.

Nhớ ngày đầu làm thầy giáo

Thứ Sáu, 05/12/2014, 14:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi nhận tờ quyết định hợp đồng giảng dạy từ tay thầy Trưởng phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Trong quyết định ghi đơn vị công tác là Trường PTCS Hướng Lập. Thầy Trưởng phòng đưa quyết định cho tôi với nụ cười rất tươi đầy vẻ thông cảm và lời động viên: “Tuổi trẻ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa là một nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng đó em, cố gắng lên em nhé!”, tôi “dạ” và cảm thấy lòng nao nao một tâm trạng khó tả. Bắt đầu từ đây tôi được là thầy giáo rồi. Ra khỏi phòng thầy Trưởng phòng tôi gặp một thầy giáo trẻ tuổi, thầy xem quyết định của tôi và mỉm cười: “Hướng Lập, xa đó nhưng tuổi trẻ thì sợ gì khó khăn”.

Sáng hôm sau, tôi sắp xếp mọi hành lý, ra chợ mua thêm mấy thứ lặt vặt chuẩn bị cho một cuộc sống mới nơi bản làng vùng sâu, với nhiệm vụ: “Cõng cái chữ lên với bản làng”. Như đã hẹn trước với bác tài xế xe buôn sắt vụn chuyến Khe Sanh-Hướng Lập, tôi được bác cho ngồi trên thùng xe. Chiếc xe Zin ba cầu cũ kỹ được “mông má” lại nhưng không che nổi sự già nua bắt đầu chậm chạp chuyển bánh.

Xe chạy theo đường 14, một nhánh của đường tây Trường Sơn, con đường đất đỏ, lở lói, đá lởm chởm. Hai bên đường, những vườn cà phê mới trồng của đồng bào xanh mướt, những ngôi nhà mới xây ngói mới đỏ tươi cứ lùi dần về phía sau. Xe chạy khoảng 2 tiếng đồng hồ, trời bắt đầu đổ nắng, hai bên đường không còn những rẫy cà phê nữa mà là những khu rừng le, rừng nứa ngút ngàn, tiếp đến là rừng già với những cây cổ thụ vài ba người ôm không xuể. Xe chạy rất lâu mới thấy xuất hiện một bản làng người Pa cô-Vân Kiều với vài chục nóc nhà sàn lụp xụp.

Chiếc Zin ba cầu chạy như bò trên những con dốc cao, mùi dầu máy khét lẹt. Đến gần trưa xe tới một chân đèo cao chót vót. Nghe bác tài bảo: “Tới đèo sương mù rồi mọi người xuống xe để tời”. Đúng với cái tên “Đèo sương mù”, giữa trưa mà sương mù bao phủ cả ngọn đèo nhìn thơ mộng như một bức tranh.

Trẻ em vùng cao học chữ. Ảnh: B.Chiến
Trẻ em vùng cao học chữ. Ảnh: B.Chiến

Xe dừng lại, người ta lấy một sợi dây cáp to bằng bắp tay móc một đầu vào xe, một đầu vào thân một cây to ở lưng chừng dốc. Bắt đầu tời, xe nổ máy, nhấn hết ga và đã có máy tời dây cáp hỗ trợ chiếc xe cứ thế bò ngược lên con dốc dựng đứng. Sau hai tiếng đồng hồ tời từng quãng như vậy xe cũng đã lên đến đỉnh dốc và bắt đầu đổ đèo. Qua hết đèo là bắt đầu địa phận xã Hướng Lập.

Trường PTCS Hướng Lập đóng ở bản Tà Rùng, một bản nằm giữa thung lũng rộng, suốt đêm ngày gió rít vù vù. Ngoài điểm trường chính ở đây còn có rất nhiều điểm trường lẻ cách nhau có khi cả hơn chục cây số đường rừng. Tôi vào trường với cảm giác bỡ ngỡ. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình đến công tác ở một nơi như vậy.

Trước mắt tôi là một ngôi trường với hai dãy nhà xây mới, trên mái lợp tôn đỏ chói, khu tập thể giáo viên là một dãy nhà phên nứa, mái lợp tranh. Tập thể sư phạm gồm 18 giáo viên toàn nam, tuổi đời từ 20 đến 25. Người lớn tuổi nhất là thầy hiệu trưởng mới 28 tuổi. Tất cả đón tôi với nét mặt hớn hở, vui tươi và những cử chỉ thân thiện, ân cần. Bữa cơm đầu tiên rất ấn tượng mà mãi đến sau này tôi không thể nào quên. Anh em giáo viên đã chuẩn bị một bữa thật thịnh soạn, có cả những hũ rượu cần lớn.

