.

Toả sáng văn hoá Bru - Vân Kiều...

Thứ Ba, 03/12/2013, 14:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, chúng tôi lên với xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Đón chúng tôi, những thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trường Sơn tay bắt mặt mừng. "Đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường, khơi dậy và lưu giữ những tinh hoa văn hoá của người Bru - Vân Kiều là ước mơ của những người làm thầy như chúng tôi. Cảm ơn Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông Quảng Bình đã góp phần làm sống lại những giai điệu của quê hương...", thầy giáo Phan Thanh Lạng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú - THCS Trường Sơn tâm sự.

Khi các nghệ nhân Hồ Ai, Trần Văn Phúc và Hồ Thị Hồng thổi lên những điệu nhạc dìu dặt từ cây sáo, kèn aman, những gương mặt học sinh Bru - Vân Kiều chợt sáng lên. Và tôi chợt hình dung trong những đôi mắt, những ánh nhìn chăm chú ấy, là mênh mang ký ức của một dân tộc sống dọc dải Trường Sơn hùng vĩ. Đó là một buổi chiều bình yên trên nương rẫy, là ngày bản làng rộn ràng trong lễ hội mừng lúa mới, là giai điệu và vũ khúc vui tươi của lễ mừng đám cưới... Tất cả chợt ùa về bởi tiếng đàn, tiếng sáo và sự mê đắm của những nghệ nhân Bru - Vân Kiều.

Em Đinh Thị Ren, học sinh lớp 6B, nhà ở bản Sắt, tâm sự: "Cha mẹ và người dân bản em thỉnh thoảng vẫn múa mừng lúa mới, hát điệu tà oải, điệu ru con... nhưng em và các bạn không biết nhiều về các điệu múa hát của dân bản. Giờ được học lớp này, dù khó, em cũng cố gắng để sau này còn tham gia lễ hội với bản làng và thầy cô, bạn bè!". Còn em Nguyễn Thị Nhung, lớp 6A, nhà ở bản Cây Sú, cười bẽn lẽn: Em thích múa hát như bà con dân bản, thích thổi kèn aman như o Hồng (nghệ nhân Hồ Thị Hồng - PV) nên em sẽ cố gắng học. Em cũng thích múa mừng lúa mới, mừng đám cưới nữa...".

Đinh Thị Ren và Nguyễn Thị Nhung là hai trong số 20 học sinh người dân tộc Bru - Vân Kiều xã Trường Sơn hiện đang theo học tại Trường PTDT bán trú - THCS Trường Sơn được lựa chọn tham gia lớp phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống Bru - Vân Kiều vào trường học do Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông Quảng Bình phối hợp cùng Công ty TNHH truyền thông Cát Vàng tổ chức vào giữa tháng 11 vừa qua.

Sự chuyển giao văn hoá Bru - Vân Kiều giữa hai thế hệ.
Sự chuyển giao văn hoá Bru - Vân Kiều giữa hai thế hệ.

Ông Lê Thế Lực, Giám đốc Dự án phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Mê Kông tỉnh Quảng Bình cho biết: Xã Trường Sơn là một xã miền núi của huyện Quảng Ninh. Xã có 939 hộ với 3.972 khẩu, trong đó có 549 hộ với 2.407 khẩu là người Bru-Vân Kiều. Xã có địa thế tự nhiên tuyệt vời và văn hóa giao thoa giữa hai dân tộc Kinh và Vân Kiều, nằm trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh; có tiềm năng rất lớn về du lịch với các danh thắng, các điểm du lịch văn hóa cộng đồng, trong đó đặc biệt là nền văn hoá truyền thống của người Bru - Vân Kiều với những điệu hát, điệu múa, các lễ hội.

Việc phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru - Vân Kiều cho các em học sinh lần này nhằm trang bị cho những vốn kiến thức để các em học sinh biết và lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể, kịp thời đẩy lùi nguy cơ mai một, thất truyền các giá trị nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người Bru-Vân Kiều. Bên cạnh đó, lớp học còn nhằm khơi dậy các lễ hội nơi đây và kết hợp phát triển du lịch, thu hút du khách đến với tour du lịch từ Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung và xã Trường Sơn nói riêng, góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương...

Với mục đích ấy, trong năm 2013, Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông Quảng Bình đã tổ chức được ba lớp phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống Bru - Vân Kiều. Ở lớp đầu tiên đã quy tụ được những gương mặt già làng trưởng bản, những nghệ nhân xuất sắc... nhằm khôi phục lại những làn điệu, nhạc cụ gần như đã bị mai một. Họ chính là những hạt nhân quan trọng để khơi dậy các giá trị văn hoá truyền thống của làng quê.

Cùng nhau giao lưu, gặp gỡ và ôn lại những giai điệu, cách thức sử dụng nhạc cụ, họ đã làm sống lại những giá trị văn hoá của quê hương. Sau đó, lớp truyền dạy được tổ chức cho đối tượng thanh niên của các bản đã mang lại những hiệu quả rõ rệt khi phong trào văn hoá, vặn nghệ của các bản làng nơi đây sôi nổi hơn. Không dừng lại ở đó, lớp học thứ ba được tổ chức cho các em học sinh người dân tộc Bru - Vân Kiều với mục đích các em sẽ trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai, là những hạt nhân tích cực góp phần lan toả nét đẹp văn hoá trong môi trường giáo dục.

Nói về hoạt động này, bà Hồ Thị Hồng Hà, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định: Những năm học vừa qua, nội dung đưa văn hoá truyền thống, đặc biệt là các làn điệu đàn và hát dân ca vào nhà trường, là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm lưu giữ và phát triển nét đẹp của quê hương. Ngành Giáo dục - Đào tạo đã tích cực triển khai hoạt động này với các cuộc thi đàn và hát dân ca từ cơ sở đến cấp tỉnh trong hệ thống các trường học. Sự chung tay góp sức của Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông nói riêng và các tổ chức xã hội nói chung, đã và đang góp phần quan trọng để mang lại thành công cho nội dung này...

Với tâm huyết và nỗ lực của Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông Quảng Bình cùng các cá nhân, tổ chức và của cả cộng đồng, bước đầu những nét đẹp văn hoá truyền thống của người Bru - Vân Kiều đã được đánh thức và lưu giữ, tránh được nguy cơ thất truyền. Và quan trọng hơn, những giá trị ấy được neo giữ trong những tâm hồn trẻ, để mai này sẽ song hành cùng họ đi đến tương lai...

Ngọc Mai