.

Đọc sách Hoàng Kế Viêm - cuộc đời và sự nghiệp

Thứ Sáu, 13/03/2015, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của nhân vật lịch sử Hoàng Kế Viêm trước đây đã có tác phẩm  “Hoàng Kế Viêm” của Nguyễn Tú biên soạn, sở Văn hóa Thông tin Quảng Bình ấn hành năm 1993 và gần đây có nhiều bài viết được đăng tải trên một số báo, kỷ yếu trong các cuộc hội thảo khoa học lịch sử. Tuy nhiên, để nhận diện đầy đủ một nhân vật đã trải qua những bước thăng trầm, công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Trai được thể hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ nhất và được nhà xuất bản Thuận Hóa in thành sách phát hành năm 2014.

Trong Lời nói đầu, tác giả Nguyễn Ngọc Trai viết: “Khi đọc các sách sử của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng như lịch sử Việt Nam, tôi thấy bất ngờ vì có rất nhiều tư liệu nói về cuộc đời, sự nghiệp của Hoàng Kế Viêm trong việc tiểu trừ giặc phỉ khi chúng làm mưa làm gió ở các tỉnh biên giới và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Tiếp đến, ông đã chỉ đạo quân đội triều đình đánh hai trận thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất...Vì sao lịch sử lại lãng quên ông suốt gần một thế kỷ sau khi ông qua đời?...” Lọc qua lớp bụi thời gian, Nguyễn Ngọc Trai đã cố gắng sưu tầm, tập hợp nhiều tư liệu trong và ngoài nước nhằm giới thiệu một cách đầy đủ thân thế, nhân cách, sự nghiệp của một nhân vật lịch sử đầy sóng gió.

Tác phẩm Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp có gần 400 trang sách khổ 16.24 được viết thành 14 chương.  Chương I và Chương II tác giả đề cập đến quê hương, truyền thống gia đình và sự hình thành nhân cách, tài năng của nhân vật Hoàng Kế Viêm.

Ở Chương I “Truyền thống gia đình” tác giả giới thiệu đến vùng đất Văn La, một địa danh nổi tiếng đất văn vật, được truyền tụng là một làng trong bát danh hương của Quảng Bình, nơi họ Hoàng Văn La định cư, lập nghiệp “Đời đời ân đức truyền đến Văn Hoán”. Truyền thống đó được gìn giữ qua các thế hệ con cháu bởi có lời Hoàng thị Gia huấn của các vị tiền nhân. Từ Kinh thi “Hãy giữ mãi đạo hiếu. Phải lấy đạo hiếu làm phép tu thân” các vị tiền nhân họ Hoàng đã răn dạy con cháu: “Nhà ta xuất thân từ cảnh bần hàn, nay được đôi phần hiển đạt, há phải do tổ tiên tích đức mà hiển đạt mà có hay sao? Tiền nhân khai phá đầu nguồn mở rộng. Hậu thế khơi sâu, lạch suối chảy trong”. Tuân theo lời gia huấn của tổ tiên, con cháu họ Hoàng đã nối tiếp sự nghiệp của cha ông viết nên những trang kỷ sự rất đỗi tự hào của dòng họ mà nổi bật là đại thần Hoàng Kim Xán cùng các con ông là Hoàng Kim Thảng, Hoàng Kim Diệu, Hoàng Kế Viêm và các hậu duệ ở các đời sau.

Ở Chương II “Hoàng Kim Xán, người cha ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của ông” tác giả đã giới thiệu một cách đầy đủ thân thế sự nghiệp của người cha Hoàng Kế Viêm. Trích lược các sử sách của triều Nguyễn viết về Hoàng Kim Xán tác giả cho thấy ông là một vị đại thần làm quan đến chức Thượng thư, phụ trách nhiều trọng trách trong các bộ: bộ Lễ, bộ Công, bộ Hình, bộ Binh và Tổng tài nhưng vẫn giữ được thanh liêm, chính trực, một lòng vì nước, vì dân. Sử thần Phạm Hữu Nghị đời Tự Đức đã ca ngợi “ông là người công chính, thanh cần, trước sau một tiết bề tôi, hiền một đời”. Chính sự uyên bác và nhân cách lớn của người cha đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của Hoàng Kế Viêm sau này.

Từ Chương III  đến Chương VII, tác giả giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Hoàng Kế Viêm một cách toàn diện, đầy đủ nhất.

Ở Chương III “Hoàng Kế Viêm - đức sáng tài cao - con đường làm quan văn trải rộng” giới thiệu thân thế Hoàng Kế Viêm trong chặng đường đầu. Là một cậu bé thông minh được giáo dục theo những chuẩn mực của lễ giáo phong kiến, vào học trường Quốc Tử giám đỗ cử nhân năm Thiệu Trị thứ ba (1843), bổ nhiệm chức Tư vụ, hàm Quang Lộc Tự Khanh. Cũng năm đó ông trở thành Phò mã Đô úy khi lấy Công chúa Hương La, con gái thứ năm của vua Minh Mạng, em của vua Thiệu Trị. Khi  được cử giữ nhiều chức vụ ở các địa phương Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên, Khánh Hòa... Hoàng Kế Viêm đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp an dân, khuyến nông, đắp đê, chóng nạn đói...và đề ra nhiều chính sách cải tổ bộ máy được dân chúng yêu mến. Khi vào triều ông cũng đóng góp nhiều tấu trình thể hiện trí tuệ sắc sảo, một lòng vì nước, vì dân.

