.

"Cây di sản Việt Nam" tại Quảng Bình, tại sao không?

Thứ Hai, 24/02/2014, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) lần đầu tiên triển khai hoạt động vinh danh “Cây di sản Việt Nam”. Mục đích cao cả của hoạt động này là nhằm lựa chọn và vinh danh những cây di sản của đất nước, góp phần bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu của Việt Nam, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với tự nhiên, môi trường, đồng thời quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng về giá trị khoa học cao của hệ thực vật đến công chúng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Theo số liệu thống kê, trong gần 4 năm qua, VACNE đã công nhận hơn 500 “Cây di sản Việt Nam”, thuộc trên 40 loài ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn chưa có cây nào được vinh danh.

Rừng lộc vừng (mưng) độc đáo của thôn Phú Thọ (An Thủy, Lệ Thủy) từ lâu đã nổi tiếng khắp xa gần bởi tuổi thọ lâu đời, diện tích rộng lớn và nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử lắng đọng. Anh Lê Văn Tiến, Trưởng thôn Phú Thọ, hào hứng chia sẻ, nhiều phóng viên báo, đài đã tìm đến rừng lộc vừng để đưa tin, viết bài, và cũng không ít khách thập phương tò mò, thích thú dừng chân để chiêm ngưỡng “kho báu” của cha ông để lại cho làng này. Để xác định được tuổi của rừng lộc vừng có lẽ là điều khó nhất, bởi chiến tranh, thiên tai đã làm mất mát, thất lạc nhiều tư liệu quý, các bậc cao niên cũng không còn trên cõi đời để làm nhân chứng sống.

Cụ Châu Văn Mạnh (79 tuổi, Phú Thọ, An Thủy) cho biết, kể từ khi sinh ra và lớn lên, cuộc đời của cụ đã gắn liền với rừng cây lộc vừng. Theo các bậc cha ông kể lại, hơn 400 năm về trước, Phú Thọ là một cồn nổi, xung quanh bao vây bởi sình lầy, lau sậy..., không có dân cư sinh sống. Những người dân ngụ cư đầu tiên của 3 họ lớn là họ Châu, họ Nguyễn, họ Đỗ đã đến đây khai khẩn và lập nghiệp. Ngay từ thuở sơ khai, người dân Phú Thọ đã biết chọn loại lộc vừng với sức sống bền bì, tán rộng, thân to, sừng sững hiên ngang để trồng làm vành đai chống gió bão, mưa lũ cho làng. Kể từ đó, rừng lộc vừng cứ tiếp tục được sinh sôi, nảy nở và tồn tại cho đến tận ngày nay.

Trước đây, diện tích rừng lộc vừng rộng lớn hơn rất nhiều, nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện tại, rừng lộc vừng chỉ khoảng 2 ha với hàng ngàn cây lớn nhỏ, theo tính toán của anh Lê Văn Tiến, trong đó có khoảng 300 cây lớn với đường kính từ 0,6-1,2 mét. Không chỉ mang giá trị sinh thái, rừng lộc vừng còn ẩn giấu bên trong nhiều ký ức về những giai đoạn lịch sử của mảnh đất Lệ Thủy anh hùng. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rừng là nơi ẩn náu, trận địa của bộ đội địa phương và không ít lần cũng là mục tiêu tấn công của giặc để triệt phá một địa thế phòng thủ vững chắc của quân ta.

Rừng lộc vừng ở Phú Thọ (An Thủy, Lệ Thủy).
Rừng lộc vừng ở Phú Thọ (An Thủy, Lệ Thủy).

Rừng còn lưu giấu những kỷ niệm tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương. Trận bão lịch sử số 10 vừa qua, cả rừng lộc vừng hầu như không hề có cây nào gảy đổ, vẫn bền gan trước cơn thịnh nộ của đất trời. Thấu hiểu các giá trị của rừng lộc vừng, thôn Phú Thọ thường xuyên duy trì những hoạt động bảo vệ, gìn giữ. Khi được hỏi về sự kiện vinh danh “Cây di sản Việt Nam”, anh Lê Văn Tiến không giấu nổi vui mừng, bởi nếu được như vậy sẽ là một điều rất vinh dự đối với người dân thôn Phú Thọ và thôn sẽ được hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng trong chặng đường bảo vệ, phát huy các giá trị của rừng lộc vừng. Đồng thời, “Cây di sản Việt Nam” sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để những giá trị tiềm ẩn nữa của rừng lộc vừng được phát hiện và bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Theo ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh, những cây có tiềm năm trở thành “Cây di sản Việt Nam” ở tỉnh ta còn khá nhiều, không ít trong số đó vẫn chưa được phát hiện. Ông Đinh Xuân Định, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết, Minh Hóa có các cây cổ thụ lớn, ong rừng tìm về làm tổ hàng trăm năm nay như cây Đèn (xã Hóa Sơn), cây Ngá (xã Hóa Sơn, xã Xuân Hóa), cây lùm rục nước mọc (xã Xuân Hóa)... Các cây này đã tồn tại hàng trăm năm, cao từ 30-50 mét.

