.

Để xã hội hóa "len lỏi" tới các hoạt động văn học nghệ thuật

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bất cứ lĩnh vực nào, xã hội hóa được đánh giá là xu thế phát triển chung của thời đại, góp phần phát huy hiệu quả tối đa cho các hoạt động cần nhiều nguồn vốn đầu tư, tránh sự phụ thuộc, bị động vào bất cứ nguồn lực nào. Đối với văn học nghệ thuật, xã hội hóa chính là phương thức duy trì, phát triển của nhiều chương trình, dự án, tác phẩm nghệ thuật, đồng thời đưa các hoạt động văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, tạo sức sống lâu dài và tăng cường sự tác động, ảnh hưởng trong đối tượng thưởng thức. Mặc dù thấy được vai trò, tính thiết thực của công tác xã hội hóa, nhưng riêng đối với văn học nghệ thuật, quá trình xã hội hóa không hề đơn giản, nhất là với một tỉnh còn nghèo về kinh tế, sự quan tâm của người dân dành cho lĩnh vực này còn thiếu mặn mà như tỉnh ta.

Năm 2012, đêm nhạc mang chủ đề “Tình ca quê hương 2” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã diễn ra tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh. Quy tụ nhiều giọng ca nổi tiếng của Việt Nam, như: Mỹ Lệ, Quang Linh, Tân Nhàn, Tuấn Anh, NSƯT Vân Khánh..., đêm nhạc đã góp phần tôn vinh những sáng tác đi cùng năm tháng, gắn liền với tình đất tình người Quảng Bình, với miền Trung yêu dấu của người nhạc sĩ tài hoa, như: Tiếng hát đò đưa, Tình ta biển bạc đồng xanh, Phố biển tình anh, Tiếng dạ tiếng thương, Nhật Lệ trăng huyền thoại, Chuyện tình Phong Nha... Đây là đêm nhạc thứ 2 của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương kể từ đêm nhạc đầu tiên đã diễn ra vào năm 1981. Hỏi nhạc sĩ lý do vì sao mãi tới tận hơn 30 năm sau mới có đêm nhạc thứ 2, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương chỉ cười buồn và bảo “lấy đâu ra vốn mà tổ chức thường xuyên đêm nhạc”.

Thiếu sự hỗ trợ từ nguồn vốn xã hội hóa, nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn khi đưa tác phẩm đến với công chúng.
Thiếu sự hỗ trợ từ nguồn vốn xã hội hóa, nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn khi đưa tác phẩm đến với công chúng.

Nhạc sĩ chia sẻ, đêm nhạc năm 2012 vừa qua có nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng, chủ yếu là do nhạc sĩ và gia đình tự xoay xở các nguồn đầu tư. May mắn, một công ty sữa hỗ trợ cho chương trình 200 triệu đồng, còn lại gia đình nhạc sĩ bỏ ra hơn 700 triệu đồng. Cũng nhờ ân tình của các ca sĩ tham gia cho nên kinh phí bỏ ra để trả cát xê cũng giảm 50%. Sau đêm diễn, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương lỗ hơn 300 triệu đồng. Nhạc sĩ vẫn phấn khởi cho biết, đó là nhờ có chút tiếng tăm trong nghệ thuật, có các ca khúc được công chúng yêu mến, cho nên, ông mới có thể tìm được một ít nguồn kinh phí xã hội hóa, chứ nếu không, có lẽ sẽ còn rất lâu mới có một đêm nhạc thứ hai của Hoàng Sông Hương. Ông cũng ngậm ngùi, mặc dù Quảng Bình có nhiều nhạc sĩ tài năng, nhưng mới chỉ có ông và nhạc sĩ Quách Mộng Lân là có đêm nhạc riêng, còn các nhạc sĩ khác thì rất khó khăn để thực hiện trong bối cảnh nguồn kinh phí xã hội hóa hầu như không có.