Ở Chương IV “Hoàng Kế Viêm với việc tiểu trừ giặc phỉ” tác giả đã tập hợp nhiều tư liệu để giới thiệu một Hoàng Kế Viêm trên mặt trận quân sự tài ba, quyết đoán nhưng cũng đầy mưu lược và hết sức nhân văn. Đối với các loại giặc phỉ ông phân loại để có những đối sách hiệu quả. Hoàng Kế Viêm tâu với triều đình xin thực hiện kế sách “Dĩ di công di” (dùng phỉ diệt phỉ) xác định quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc là lực lượng cần liên minh, hợp tác để tấn công tiêu diệt các toán phỉ khác. Chính đội quân Cờ Đen sau này đã trở thành một lực lượng đánh Pháp trong những ngày đầu ở Hà Nội. Tư liệu của các sự kiện trong giai đoạn này được tác giả sưu tầm một cách hệ thống, có căn cứ làm người đọc dể dàng bị thuyết phục.

Chương V “Hoàng Kế Viêm chống giặc Pháp”  tác giả đã phân tích khá sâu sắc bối cảnh lịch sử Hoàng Kế Viêm phải đối mặt và tập trung trình bày chi tiết diễn biến của hai chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất, tháng 12 - 1873 và lần thứ hai, tháng 5 năm 1883, trong đó với vai trò là Thống đốc chỉ huy đội quân của triều đình kết hợp với đội quân Cờ Đen đánh bại đội quân xâm lược Pháp khi chúng mới đặt chân lên Hà Nội. Chiến công của quân dân Hà Nội dưới sự chỉ huy của Hoàng Kế Viêm được ghi dấu đậm nét trong trang sử chống quân xâm lược trong những năm cuối thế kỷ XIX.

Ở Chương VI “Trở về kinh đô và về hưu” tác giả trình bày rõ hoàn cảnh lịch sử buộc Hoàng Kế Viêm phải rút lui trước cuộc chiến nhưng ông tuyệt đối không đầu hàng đội quân thực dân xâm lược. Trong các đề mục “Cuộc đối đầu giữa Pual Bert và Hoàng Kế Viêm và triều đình đầu hàng Pháp” tác giả trình bày rõ Hoàng Kế Viêm không hợp tác với Pháp và triều đình trong việc chống lại phong trào Cần Vương mà ông đã tìm mọi cách hạn chế sự đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp đối với phong trào yêu nước trong điều kiện có thể. Chính vì lẽ đó mà thực dân Pháp và triều đình thân Pháp đã vô hiệu hóa ông bằng cách cho về hưu.

Chương VIII “Hoàng Kế Viêm nhà văn hóa, nhà quản lý nhà nước giỏi”. Theo tác giả, Hoàng Kế Viêm là nhà quản lý nhà nước giỏi bởi trong quá trình làm quan ở các địa phương cũng như khi ở trong triều Hoàng Kế Viêm đã đề ra những quyết sách để củng cố bộ máy chính quyền với mục đích vì nước vì dân. Đó là những chủ trương khai khẩn ruộng hoang; thủy lợi và giao thông; cách tân đất nước; cải cách bộ máy hành chính, chấn chỉnh quan lại; đào tạo võ công... Là nhà văn hóa ông đã để lại nhiều áng thơ văn được các thế hệ đời sau lưu truyền.

Trong các Chương IX, X, XI tác giả giới thiệu một số bài viết, tư liệu trong và ngoài nước, trong các cuộc hội thảo và hậu duệ viết về ông. Đây là những đánh giá khách quan của người đương thời và đương đại khi nói đến một con người để lại nhiều tranh cãi nhưng tựu trung đều đánh giá đúng công lao của ông là một người yêu nước,  thương dân suốt cả cuộc đời mình.

Ngoài nội dung thân thế, sự nghiệp của Hoàng Kế Viêm được thể hiện suốt trong 11 chương của công trình nghiên cứu, tác giả đã cung cấp cho người đọc những tư liệu tham khảo quý hiếm để làm cơ sở cho việc đánh giá đúng công trạng của ông. Có thể nói đây là những đóng góp mới, vô cùng quan trọng của tác giả. Đó là các công điện của thống sứ An Nam, Khâm sứ Trung Kỳ, Phó sứ Vinh (bằng tiếng Pháp); báo cáo của Nguyễn Hữu Độ (bằng tiếng Hán) đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Mỗi trang tư liệu lịch sử đó đều được xác nhận chứng thực của cơ quan quản lý. Đặc biệt, trong những tài liệu tham khảo đó chúng ta còn thấy bản chụp lại một tư liệu quý là Une page de historie: Hoang Kê Viêm (Một trang lịch sử: Hoàng Kế Viêm) của L. Sogny, Thư ký hội những người bạn Huế  (A.V.H) nói rõ (mà trước đây còn nhiều uẩn khúc) cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của ông dưới con mắt của một người Pháp đương thời.