Ngoài ra, còn có cây cổ thụ ở Quảng Thanh (Quảng Trạch), cây đa làng Cổ Hiền (Hiền Ninh, Quảng Ninh)... Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng, tỉnh ta vẫn còn nhiều cây cổ thụ đang sống trong lòng mỗi làng, bản, cộng đồng, chúng không chỉ là vật chứng sống của thời gian, cầu nối tâm linh giữa quá khứ và hiện đại, mà còn là đối tượng rất cần được quan tâm, bảo tồn và gìn giữ, phát huy các giá trị vốn có.

Vậy tại sao đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có được một “Cây di sản Việt Nam” được vinh danh? Chúng tôi mang câu hỏi này tìm đến ông Nguyễn Tiến Ngữ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, một trong những đơn vị theo lý thuyết sẽ kết hợp chặt chẽ với VACNE trong hoạt động này.

Ông Nguyễn Tiến Ngữ khẳng định, mặc dù Hội Sinh vật cảnh tỉnh mới thành lập được 5 năm, nhưng trong mọi hoạt động đều luôn nỗ lực để đạt những kết quả cao, ghi dấu ấn của Hội. Hội đã có ý tưởng và dự định về việc khảo sát, tìm hiểu để lựa chọn “Cây di sản Việt Nam” ở tỉnh ta từ lâu, nhưng do điều kiện kinh phí, cho nên vẫn chưa thực hiện được.

Trong năm nay, Hội dự kiến sẽ trình UBND tỉnh xin hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai hoạt động khảo sát, điều tra, chọn lọc cây di sản. Trong hoạt động ý nghĩa này, bên cạnh sự gắng tích cực của 2 Hội và 15 chi hội rộng khắp trong cả tỉnh, Hội Sinh vật cảnh tỉnh vẫn rất cần sự phối kết hợp chặt chẽ của không ít ban ngành liên quan. Đơn cử, chỉ việc xác định theo đúng tuổi, người trồng của cây di sản thôi cũng đã phải mất không ít công sức. Bởi như trường hợp rừng lộc vừng ở xã An Thủy (Lệ Thủy), một khi các nguồn tư liệu, nhân chứng không còn, sẽ cần có sự vào cuộc của phía các nhà khoa học, máy móc thiết bị hiện đại...

Muộn còn hơn không, trước sự phát triển nhanh chóng của hiện đại hóa, công nghiệp hóa và lối sống đô thị đang xâm nhập các vùng quê, bản làng từng ngày, nhiều cây cổ thụ của tỉnh ta vẫn đang chờ đợi để được vinh danh “Cây di sản Việt Nam”. Bởi phía sau sự vinh danh này chính là sự vào cuộc tổng lực, dài hơi của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy các giá trị quý giá mà các cây di sản mang lại.

Tiêu chí Cây di sản Việt Nam:

- Đối với cây tự nhiên: cây sống trên 200 năm; cao to hùng vĩ (cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân và cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, si thuộc chi Ficus); có hình dáng đặc sắc; đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hoá, lịch sử.

- Đối với cây trồng: cây sống trên 100 năm; cao to hùng vĩ (cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 20m, chu vi trên 10 m, đối với cây đa, si thuộc chi Ficus); có hình dáng đặc sắc; đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử.

- Đối với các cây khác: cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hoá, hoặc mỹ quan; cây cảnh độc đáo; các cây gần đạt các tiêu chí 2 nhóm nêu trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc văn hoá, hoặc lịch sử, hoặc mỹ quan.

Quy trình vinh danh “Cây di sản Việt Nam”

Để có thể được xét chọn là Cây Di sản Việt Nam, chủ sở hữu/quản lý cần nộp đơn đăng ký theo mẫu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam của Hội thẩm định, nếu đủ tiêu chuẩn thì báo cáo Lãnh đạo Hội. Trên cơ sở cân đối điều kiện thực hiện, Lãnh đạo Hội ra quyết định công nhận và phối hợp với chủ sở hữu/quản lý tổ chức lễ công nhận.

Mai Nhân