.

Bi Ký có buồn không?...

Chủ Nhật, 08/03/2015, 14:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Bài thơ tình Phong Nha em rất hay và sâu lắng của Phạm Bá Chiểu có một khổ thơ nhắc đến hang Bi ký với cách hiểu lạ lẫm và táo bạo khiến tôi phải chú ý:

- Hang vui thế sao gọi là Bi Ký ?
Ký sự buồn về một cuộc tình chăng ?
Em chẳng nói chỉ mỉm cười tươi thế
Tóc vờn bay giữa sương, khói tràn giăng...

Đây là sự chơi chữ dụng công và hóm hỉnh (Hang vui thế sao gọi là Bi Ký ?/ Ký sự buồn về một cuộc tình chăng ?) mà tác giả muốn dành hỏi một em gái xem ra có vẻ rất "thụ động" (chẳng nói chỉ mỉm cười tươi thế/ tóc vờn bay giữa sương, khói tràn giăng). Với cách hỏi này, tác giả đã hiểu tổ hợp từ bi ký (trong địa danh Hang bi ký) theo nghĩa là một bài ký sự buồn, một áng văn buồn về một cuộc tình lãng mạn nào đó, dựa vào xúc cảm thi nhân! Từ sự bối rối của em gái trước câu hỏi của nhà thơ, ta có thể đoán chắc rằng, người em gái đi cùng tác giả không phải là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp của thắng tích Phong Nha, bởi vì, là hướng dẫn viên du lịch, hẳn nhiên cô phải biết rõ xuất xứ tên gọi quen thuộc Hang bi ký, cho dù với tên gọi này không phải đã hết đường bàn thảo.

Từ đầu thế kỷ trước nữa, các nhà thám hiểm - khoa học người Pháp đã phát hiện ra trong động Phong Nha có một hang có nhiều chữ Chàm viết lên vách hang động, khắc vào các tấm bia đá và các nhà thám hiểm đã ghi chép sự kiện này lại vào thư tịch. Người đời sau, khi khai thác động Phong Nha phục vụ du lịch đã hướng vào sự kiện này để đặt tên cho hang: Hang bi ký, với ngụ ý là hang có chứa các tấm bia đá khắc chữ, nhằm để phân biệt với những hang khác rất nhiều ở đây, đồng thời nhân đó chuyển tải những thông tin cổ xưa. Như vậy, rõ ràng bi ký  không hề là bài ký sự buồn, là áng văn buồn hiện đại nào về một  cuộc tình ở đây như nhà thơ nghi vấn cả.

pn
 

Song le, nhà thơ cũng đừng quá buồn, bởi sẽ có hai tình tiết dưới đây có khả năng biện minh phần nào cho sự nhầm lẫn của nhà thơ:

1. Quả tình, những người đặt tên cho hang đá muốn sử dụng cụm từ Hán Việt (Bi Ký) cho có vẻ cổ, nhưng theo tôi lại chưa chỉnh. Bằng chứng: trong Từ điển Hán - Việt của Nguyễn Tôn Nhan (NXB Từ điển bách khoa, năm 2003) có 8 chữ viết khác nhau có cùng âm đọc là bi, để chỉ hơn 8 nghĩa khác nhau. Trong số đó chỉ có duy nhất chữ bi (碑)có bộ thạch (đá) là để chỉ tấm bia bằng đá dùng khắc chữ lên đó mà thôi. Với chữ bi (碑) bộ thạch này, có những phối hợp tổ hợp từ sau đây:

- Bi bản (碑版): một loại bia ghi sự việc hay công đức
- Bi kiệt (碑碣): chỉ các loại bia đá nói chung.
- Bi minh (碑銘): bản văn khắc trên bia có ý khuyên răn
- Bi thiếp (碑帖): bản tô, bản rập từ bia đá.
- Bi văn: (碑文): bài văn, bài thơ, truyền sử... khắc trên bia đá.

Cũng tại Từ điển này, thống kê thấy có đến 18 chữ viết khác nhau có cùng âm đọc là ký để chỉ hơn 18 nghĩa khác nhau. Trong số này, chỉ có duy nhất chữ ký (記) có bộ ngôn (lời nói, chữ viết) là để chỉ sự viết lách, ghi chép, ghi nhớ..., nói chung là liên quan đến hoạt động ngôn ngữ. Với chữ ký (記) bộ ngôn này có những phối hợp tổ hợp từ sau đây:

- Ký danh (記名): ghi chép tên tuổi.
- Ký giả (記者): Người được giao ghi chép mô tả sự việc trong báo, hay tạp chí.
- Ký phủ (記府): nơi cất giữ sách vở, thư tịch
- Ký quá (記過): ghi nhớ lỗi lầm đã qua.
- Ký tính (記性): sức nhớ của một người
- Ký tụng (記誦): học thuộc.
- Ký ức (記憶): trí nhớ.