Khi làm quan ở các địa phương, Sogny viết: “Đi đến đâu ông đều được dân tình đánh giá cao do liêm khiết”. Năm 1870 được điều về triều đình ông làm bản tấu xin xua Tự Đức chấm dứt các cuộc du hành săn bắn, để chuyên lo hoàn tất việc nước. Cử chỉ này theo Sogny trong thời gian đó làm cho những quan lại nịnh hót nói xấu ông “ Viêm láo” nhưng nhà vua nói đó là phụng sự đất nước, có tư cách sáng ngời, không quan tâm đến những lời xúc xiểm.

Nhận định về vai trò của ông trong cuộc kháng Pháp lần thứ nhất, Sogny viết: “Một thời gian dài ông từng là linh hồn của cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ Pháp”. Trong việc ông chấp hành triều đình ra Quảng Bình phủ dụ các tướng lĩnh Cần Vương, Sogny cho biết: “Ông đến Đồng Hới nhưng kết quả chẳng được gì, vì sự hàng phục của loạn quân chỉ là bề ngoài thôi. (Việc đi phủ dụ và những báo cáo kết quả công việc là công việc giả tạo)”.

Mặc dù dưới nhãn quan của người Pháp, nhưng khi đánh giá Hoàng Kế Viêm Sogny vẫn dành những lời lẽ kính trọng: “Dù sự nghiệp, dù những phán xét mà người ta gán ghép cho ông có thế nào đi nữa, với cá tính riêng của mình, Hoàng Kế Viêm vẫn xứng đáng là một người có phẩm giá. Đó là một người An nam sắt đá, cao cả quen với những giới luật nghiêm khắc, thấm nhuần những thành kiến Nho giáo xưa mà vì đó, không đánh giá cao quan binh của chúng ta (chỉ quân Pháp) giầu sang và với điều này, ông thích sự mộc mạc của những thuần phong mỹ tục và cuộc sống ít hoa mỹ”.

Nhận định về đoạn đường đời khi về hưu của Hoàng Kế Viêm, Sogny viết: “Nhưng đối với một con người kiên cường như thế, về hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi. Sau một sự nghiệp vĩ đại và đầy sóng gió và dù được bao bọc bởi những vinh quang vẻ vang, vị công hầu vĩ đại này vẫn không hề giảm sút về ý chí”. Ông đã cho khai hoang những mảnh đất hoang hóa trong phủ Quảng Ninh và đưa người nghèo đến canh tác, sinh sống. Sogny có những nhận xét khá thú vị: “Cụ già cao gầy và còng lưng này thật sự là “người thoát sổ đoạn trường”. Ông sống một cuộc sống của người nông dân, ra sức không hề tính toán, khích lệ những người dân sống trong các thôn mới được hình thành, cho họ nhiều lời khuyên và hỗ trợ tài chính. Ông là người có vẻ đáng sợ, nhưng ông tự tạo cho mình sự vô tư và tình yêu thương đối với dân tộc”... Thiết nghĩ, bài viết của Sogny trong những trang tư liệu mà tác giả Nguyễn Ngọc Trai đưa vào công trình nghiện cứu của mình thật có giá trị để ta hiểu rõ hơn sự nghiệp, nhân cách của Hoàng Kế Viêm, một vị quan thanh liêm, hết lòng vì dân, vì nước.

Bên cạnh những tư liệu tham khảo bằng chữ viết tác giả còn cung cấp một số tranh ảnh tư liệu quý để giúp cho người xem hiểu được bối cảnh xã hội đương thời. Đó là những bức tranh về cuộc đổ bộ của quân Pháp do Francis Garnier chỉ huy tấn công thành Hà Nội, bức ảnh Cầu Giấy trong những năm nổ ra trận chiến; bức ảnh về H. Rivire trong trận đánh thành Sơn Tây; một số tranh vẽ về quan lại và binh lính xã hội đương thời. Ngoài ra còn một số ảnh chụp các sắc phong, văn bia, các di tích lịch sử liên quan đến Hoàng Kế Viêm giúp cho cuốn sách tăng thêm phần giá trị thẩm mỹ.

Hoàng Kế Viêm - cuộc đời và sự nghiệp là một công trình nghiên cứu khoa học lịch sử được thực hiện một cách nghiêm túc, có giá trị. Cảm ơn tác giả Nguyễn Ngọc Trai đã giúp cho người đọc hiểu được một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp của Hoàng Kế Viêm - một danh nhân lịch sử đáng kính trọng.

Phan Viết Dũng