.

Hoa cát

Thứ Hai, 16/05/2016, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Mùa đã lặn vào những thớ vân, hoa bằng lăng đã rơi vào ký ức nhuộm tím một khoảng không gian mà tuổi hoa niên của Thu lỡ phải hời hợt, vô tình. Mắt mông lung nhìn về xa ngái nơi những gốc rạ chỏng chơ, chín ngấu bởi cái nắng hầm hập của mùa hè. Nước mặn đã vào tận chân vườn, đã thay màu cho nhiều loài thuỷ thảo, dễ thấy nhất là rau môn, bông súng không ai muối cho chúng mà chúng cũng tự ngả vàng.

Công việc của Thu là trông nhà, trông em và làm những việc lặt vặt. Em Thu bị bệnh bẩm sinh không tự đi lại được nhưng đôi tay vẫn linh hoạt và luôn tỉnh táo trong giao tiếp với người xung quanh. Nó không quan tâm tới thời gian hay không gian. Đối với nó, sáng hay trưa, chiều hay tối nào có quan trọng gì. Quan trọng là có người để nó nhờ giúp chuyện nọ, chuyện kia thế thôi.

Công việc chẳng có gì để mà yêu thích nên Thu thường sang nhà hàng xóm chơi đùa khi em đã ngủ hay vờ ngủ.

- Phải em mày có cái nickname là Ngọc Tư không ?

- Tao làm sao biết. Ngay cả cái điện thoại tao cũng chỉ biết gọi và nghe.

- Quê quá mày ơi... Thời buổi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, người ta đâu chỉ vắt giò lên cổ mà chạy, mà chạy thêm cả hai tay cũng bị bỏ tít đằng sau...

- Đó không phải là chạy mà là bò...

- Thực tế không phải bò như mày nghĩ mà để leo trèo, để vượt qua khi có chướng ngại vật.

- Đừng có mà băm không lỗ, bổ không vào với tao đâu nhé. Tao quê mùa. Tao nghèo  không có tiền để thay đổi “công nghệ” xoành xoạch như mày và cũng chẳng có thời gian để ngồi tán vượn, tán hươu.

- Tao nói vậy thôi, chứ trước giờ tao vẫn xài cái “đập đá” cũ rích đây này.

Bạn Thu đưa cho nó xem cái điện thoại thuộc hàng “xưa nay hiếm” rồi cười giải hoà. Thu cũng cười. Nó nghĩ, nó có bạn thành thật và hiểu nó.

Thu nghĩ đến mình và những người chung quanh. Những người tốt bụng, luôn bán mặt cho đất bán lưng cho trời chỉ để đổi lấy sự lành lặn tối thiểu và cái no lưng chừng bởi con cái nheo nhóc và đất đồng đã bạc màu còn hạn hán bão bùng thì vẫn triền miên. Họ mới chính là những người chịu thương chịu khó, cho dù hoàn cảnh nào họ cũng sống và lao động hết mình. Ví như trồng cây mà không biết thương trường ngày thu hái ra sao nhưng không thể không cày cuốc, gieo trồng. Không thể há miệng nằm chờ sung rụng.

Bỗng dưng Thu liên tưởng tới chiếc máy tính mà hội người tàn tật xã tặng cho em nó. Hẳn là một số tiền lớn nhưng vì trách nhiệm hay động lực nhân ái nào. Hay em nó thật sự có tài về thơ phú, văn chương, một lĩnh vực mà đất nước luôn mở rộng vòng tay chào đón. Bắt đầu nhìn ra xa xôi, đứa con gái quê bỗng nhận ra cái máy tính chính là tác nhân kết nối mọi người lại với nhau. Ở đó không có biên giới cho một sự ràng buộc nào, tự do thể hiện miễn sao được mình, được người. Cái ta không thích thì đừng bắt người khác thích. Thu bắt đầu tò mò, nó mon men đến cái máy tính của em.

Con bé vẫn ngủ hay vờ ngủ.

Thấp thoáng trong cái dáng vặn vẹo ấy là một thiên tài hay một kiếp nạn. Em Thu có tài văn chương thật sao mà giới cầm bút và ngành văn hoá sở tại khá quan tâm. Còn Thu quả là vô tình, không biết gì thật. Đôi khi nghe em nói những câu bâng quơ nhưng Thu phải suy ngẫm khá lâu mới hiểu thấu đáo. Phải chăng ý ở ngoài lời, dẫu là lời rất bình dị, hồn nhiên chứ không phải trau chuốt:

- Ấm nhất là khi ngồi bên bếp lửa với cái rét căm căm và củ khoai nướng thì thơm hết biết nhưng ấm nhất vẫn là vòng tay của mẹ và bà.

