.

Nỗ lực sưu tầm hiện vật lịch sử

Chủ Nhật, 08/01/2017, 10:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Di sản huyện Minh Hóa đã vận động người dân trên địa bàn huyện đóng góp hơn 250 hiện vật có giá trị lịch sử liên quan đến cuộc sống, chiến đấu và lao động của nhân dân qua các thời kỳ.

Để có được những hiện vật có giá trị lịch sử như: công cụ lao động, đồ trang sức, công cụ chiến đấu, hiện vật liên quan đến vua Hàm Nghi..., Hội Di sản huyện Minh Hóa đã lập kế hoạch, trình UBND huyện phê duyệt, thành lập các tổ khảo sát và sưu tầm từ năm 2014. Mục đích là sưu tầm các hiện vật văn hóa có giá trị lịch sử ở huyện qua các thời kỳ để trưng bày tại phòng truyền thống. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa, phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, du lịch, làm đẹp thêm hình ảnh con người và quê hương Minh Hóa. Các hiện vật được sưu tầm từ thời tiền sử, trước Cách mạng Tháng 8 - 1945, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện vật trong phong trào Cần Vương, công cuộc cải cách ruộng đất, tư liệu về các anh hùng của huyện và những hiện vật do nhân dân sáng tạo trong chiến đấu, lao động sản xuất.

Lực lượng sưu tầm đã đến từng nhà dân để tuyên truyền vận động bà con đóng góp những hiện vật có giá trị lịch sử đang được sử dụng hoặc cất giữ trong nhà. Ông Đinh Xuân Điều, tổ viên tổ sưu tầm tâm sự: “Lúc đầu, có người có hiện vật nhưng không chịu đóng góp. Các tổ viên đã kiên trì giải thích hiểu được giá trị lịch sử, ý nghĩa của việc sưu tầm, họ đồng ý đóng góp tài sản của gia đình”.

Những cái chum vại có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Những cái chum vại có niên đại hàng trăm năm tuổi.

Qua một thời gian vận động, sưu tầm, Hội Di sản huyện đã thu về được trên 250 hiện vật, trong đó có những hiện vật có giá trị lịch sử và kinh tế. Có thể kể đến vỏ quả bom tạ do anh Đinh Minh Hương, ở bản Y Leeng, xã Dân Hóa hiến tặng. Anh Hương kể: “Vỏ quả bom tạ này do tôi tìm thấy trên rẫy của mình. Sau khi phát hiện, tôi phải nhờ cả chục người lên khiêng về và thịt 2 con gà để chiêu đãi họ. Sau đó, người buôn sắt đến hỏi mua 8 triệu đồng nhưng tôi không bán. Nhưng khi các hội viên Hội Di sản đến vận động, tôi sẵn sàng tặng luôn”.

Ông Đinh Xuân Hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Minh Hóa hiến tặng một miếng vỏ của chiếc máy bay phản lực nặng khoảng 30kg mang từ dãy núi Giăng Màn về. Ông nói: “Ngày đó, tôi tham gia đánh biệt kích trên núi Giăng Màn. Đơn vị rút quân, trên đường về thì gặp mảnh vỏ máy bay. Dù đường đi lại rất khó khăn nhưng tôi vẫn gắng mang về để sau này làm vật chứng kể lại chuyện chiến đấu cho con cháu. Từ khi nghe tin Hội Di sản sưu tầm các hiện vật lịch sử, tôi tặng luôn cho Hội”.

Giờ đây, trên 250 hiện vật lịch sử được sưu tầm đều có những kỷ niệm vui buồn khác nhau. Chuyện về con đò độc mộc của bà Trương Thị Vượng, thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa là minh chứng điển hình. Theo lời kể của bà Vượng, con đò này đã gắn bó với cuộc đời bà và cả gia đình gần 70 năm qua. Đò được làm bằng cây sến, chịu ải tốt, dài trên 4m, rộng khoảng 0,5 và có thể chở được từ 5 đến 6 người. “Nhờ con đò này mà cả gia đình tôi đã thoát chết hàng chục mùa mưa lũ đó. Biết cho đi thì tiếc, nhưng vì lợi ích chung nên tôi cũng sẵn lòng”.

Đàn ống 1 dây của người Rục.
Đàn ống 1 dây của người Rục.

Ông Đinh Tiến Hùng, ở tiểu khu 2, thị trấn Quy Đạt hiến cái đầu kèo nhà cũ kỹ. Khi hỏi chuyện, ông mới cho biết đó là kèo nhà của ông Tổng Loát ngày xưa vua Hàm Nghi từng ở. Đầu kèo nhà bằng gỗ dạ hương, chạm đầu rồng rất tinh xảo từ đôi bàn tay những người thợ tài hoa Quảng Hòa ở thị xã Ba Đồn. Ông Hùng cho hay: “Nhà ông Tổng Loát đã được con cháu tháo dỡ lâu rồi. Hồi đó, tôi còn đi làm việc nhà nước, thấy cái đầu kèo nhà đẹp quá, lại gắn liền với vua Hàm Nghi nên tôi bỏ tiền ra mua về cất giữ đến tận bây giờ. Giờ tặng lại cho Hội Di sản quản lý, tôi thấy rất yên tâm vì mai này con cháu trong huyện sẽ nhớ đến vua cũng như phong trào Cần Vương trên đất Minh Hóa”.

Trong “bảo tàng” nhỏ đang lưu giữ trên 250 hiện vật còn rất nhiều thứ có giá trị lịch sử, tái hiện lại cuộc sống, chiến đấu, lao động hay những chiến công của quân và dân Minh Hóa. Trong đó phải kể đến lá cờ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược do Bác Hồ tặng lực lượng Bộ đội địa phương huyện Minh Hóa bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Ngoài ra còn có các bộ trang phục của người xưa, các vật dụng cà nhăng, cà tốc, cà tét... của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều, đàn ống 1 dây của người Rục, lưới săn lợn rừng, cối giã gạo, cối xay lúa, những cái chum, vại có niên đại hàng trăm năm...

Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản huyện Minh Hóa cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ mời chuyên gia về đánh giá, phân loại hiện vật. Theo kế hoạch, huyện Minh Hóa sẽ xây dựng một nhà truyền thống tại trung tâm thị trấn Quy Đạt để trưng bày các hiện vật. Mặt khác chúng tôi đang tiếp tục vận động nhân dân hiến tặng thêm hiện vật để phòng trưng bày phong phú hơn”...

Xuân Vương