắng, bí thì lê lết dưới mặt đất cùng với rau khoai và cỏ dại...

Tôi có ước mơ tìm lại dáng dấp quả bầu hồ lô như đã vắng bóng non nửa thế kỷ nay, từ khi bầu cạc-voi năng suất cao lên ngôi. Lùng sục mãi mới “thửa” được vài hạt giống. Sau trận lụt lớn, tôi định gieo hạt thì có người can: Chờ cho đất ráo nước đã! Chờ, và tôi gieo, lòng đầy hy vọng. Gió mùa về, mưa lay phay, lạnh. Mầm xanh đội đất trồi lên còn nguyên cả cái vỏ hạt trên lá.

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian V.T cho hay: Bầu, khi gieo phải có thời gian “thơơng đợ”, đến lúc cứng cáp mới đem trồng được. Thơơng đợ! Tiếng địa phương, tôi hiểu có nghĩa là “Nâng đỡ”. Và tôi làm theo. Nắng, bưng mầm cây ra sưởi. Mưa, bưng vào hiên. Cả tuần như vậy rồi tìm chỗ hợp lý trồng xuống, bón phân. Mưa, không nặng hạt nhưng kéo lê thê. Sau chuyến công tác hơn tuần, trở về, hồi hộp ra thăm thấy bầu có vẻ yếu, thân cây màu trắng nhợt, trong suốt. Thiếu kali rồi! Tôi than vậy rồi vội vàng lấy tro bếp bón vào gốc cây. Chưa đầy nửa giờ, thăm lại thì...ôi thôi, cây gãy gập. Thì ra, tro bếp hút nước ngay khoảng thân cây tiếp xúc khiến đoạn thân ấy mất nước gẫy gập.

Ảnh: P.V
Ảnh: P.V

Lần thứ ba, khi mùa đông đã cạn ngày, xuân đang gõ cửa. Nếu không gấp gáp, cây bầu trưởng thành sẽ gặp ngay nắng hè. Té ra, nội hàm “thơơng đợ” là cả một quy trình. Phải đến lúc một viên sĩ quan cao cấp quê ở thượng nguồn Kiến Giang “tham mưu” cho, tôi mới vỡ lẽ được người trồng bầu khi gọi “bầu ơi!” một cách trìu mến là có lý do. Này nhé: Hãy tận dụng những thứ dụng cụ đan lát bằng tre đã cũ như dần, sàng, rổ, rá có mặt phẳng, trát lên một lớp phân trâu tươi. Rải lên một lớp tro mỏng rồi tới một lớp đất tơi xốp. Chờ cho hỗn hợp này kết dính khô se thì dùng dao rạch thành từng ô nhỏ như chiếc bánh in. Trên mặt mỗi “chiếc bánh” gieo một hạt bầu, lại rải một lớp tro mỏng và cuối cùng là lớp đất tơi. Chọn chỗ nào vừa hứng được nắng, sương mà tránh được mưa to xối xả để đặt “vườn ươm”. Đợi khi nào cây giống trưởng thành cứng cáp và thời tiết thuận lợi thì cho ra vườn, rào dậu kỹ để tránh gà bươi, ngan vịt phá.

Khi cây leo lên chừng hơn mét thì bắt đầu làm giàn và chú ý phát hiện để diệt bọ đỏ ăn lá và hoa. Đó là lúc bắt đầu được thưởng thức “Vũ điệu giêng hai” của bầu. Những chiếc vòi như cánh tay thò ra tìm que cành, bấu chặt, cuốn vài vòng cho thật chắc rồi níu cho ngọn vươn lên. Ngọn bầu vươn lên đón nắng xuân, ngỡ ngàng như muốn nói: Chào mùa xuân, chào mọi người, tôi đã trưởng thành, xin cảm ơn công lao “thơơng đợ”, chăm bón của người, đã đến lúc đền ơn sinh thành rồi! Hoa bầu, cả hoa cái và hoa đực đều nhỏ, không lớn như hoa bí nên việc thụ phấn hoàn toàn nhờ vào côn trùng ong bướm. Rồi một ngày, bỗng thấy cái hoa cái lớn dần lên là hoa đã kết quả rồi đấy. Quả bầu bắt đầu thõng xuống dưới giàn, lớn nhanh như thổi làm mát lòng người nông dân...

Bầu còn có hai người bạn hàn vi khác là khoai lang củ và...râu tôm. Khi lúa ngoài đồng còn xanh mà thóc cũ trong bồ đã vơi thì câu ca “Giêng hai khoai- bầu” xuất hiện nơi cửa miệng nông phu. Canh bầu nấu tép đồng ăn với củ khoai lang luộc thực chất là một món vừa rẻ, bổ và là thực phẩm sạch tuyệt đối.  Phải vậy chăng mà, sau khi luộc chín nồi khoai cho ra rổ đang nghi ngút khói, người bèn bỏ lên giàn bầu vừa chờ khoai nguội vừa cầu mong cho quả bầu mau lớn. Ruột bầu là thứ bỏ đi, vậy mà, khi con người biết yêu thương, biết chia sẻ tình cảm, thì, cũng trở thành chất xúc tác cho tình cảm thăng hoa: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Không chỉ thế, bầu còn là hiện thân, là chủ thể của cả một triết lý nhân sinh đấy. Dân gian có câu ca dao nhiều yếu tố ẩn dụ, mượn cây bầu cây bí để khuyên răn tình đoàn kết giữa người và người :

Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì có câu thơ đầy ấn tượng:

Lũ chúng tôi theo tay mẹ lớn lên còn bí bầu thì lớn xuống

Thực ra, chỉ có bầu là “lớn xuống”, vì bầu được leo giàn, quả càng to thì càng trĩu xuống thấp...
Bầu ơi! Trâu ơi! Sông ơi!... Một đất nước trải hàng nghìn năm mưu sinh bằng nền nông nghiệp lúa nước đã hình thành trong tâm thức người nông dân những tình cảm thiết tha với con vật, cây trồng gắn bó máu thịt với số phận mình, để mỗi ngày khi buồn khi vui, khi cô đơn hay hạnh phúc đều cảm thán mà kêu: Bầu ơi!

Nguyễn Thế Tường