Một cảm nhận thật tuyệt vời mà lắm khi Thu cho là em vĩnh vờ, ton hót. Ngay cả việc ăn uống cũng thế, nhiều lúc thấy Thu bận rộn, em có những sáng kiến thật hay như không thể ra đồng hái rau thì lấy quả cà hay vài đọt vông và ít gia vị là có thể làm thành tô canh ngon được rồi.

- Ôi cái món quyền rơm vạ đá ấy làm sao chị dám nấu hở em. Chị chẳng thể nào nuốt nổi, chứ nói gì đến bố mẹ đi làm về mệt nhọc.

Em cười chị cũng cười. Em cười vì em viết thế chứ có thực hành bao giờ đâu mà biết.

Ít thấy em viết, nhưng viết thì nhanh nhoay nhoáy mà lại rạch ròi, phân minh không như Thu ngày nào trong tháng, tháng nào trong năm thì cũng thế, chẳng có gì là khác biệt. Hay như cây cầu dừa với cây cầu tre thì cũng để đưa người qua lại chớ hơn thua gì. Chẳng có gì phải so sánh, ngẫm ngợi ở đây. Ngay cả nấu nướng cũng thế. Với Thu việc rán và nướng khác nhau là có mỡ, có dầu hay không. Đôi lúc sẵn than, Thu tranh thủ nướng vài con khô rồi bày ra đĩa và rưới ít mỡ hay dầu đã phi thơm lên đó, thêm muỗng nước mắm ớt tỏi chanh đường vào nữa thì ôi thôi ngon đến nức lòng. Món ăn thật lạ mà cũng thật hấp dẫn. Không biết đó  là lười hay tài hoa nhưng thường thì Thu được người lớn khen hết lời. Ngay cả món rau cũng thế, với Thu một món luộc mà có thêm món canh hay món xào nữa thì mới hả dạ. Đỡ mất công, không tốn lửa. Và Thu cứ thế mà làm theo ý của mình. Luộc xong để lại ít rau nêm gia vị là thành canh, thêm vài muỗng xốt tỏi mặn ngọt lên nữa là thành xào. Một công đôi việc. Ai bảo Thu không có tài. Rất tài là khác.

- Có ai ra ký nhận thư bảo đảm không đây ?

- Có ạ, mà thư của ai vậy chú ?

- Của ban tổ chức cuộc thi viết về “Quê hương và biển đảo”...

- Chú có lộn không ?

- Lộn là lộn thế nào. Nhà không có ai là Ngọc Tư thật à ?

- Có ạ, nhưng em nó biết gì về biển đảo đâu mà thi với cử.

- Chị nhận cho em đi. – Tiếng em Thu vói ra.

Thu run run ký vào tờ xác nhận rồi cầm phong thư ù chạy vào phòng em gái. Cô thấy mình nhẹ tênh. Bay bổng, lâng lâng giữa thực và mơ, thứ cảm giác mà Thu chưa bao giờ có.

- Mày... Em... có thực là...

- Sao ạ.

- Cái này này... - Thu nhá nhá phong thư mời.

- Cũng bình thường mà chị. Với em đó là hạnh phúc và niềm tự hào, còn chị... ngỡ ngàng lắm sao?

- Ngỡ ngàng chứ sao không, bao năm ở bên em mà...

- Chị không quan tâm tới công việc của em chứ gì ?

- Chị thật có lỗi.

- Không, chị ạ. Em muốn mình tàn mà không phế. Làm được gì với khả năng và sức lực của mình thì cố gắng làm. Thiên tài cũng do lao động miệt mài đó thôi.

Hai chị em ôm chầm lấy nhau. Ngoài kia hoa bằng lăng mở lòng, trải tím những cung đường tháng năm đầy nắng và gió. Vài áng mây đen lấp ló phía chân trời như khúc hạ du trầm buồn chỉ có thể làm xiêu lòng những tiếng ve yếu đuối. Ở đó giông tố luôn rập rình, luôn làm ướt áo người không lo cho mình, không lo cho mai sau. Thu làm sao biết trên cõi đời này, trong cuộc đời này cái mà người ta ít ngờ nhất chính là cái mà người ta gần gũi nhất và thương yêu nhất.

Lý Thị Minh Châu