Cùng chung tâm sự với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là nhiếp ảnh gia Bách Chiến. Hai cuộc triển lãm và một bộ ảnh lịch của ông đều lấy kinh phí từ sự chắt chiu, cố gắng của bản thân, bên cạnh sự hỗ trợ khá eo hẹp từ các nguồn khác. Các ảnh khi triển lãm, thậm chí ảnh đạt giải tại các cuộc thi có uy tín trong nước, đều không có ai mua. Nhiếp ảnh gia Bách Chiến ấp ủ nhiều dự định rất sáng tạo, góp phần quảng bá du lịch tỉnh nhà, như: thực hiện bộ ảnh du lịch, triển lãm ảnh về cảnh đẹp Quảng Bình..., nhưng do thiếu nhà tài trợ, kinh phí không có, nên mãi vẫn chỉ là ý tưởng mà thôi.

Theo nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, từ trước đến nay, chưa có một nguồn hỗ trợ nào ngoài ngân sách Nhà nước cho các tác phẩm của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh. Các văn nghệ sĩ chủ yếu đều “tự thân vận động”, vận dụng các mối quan hệ thân thiết, quen biết để được hỗ trợ kinh phí, phục vụ cho sáng tạo văn học nghệ thuật, nhưng con số này cũng khá hiếm hoi. Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ cho các tác phẩm chất lượng cao từ 6-9 triệu đồng/tác phẩm, nhưng số lượng các tác phẩm trong phạm vi hỗ trợ mỗi năm rất hạn chế. Đối với một số tác phẩm khác, mức hỗ trợ trung bình từ 2,5-3 triệu đồng/tác phẩm. Nếu so sánh với công sức, tâm huyết, tiền bạc mà một nghệ sĩ điêu khắc, nhà văn hay nghệ sĩ nhiếp ảnh bỏ ra từ khi sáng tác cho đến khi đưa tác phẩm đến công chúng thì sẽ thấy được sự trợ giúp này vẫn chưa thấm vào đâu.

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến khẳng định, xã hội hóa văn học nghệ thuật phải hiểu trước hết chính là xã hội hóa về mặt đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để góp phần giúp đỡ các văn nghệ sĩ toàn tâm toàn ý sáng tác ở các lĩnh vực văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh..., chứ không phải là sự xã hội hóa về mặt chủ thể sáng tạo như một thời chúng ta đã nhầm lẫn. Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế và sự quan tâm của công chúng đối với các hoạt động nghệ thuật còn hạn chế như Quảng Bình, xã hội hóa lĩnh vực mang tính trừu tượng này quả là một “bài toán” nan giải. Thêm nữa, các doanh nghiệp khi đầu tư vào một tác phẩm họ đều mong muốn sự quảng bá tên tuổi của mình đến công chúng nhanh nhất, trong khi với văn học nghệ thuật, quá trình này đòi hỏi thời gian, sự chiêm nghiệm và đôi khi cả những thăng trầm để tác phẩm đó tồn tại. Vì lẽ đó, hầu hết các đơn vị làm kinh tế e ngại, không mặn mà với việc đầu tư, hỗ trợ giới văn nghệ sĩ.

Trong bối cảnh xã hội hóa là yêu cầu bức thiết đối với các hoạt động văn học nghệ thuật, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến cho rằng, các tác giả-chủ thể sáng tạo-cần linh động và nắm bắt mọi thời cơ để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Tất nhiên, một khi tác giả có uy tín, tài năng và tác phẩm có sức nặng thì mới có thể thu hút được nguồn vốn xã hội hóa. Còn đối với Hội Văn học Nghệ thuật, bên cạnh sự nỗ lực tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn với các tác phẩm chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp, khẳng định vị thế của Quảng Bình trên diễn đàn văn học nghệ thuật trong và ngoài nước, Hội sẽ cố gắng tăng cường sự kết nối với các đơn vị trong và ngoài lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo điều kiện tối đa cho các văn nghệ sĩ sáng tạo.       

Mai Nhân