.

Vùng đất di sản văn hóa giàu bản sắc

Thứ Sáu, 02/12/2016, 15:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa và nỗ lực phấn đấu để Lệ Thủy đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước năm 2020, văn hóa nói chung và giá trị di sản văn hóa (DSVH) nói riêng đóng một vai trò quan trọng. Cùng với quá trình phát triển hài hòa trên các lĩnh vực thì việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) đặc sắc của quê hương luôn được coi trọng. Điều đó được thể hiện sinh động trong chủ trương, việc làm cụ thể ở huyện Lệ Thủy thời gian qua.

Từ vùng đất di sản văn hóa

Có thể nhận thấy danh xưng huyện Lệ Thủy ra đời sớm nhất (từ năm 1469) trên đất Quảng Bình và trong quá trình hình thành, vận động, phát triển đã lưu giữ nhiều DSVH vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, được bảo tồn trong lòng dân, thấm đẫm giá trị nhân văn, xã hội sâu sắc qua bao thế hệ.

Đó là một số di tích lịch sử gắn với sự kiện văn hóa và danh nhân như: chùa Hoằng Phúc nơi ghi dấu chân của vị vua Phật hoàng Trần Nhân Tông hơn bảy thế kỷ nay; lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người đã từng mang gươm đi mở cõi phương Nam, từ năm 1698; bia mộ Vũ Xuân Xán, vị "tứ triều nguyên lão"...

Một số di tích lịch sử văn hóa (LSVH) trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước như: miếu Thành hoàng Mỹ Thổ, nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở vùng Nam Quảng Bình, tháng 11-1931; chùa An Xá, nơi tổ chức hội nghị cán bộ Đảng lần đầu tiên của tỉnh, ngày 2-7-1945; di tích Chiến thắng Xuân Bồ; Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Một số di tích ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: vụ thảm sát Mỹ Trạch, nơi kẻ giặc giết hại một lúc hơn 300 người dân yêu nước; di tích đồn Hòa Luật Nam, nơi kẻ thù bắn chết hàng ngàn người dân, cán bộ ta và chôn chung một hố (1947 -1954)...

Một số di tích danh lam thắng cảnh để lại dấu ấn trong tâm thức của người dân Lệ Thủy như: Lèn Bạc có sương trắng quanh năm vờn chóp núi; núi An Mã in hình trên nền trời quê hương xanh biếc; suối nước nóng Bang, có độ nóng lớn nhất ở Việt Nam, xuất lộ đến 1050c; bàu Sen, hồ nước ngọt bên bờ biển mặn...

Tính đến tháng 10-2016, Lệ Thủy có trên 100 di tích các loại hình, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Phát huy giá trị DSVH đa dạng, phong phú đó, cùng với việc xây dựng nông thôn mới, thời gian qua huyện và các địa phương trong huyện đã huy động nhiều nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng cho việc tu bổ, trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể, góp phần tạo nên diện mạo vùng đất DSVH giàu bản sắc.

Đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Thời gian qua, giá trị DSVH đã ghi dấu ấn, có sức lan tỏa vào đời sống văn hóa cộng đồng. Các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng thực sự trở thành "địa chỉ đỏ" "địa chỉ về nguồn"của tuổi trẻ, học sinh, thầy, cô giáo trong huyện. Có 26 trường trung học cơ sở và trường tiểu học nhận chăm sóc các DSVH dưới sự chỉ dẫn của Phòng Giáo dục-Đào tạo và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Tháng 11-2015, huyện chỉ đạo ngành Văn hóa - Thông tin tọa đàm về bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, nhất là trên địa bàn xã, thôn. Đầu xuân năm 2016, lần đầu tiên huyện tổ chức lễ hội chùa Hoằng Phúc xuân 2016 trong hai ngày giữa tháng giêng thu hút khoảng 10 ngàn người tham dự với 8 nội dung thiết thực: lễ rước nước; lễ khai hội, lễ nghi thức Phật giáo, lễ thuyết pháp, đêm hội thả đèn hoa đăng, hội bài chòi, hội cờ tướng, Hội bóng chuyền.

Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang mừng Tết Độc lập 2-9-2016 cũng có các điểm mới: Lần đầu tiên (kể từ năm 1946 đến nay), tổ chức phần lễ của lễ hội trên sân khấu nổi trước ngã ba sông Mũi Viết; có 2 xã vùng bán sơn địa (sau một thời gian dài vắng bóng) có thuyền đua nam tham gia lễ hội là Mỹ Thủy, Phú Thủy. Phần hội được truyền hình trực tiếp trong hơn 90 phút trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Bình và có 15 đài truyền hình phát thanh các tỉnh, thành tiếp sóng; có khoảng 2 triệu người trong cả nước xem hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang trong ngày 2-9-2016.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Phòng Giáo dục - Đào tạo, ngành Văn hóa - Thông tin phối hợp tổ chức liên hoan "Hát dân ca hò khoan Lệ Thủy". Mỗi cuộc liên hoan có trên 40 tiết mục tập thể của 40 trường học với hơn 600 hạt nhân văn nghệ là các em học sinh, thầy cô giáo, Nội dung hò khoan lời mới ca ngợi đất nước quê hương, mái trường yêu dấu, tôn vinh người giáo viên nhân dân... Hò khoan Lệ Thủy với câu ca óng mượt đã được ghi âm đưa vào kho lưu trữ của Viện âm nhạc Quốc gia năm 2015. Cuối tháng 9-2016 câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy gồm có 20 hạt nhân do Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện chủ trì đã đi giao lưu nghệ thuật tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội) và tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Ninh.

Trong năm 2016, Lệ Thủy có thêm 5 cá nhân được công nhận là "Nghệ nhân dân gian Quảng Bình”: Lê Thanh Thiếu, ở thôn biển Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam; Hồ Văn Tiêu, ở bản Cồn Cùng, xã miền núi rẻo cao Kim Thủy; Nguyễn Xuân Phới, ở An Định, xã Hồng Thủy; Nguyễn Hữu Điệp, ở Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy; Lê Thị Hạnh, ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Giang. Chi hội di sản văn hóa Lệ Thủy có 35 hội viên hoạt động trên lĩnh vực thông tin và phản biện xã hội đối với công tác DSVH trên địa bàn và cả trong tỉnh. Nhiều hội viên có các tác phẩm báo chí tuyên truyền, quảng bá tốt về DSVH như các tác giả: Hoàng Đại Hữu, Nguyễn Hữu Trường, Võ Như May, Trương Thị Diệu Thúy, Nguyễn Trần Đức, Nguyễn Xuân Phới, Hoàng Đình Hoa Khai, Nguyễn Thị Thu Hoài...

Tuy nhiên, việc phát huy DSVH trên địa bàn Lệ Thủy vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là, một số DSVH được xếp hạng nhưng chưa phát huy tốt giá trị văn hóa tinh thần; có di tích trong tình trạng xuống cấp, nguồn kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo còn quá ít so với hiện trạng. Một số di tích "có tiếng" hiện chỉ là phế tích như: Ninh Viễn Thành (Uẩn Áo, xã Liên Thủy), chùa Chăm (Mỹ Đức, xã Sơn Thủy)...

Để giữ được sự hài hòa giữa bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị DSVH gắn với xây dựng huyện nông thôn mới, cần phải tiếp tục nâng cao ý thức cộng đồng xã hội về giá trị của DSVH thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng đến với mọi người; đưa công tác bảo tồn, phát huy DSVH vào quy ước của thôn, bản, hiện nay 28/28 xã, thị trấn đều có DSVH. Huyện cần xây dựng và từng bước thực hiện đề án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị DSVH ở huyện gắn với xây dựng nông thôn mới, có phương hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với từng loại hình DSVH; đẩy mạnh việc hoạt động nghiên cứu khoa học, tích cực phối hợp liên ngành giữa tỉnh, huyện ra các công trình, ấn phẩm văn hóa có giá trị thực tiễn về DSVH, gắn với các loại hình du lịch về Lệ Thủy. Hy vọng rằng huyện sẽ có những bước đi, việc làm sát thực, sinh động hơn nữa làm cho vùng đất DSVH giàu bản sắc, thắm tình người có sức lan tỏa trong và ngoài quê hương Lệ Thủy - Quảng Bình.

Lê Đình Tới