Thống kê dài dòng là để thấy, từ cả hai phía của các từ Bi (碑) và (記), trong ngữ pháp chữ Hán, ít nhất là trong từ điển này, đều không tìm thấy có sự phối hợp tổ hợp từ bi ký nào để chỉ về bất cứ điều gì, lại càng không thể có bi ký với nghĩa là tấm bia đá có khắc chữ theo cách nói của chữ Hán được. Đó chỉ có thể là bi minh 碑銘 (tấm bia khắc trên đó những lời răn), hoặc là bi văn 碑文 (tấm bia  khắc trên đó những bài thơ, bài văn. những truyền sử...). Ngày nay, những tấm bia chữ Chàm báu vật kia không biết lưu lạc phương nào, còn hay mất. Bản dịch những chữ khắc trên bia, chưa ai từng diện kiến, nên không rõ loại thể nào (minh hay văn), do đó, theo tôi nên gọi những tấm bia có khắc chữ Chàm từng tồn tại trong hang đá này là bi văn cho rộng rãi. Theo đó, hang chứa những tấm bia này phải gọi là Hang Bi Văn cho đúng ngữ pháp chữ Hán và đúng với thực tế đã được các nhà thám hiểm - học giả người Pháp khảo tả.

Như vậy, phải chăng sự đặt tên tù mù bi ký cộng với việc em gái tóc vờn bay giữa sương, khói tràn giăng xuất hiện quá đột ngột là nguyên nhân trực tiếp khiến nhà thơ hướng cảm xúc của mình  tới... bi ai: Ký sự buồn về một cuộc tình chăng?

2. Nhà thơ tình nổi tiếng Việt Nam Xuân Diệu đã từng viết hai câu thơ trong bài thơ “Mũi Cà Mau”: Tổ quốc tôi như một con tàu /Mũi thuyền xé sóng - mũi Cà Mau... khiến độc giả phải băn khoăn hỏi lại nhà thơ cho rõ, nhưng đến nay vẫn... chưa rõ, vì tác giả đã đi vào thiên cổ: Tổ quốc tôi như một con tàu / Mũi thuyền ta đó mũi tàu đâu?

Mới hay, sự nhầm lẫn có mặt ở khắp nơi, với mọi người, không có gì là quá ghê gớm, nếu không muốn nói là có những trường hợp người ta thấy không đến nỗi... dễ ghét. Vậy thì góp bàn để làm gì? Đơn giản là để thấy sự bình thường của một số sự nhầm lẫn hồn nhiên; theo đó, người viết những dòng này cũng là người bình thường, chẳng phải kẻ vạch lá tìm sâu, mà chỉ muốn góp phần tăng nồng độ thi ca một cách chân thành cho thơ của nhà thơ bác sỹ Phạm Bá Chiểu vốn đã rất hay mà thôi.

Bài thơ tình sâu lắng “Phong Nha em” của Phạm Bá Chiểu dài 20 khổ, dẫn ra dưới đây chỉ 3 khổ thơ đầu tiên thôi cũng đã thấy tình cảm của tác giả dành cho thắng cảnh nổi tiếng của quê hương là vô bờ bến biết nhường nào:  

Thần bút nào tả nổi một Phong Nha
Kiệt tác tuyệt vời của hóa công kỳ diệu
Em xinh thế dáng cong chiều yểu điệu
Phong Nha hóa thành em, hay em hóa Phong Nha?
Em đưa anh lướt dòng Son trong suốt
Lả lướt rong, đàn cá lội đáy sông
Bao núi đá vắt cạn mình dâng nước
Như tình ai luôn trong trẻo tuôn dòng
Cửa hang mở, hồn anh bay lạc mất
Giữa trần gian có thật một thiên đường!
Đôi cột nhũ nối trần hang xuống nước
Biến dòng Son thành tráng lệ thủy cung...

Bi ký không phải là một nỗi buồn và nhà thơ Phạm Bá Chiểu cũng đừng buồn về một chút nhầm lẫn hồn nhiên, bởi tôi tin rằng, chỉ chỉnh sửa một chút này thôi thì bài thơ biết đâu sẽ trở thành một thiên thi giữa rất nhiều thiên thi khác đã tụng ca một cách xứng đáng thắng tích Phong Nha.

Trần Hùng