Tôi được phân công về điểm trường lẻ Cù Bai. Sáng sớm hôm sau, một giáo viên trẻ được cử dẫn đường cho tôi vào Cù Bai. Hai anh em tôi cơm nắm lên đường sớm. Con đường Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh giờ đây đang được khởi công để nâng cấp thành đường chiến lược trong thời kỳ mới. Đôi chỗ đã được xới lên để lát đá rất khó đi. Hai bên đường là những khu rừng già, cây cối rậm rạp,... Đi bộ khoảng 4 tiếng đồng hồ trèo đèo lội suối đến điểm trường Cù Bai.

Cù Bai là một bản rất đẹp nằm sát biên giới Việt - Lào bên cạnh con sông Sê Băng Hiêng hùng vĩ và thơ mộng. Dân ở đây 100% dân tộc Bru - Vân Kiều. Bản Cù Bai vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn, đi lại vất vả nhưng người dân rất hiếu học, con em của bản đã có người là cán bộ tận ngoài huyện.

Đón chúng tôi là 3 giáo viên còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi, thấy chúng tôi đến lũ học trò xúm vào nhau xì xào. Ở điểm trường này có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, có 3 giáo viên phụ trách cả 5 lớp, bây giờ thêm tôi nữa là bốn. Trường học có 2 phòng xây, còn lại là phên nứa lợp tranh. Ban đầu mới làm quen với học trò và người dân tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ, lạ lẫm, nhiều em học sinh nói chuyện với mình có khi còn nói cả tiếng dân tộc.

Tôi được các anh dẫn đi giới thiệu, làm quen với già làng, trưởng bản và những gia đình thân quen với nhà trường. Được mọi người giúp đỡ, động viên tôi cũng quen dần với cuộc sống và công việc. Khác với lúc mới lên, những đêm đầu tôi không tài nào ngủ được. Ban đêm nằm trong gian nhà lá nghe gió rít rì rào, thỉnh thoảng con vượn hú lên một tiếng trong veo làm tôi giật mình. Quen rồi tôi bắt đầu thực hiện “ba cùng” với dân, với học trò: “Cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc”. Rồi trình độ “ngoại ngữ” Vân Kiều của tôi khá lên rõ rệt và tôi đã có thể nói chuyện với đồng bào bằng tiếng của họ. Ban đêm, các anh Bộ đội Biên phòng, các trai bản còn dẫn chúng tôi đi Sim - một phong tục tìm vợ của người Bru-Vân Kiều.

Phong tục này cũng hay: trong bản người ta dựng một ngôi nhà chung, ở đó hàng đêm trai gái đến tuổi cập kè lên đó ngồi nói chuyện với nhau.. Nếu đôi nào có tình ý thì rủ nhau ra suối hoặc nơi kín đáo để tâm sự... Cũng từ đây mà họ nên vợ nên chồng từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Tôi không được đào tạo trình độ sư phạm nên tất cả bắt đầu từ đầu. Từ việc dạy từng chữ cái o, a đến các phép tính cộng, trừ. Khó khăn nhất là dạy lớp 1, có em tuổi gần bằng tuổi thầy, có em nói tiếng Kinh chưa rõ. Chúng tôi phải tận tình chỉ bảo từng li từng tý, không có một lời nói nặng bởi các em rất dễ tự ái, nếu thầy chỉ hơi nặng lời là bỏ về nhà ngay và thế là các thầy lại phải trèo đèo lội suối đến tận nhà dỗ dành các em mới chịu quay lại lớp. Nhiều hôm lên lớp gặp những tình huống dở khóc dở cười với các em nhưng chúng tôi cũng phải chịu khó để học sinh và dân bản được vui. Chúng tôi được học trò và nhân dân thương yêu, nể phục. Sau này, khi tâm sự với già làng tôi mới biết họ nể chúng tôi là vì “trong bụng thầy có nhiều cái chữ, làm cái gì cũng được”.

Bây giờ tôi đã là một thầy giáo được về dạy trên mảnh đất quê hương, những học trò người Bru - Vân Kiều của tôi giờ đây đã trở thành thầy, cô giáo trở về gieo cái chữ trên quê hương của họ. Tôi vẫn không thể nào quên được những tháng ngày tươi đẹp được dạy cái chữ cho các em nhỏ ở vùng biên giới thân yêu của Tổ quốc.

Trần Đức Trường