.

Điện châm: Phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc

Thứ Hai, 24/04/2017, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, chữa bệnh không dùng thuốc đang là trào lưu mà nhiều người muốn hướng tới. Có rất nhiều phương pháp phòng, trị bệnh không dùng thuốc, như: luyện khí công, dưỡng sinh, năng lượng sinh học, năng lượng cảm xạ, thiền dưỡng sinh, yoga... Ngoài ra, còn những phương pháp: vật lý trị liệu, hóa học, cơ học, quang học, nhiệt học, tâm lý trị liệu... Điện châm cũng là một trong những phương pháp chữa bệnh hiệu quả không dùng thuốc.

Điện châm tức là dùng một máy điện tử tạo xung điện ở tần số thấp, kích thích và điều khiển sự vận hành của khí huyết, sự hoạt động của các cơ, các dây thần kinh, các tổ chức, làm tăng cường sự dinh dưỡng của các tổ chức, đưa trạng thái của cơ thể về thăng bằng ổn định, qua các kim đã châm trên kinh huyệt. Khi châm kim vào huyệt, diện tích tiếp xúc của cực điện hết sức nhỏ (từ 0,1 – 0,5 cm2), nên mật độ điện tích trên một đơn vị diện tích trở nên rất cao, chính vì thế mà chỉ cần đưa vào huyệt một công suất điện hết sức nhỏ cũng gây ra một tác dụng kích thích mạnh.

Đây là phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu (y học cổ truyền) với phương pháp chữa bệnh bằng dòng điện (y học hiện đại).

Theo bác sĩ Hoàng Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, hiện nay trong điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, điện châm là một phương pháp phổ biến nhất và được chỉ định, đạt hiệu quả rất cao đối với các bệnh lý mãn tính. Phương pháp này  dùng các dòng xung điện để kích thích các cơ bại liệt, chống đau, tăng cường tuần hoàn ngoại vi...

Bệnh nhân Bùi Thị Lữ, ở phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) cho biết: “Tôi bị tai biến, đến đây được các bác sĩ chăm sóc tận tình chu đáo, được điện châm kích thích các cơ bại liệt, đến nay cơ bản đã có thể phục hồi được 70 - 80%”.

Điện châm là một trong những phương pháp chữa bệnh hiệu quả không dùng thuốc.
Điện châm là một trong những phương pháp chữa bệnh hiệu quả không dùng thuốc.

Các bước tiến hành châm điện:

- Chọn huyệt để châm thường có nhiều, song không phải tất cả đều phải được kích thích điện mới tốt. Nguyên tắc lớn trong điều trị điện là dòng điện phải đi qua nơi cần điều trị hay cực điện phải đặt trên vùng da có cùng tiết đoạn thần kinh với nơi cần điều trị. Do đó, chỉ cho điện kích thích lên huyệt khi nào yêu cầu của châm cứu và của điều trị điện phù hợp với nhau.

- Chọn dòng điện và cực điện: Trước mỗi bệnh cụ thể, muốn chọn dòng điện nào, cần lưu ý xem lại tác dụng sinh lý, tác dụng chữa bệnh của dòng điện của máy có phù hợp với bệnh cần chữa không? Nói chung, dòng diện một chiều thích hợp nhất với điều trị bệnh mạn tính, những trường hợp cần phục hồi dinh dưỡng của các tổ chức. Trong khi đó, dòng điện xung có tác dụng tốt trong chống đau, kích thích cơ bại liệt, tăng cường tuần hoàn cho những vùng bị giảm tuần hoàn do lạnh, viêm, co thắt... Việc chọn cực điện rất quan trọng mà thường bị bỏ quên vì tác dụng của cực âm và cực dương hoàn toàn trái ngược nhau. Do đó, tùy theo yêu cầu của vị trí đặt cực điện mà chọn cực kích thích. Chọn cực âm: dùng kích thích thần kinh cảm giác, tăng mẫn cảm, tăng trương lực cơ và thần kinh, tăng hoạt động dinh dưỡng và chuyển hóa. Chọn cực dương: dùng ức chế thần kinh cảm giác, giảm mẫn cảm, giảm trương lực cơ và thần kinh, giảm đau, giảm co thắt.

- Tiến hành kích thích điện trên kim: Sau khi đã đặt các cực nối điện vào kim, theo yêu cầu của chữa bệnh, kiểm tra lại máy móc trước khi vận hành, tất cả các núm điện phải ở vị trí 0 (công tắc đóng). Trên các kim đã châm, chọn lắp điện cực theo yêu cầu của chữa bệnh, nối điện cực vào kim. Bật công tắc cho máy chạy, xem đèn báo, vặn núm điều khiển công suất điện kích thích tăng từ từ, đạt đến mức độ yêu cầu của điện thế và cường độ thích ứng với từng người bệnh (người bệnh có cảm giác dễ chịu hay hơi căng tức, chịu đựng được).

Bác sĩ Thoa cho biết thêm, liệu trình chữa bệnh bằng điện châm nói chung cũng giống như châm cứu, thủy châm. Thời gian của mỗi lần điều trị cần dựa vào sự tiếp thu kích thích của từng người bệnh, trong từng bệnh, từng lúc, đối với từng loại dòng điện mà quyết định. Nói chung, cần theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh nhân sau khi châm lần thứ nhất. Nếu bệnh giảm, không có mệt mỏi, mất ngủ.... duy trì thời gian kích thích.Nếu bệnh giảm, kèm mệt mỏi, mất ngủ... tổng lượng kích thích quá mạnh, cần giảm thời gian kích thích. Trung bình ngày châm một lần hay cách ngày châm một lần, từ 10 đến 15 lần điện châm là một liệu trình, nghỉ từ 10 đến 15 ngày rồi tiếp tục tùy theo yêu cầu chữa bệnh. Khi gặp người bệnh có cơn đau liên tục, có thể ngày điện châm vài lần.

Tuy nhiên, phương pháp điện châm không nên sử dụng đối với những bệnh nhân có tiền sử co giật, động kinh, bệnh tim, đột qụy hoặc đối với bệnh nhân sử dụng máy trợ tim. Không nên thực hiện điện châm ở vị trí đầu hoặc cổ họng, hoặc trực tiếp qua tim.

Điện châm là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc phổ biến ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cũng như ở khoa đông y của các bệnh viện hiện nay, bởi vậy, bệnh nhân không nên tự ý tới các cơ sở y tế ngoài luồng mà phải qua bệnh viện để có sự chẩn đoán, tư vấn, khuyến cáo của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Phạm Hà